Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giải Quyết Hài Hòa Bài Toán Lợi Nhuận Trong Chuỗi Sản Xuất Lúa

Giải Quyết Hài Hòa Bài Toán Lợi Nhuận Trong Chuỗi Sản Xuất Lúa
Ngày đăng: 02/11/2012

Mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã và đang được triển khai rộng khắp cả nước như là một hướng đi bền vững nhất trong phát triển nền sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện đại. Tuy nhiên, giữa việc nơi nơi đua nhau triển khai, nhân rộng, công ty nối tiếp công ty đẩy mạnh đầu tư và hàng trăm ngàn nông dân phấn khởi hưởng ứng thì nên chăng có sự nhìn nhận lại một cách tổng quan nhất về toàn bộ mô hình và sự phân chia lợi nhuận trong chuỗi sản xuất để có thể phát triển, nhân rộng theo đúng định hướng. Đây cũng là việc cần làm nhằm tái cơ cấu, đưa nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, mỗi người một kiểu và mô hình dần đi vào quy luật… thoái trào. 
Sự bền vững đã được xác định

Mô hình CĐML đầu tiên được triển khai tại An Giang do Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang thực hiện từ giữa năm 2010. Đến khoảng tháng 3 - 2011, mô hình được Bộ NN&PTNT phát động nhân rộng. Vụ hè – thu 2011, toàn khu vực ĐBSCL đã có 13 tỉnh, thành với 6.400 hộ tham gia xây dựng CĐML, đạt 7.800 ha. Vụ đông xuân 2011 - 2012, diện tích CĐML đã tăng lên 15.500 ha, trong đó 8 địa phương phát triển mạnh gồm: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Tây Ninh. Hầu hết các CĐML thực hiện ở ĐBSCL và cả vùng Nam bộ đều thành công về năng suất, chất lượng, giá thành sản xuất, thu mua, tiêu thụ.

Từ đó, bài toán về lợi nhuận trên đơn vị diện tích sản xuất được đảm bảo, nông dân tham gia mô hình không còn cảnh "nơm nớp" nỗi lo giá bán trồi sụt. Trên hết, mô hình đã đạt đích đến cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người trồng lúa. Theo đó, lợi nhuận tăng thêm so với khu vực sản xuất ngoài mô hình đạt từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha. Cá biệt, có tỉnh như Trà Vinh, lợi nhuận tăng thêm đạt đến 7,5 triệu/ha, nâng tổng lợi nhuận bình quân đạt mức 26 - 27 triệu đồng/ha. Còn ở các tỉnh phía Bắc, mô hình CĐML, vụ đông xuân 2011 - 2012 có 4 tỉnh tham gia thực hiện, trong đó Thanh Hóa 300 ha với 2 CĐML, Nam Định 560 ha với 12 CĐML, Thái Bình 240 ha với 3 CĐML và Hà Nội 3.500 ha với 31 CĐML. 
CĐML đã mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững, giải quyết tốt vai trò phát triển khách quan của quy trình sản xuất lúa hiện đại. Chỉ hơn một năm hình thành, phát triển, mô hình đã bộc lộ hàng loạt ưu điểm cần được thừa nhận. Điển hình như: Đảm bảo lịch thời vụ gieo sạ đồng loạt theo từng vùng, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trên cơ sở các kỹ thuật đã được ứng dụng rộng như "3 giảm, 3 tăng" hay "1 phải 5 giảm", ghi chép nhật ký đồng ruộng cùng tiến trình kiểm soát sát sao của các kỹ sư nông nghiệp và đặc biệt là áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, phơi sấy đúng quy trình, đảm bảo lượng gạo hàng hóa nhiều, ổn định từ đó xây dựng được thương hiệu hàng hóa cho hạt gạo Việt Nam... 
CĐML – lời giải của bài toán hài hòa lợi ích?

Với những kết quả khả quan, mô hình CĐML đóng vai trò quan trọng trong việc tìm đáp án cho việc phân chia lợi nhuận trong chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản Việt Nam nói chung, cây lúa – hạt gạo nói riêng . Nhìn từ góc độ các quốc gia có quy trình phát triển nông nghiệp hiện đại trong khu vực, điển hình như Thái Lan, tất cả các khâu từ chính sách ưu đãi trong sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu, phát triển giống chất lượng cao, xây dựng thương hiệu, quản lý thương hiệu, dự báo kinh tế, xuất khẩu mặt hàng gạo thế giới đến việc thu mua, ổn định nguồn gạo, giá cả… cho nông dân luôn được chính quyền từ trung ương đến địa phương triển khai đồng loạt, hiệu quả. Từ đó, Thái Lan luôn đứng đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo trên cả hai phương diện chất lượng, giá cả. 
Mô hình CĐML ở Việt Nam đã giải quyết được những vấn đề gì trong chuỗi phân chia giá trị trên? Một thời gian dài, chuỗi giá trị trong nông nghiệp nói riêng và trong tất cả các quy trình sản xuất nói chung đều hướng lợi ích về một phía. Điều dễ nhận thấy, với sự phân chia như thời gian qua, người nông dân luôn ở thế yếu nhất, lợi ích thấp nhất, rủi ro cao nhất; hàng sáo là khâu trung gian phần lớn lấy công làm lời; doanh nghiệp thu mua hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi, nhất là nguồn vốn tín dụng, định đoạt giá mua và thu lời chênh lệch thị trường…

Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở phần nhỏ khoảng từ 15% đến 25% trong chuỗi giá trị. Thực tế lúa gạo Việt Nam xuất khẩu đều là xuất thô, gạo cấp thấp và hầu hết là chưa có thương hiệu. Vậy nên, các doanh nghiệp nước ngoài, tập đoàn phân phối nhập khẩu gạo Việt, xây dựng thương hiệu, định giá bán đến tay người tiêu dùng có giá trị gấp hàng chục, hàng trăm lần giá trị hạt gạo đầu vào từ người sản xuất mới là đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ chuỗi giá trị ấy. Bằng việc xây dựng mô hình CĐML, chúng ta đã và đang hình thành được chuỗi lợi ích hài hòa giữa doanh nghiệp và nông dân.

Việc phân chia lợi nhuận trong chuỗi giá trị cơ bản đảm bảo với: Nguồn cung đầu vào ổn định (giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật), chất lượng (kiểm soát canh tác bằng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt), được gắn kết đầu ra bằng hợp đồng kinh tế. Tổng lượng hàng hóa thu được (lúa hàng hóa – gạo thương phẩm) chất lượng, ổn định. Xây dựng được thương hiệu xuất khẩu. Các chính sách hỗ trợ được phân chia từ gốc đến ngọn mà không bị "rơi rụng" qua các khâu trung gian… Mô hình "khép kín" tương đối hoàn chỉnh này đã và sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu lúa gạo, ngân hàng, trang trại, hợp tác xã nông dân… liên kết lại, chấm dứt sản xuất manh mún, cạnh tranh thiếu lành mạnh, hướng đến một mô hình các tập đoàn sản xuất nông nghiệp hiện đại. 
Tiến tới xây dựng nền nông nghiệp hiện đại

Dù được đánh giá cao, nhưng mô hình CĐML đang triển khai ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều bất cập về lợi ích nhóm, các chính sách hỗ trợ, chế tài quản lý… Nhưng có thể khẳng định, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại trong quá trình tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng không hướng nào khác là củng cố, xây dựng phát huy tiềm lực của mô hình CĐML. Nhưng vấn đề là làm gì và làm như thế nào?! 
Người nông dân Việt Nam từ lâu đã quen sản xuất theo tập quán truyền thống, canh tác theo nông hộ quy mô nhỏ, trình độ kỹ thuật và tiếp cận khoa học kỹ thuật khác nhau. Vì vậy, công tác khuyến nông đã đến lúc cần đầu tư bài bản hơn; tập huấn, hướng dẫn, ứng dụng, chuyển giao thành tựu khoa học nông nghiệp hiện đại cho nông dân phải được làm hết sức kỹ lưỡng. Bên cạnh là chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, chính sách ưu đãi đối với các kỹ sư nông nghiệp như mô hình FF (Friend Farm: Bạn của nông dân) mà Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang ứng dụng trong xây dựng mô hình CĐML khu vực ĐBSCL những năm qua…

Cần có sự liên kết 4 nhà trong CĐML với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu hàng hóa vững mạnh trên trường quốc tế. Việc triển khai mô hình CĐML thời gian qua vẫn còn nhiều nơi bị phá vỡ từ cả hai phía: Nông dân – Doanh nghiệp. Do đó, chính sách pháp lý và vai trò trọng tài phân xử, huýt còi cần được thể hiện rõ hơn từ phía Nhà nước. Thời gian qua, mô hình chỉ dừng lại ở thí điểm, nên một số nơi chính quyền địa phương cùng chung tay trực tiếp chỉ đạo, huy động lực lượng để xây dựng.

Tuy nhiên, thời gian tới, cần phải tính ngay đến việc đào tạo đội ngũ quản lý mô hình chuyên nghiệp, có thể chính các nông dân hoặc củng cố lại hoạt động các hợp tác xã trong hệ thống liên minh hợp tác xã hiện nay… Cuối cùng, việc Nhà nước phải đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Không thể phát triển sản xuất hiện đại, bền vững mà dựa trên nền móng là một cơ sở hạ tầng yếu kém. Đây là vấn đề gắn chặt với công tác triển khai xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới mà Đảng, Nhà nước cùng nhân dân cả nước đang chung tay xây dựng.


Có thể bạn quan tâm

Bài Học Từ Việc Bỏ Cây Ca Cao Bài Học Từ Việc Bỏ Cây Ca Cao

Đầu năm 2014, ACDI/VOCA, một trong những tổ chức tham gia hỗ trợ, tập huấn nông dân trồng ca cao từ đầu, công bố lý do vì sao nông dân chặt bỏ cây ca cao khi giá hạt ca cao giảm còn trên dưới 30.000 đồng/kg.

07/05/2014
Ngành Điều Đối Phó Với Cạnh Tranh Trung Quốc Ngành Điều Đối Phó Với Cạnh Tranh Trung Quốc

Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết ngành xuất khẩu hạt điều đang đối mặt với nguy cơ sụt giảm sản lượng và thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu vì sức ép cạnh tranh từ Trung Quốc.

24/05/2014
Tìm Hướng Nâng Cao Giá Trị Khoai Lang Tìm Hướng Nâng Cao Giá Trị Khoai Lang

Vĩnh Long có hơn 10.000ha khoai lang, nhưng hiện vẫn chưa có vùng sản xuất giống cung ứng tại chỗ. Gần 90% nông dân phải mua dây giống từ nơi khác hoặc trao đổi để trồng, dẫn đến tình trạng nhiều giống khoai bị thoái hóa, sinh trưởng kém, sâu bệnh tăng và năng suất giảm.

07/05/2014
“Đóng Mác” Cá Tra Mừng Và Lo “Đóng Mác” Cá Tra Mừng Và Lo

Chính phủ vừa ban hành nghị định số 36 (hiệu lực từ ngày 20/6/2014) về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra đang thu hút sự quan tâm của nhiều thương nhân, doanh nghiệp, người dân...

24/05/2014
Nông Dân Đua Tài Nuôi Bò Lai Nông Dân Đua Tài Nuôi Bò Lai

Hội thi vừa được Hội ND tỉnh tổ chức tại thôn Long Đại, xã Hiền Ninh. Mỗi chi hội lựa chọn 5 cặp bò mẹ và bê lai từ 10 tháng tuổi trở xuống tham gia hội thi.

24/05/2014