Giải Pháp Thoát Nghèo Hiệu Quả
Bên cạnh hỗ trợ vốn vay cho những hộ nghèo, hộ có nhu cầu làm ăn phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp người dân có đời sống tốt hơn.
Trong năm 2012, xã đã kết hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp mở 4 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gồm: 2 lớp may công nghiệp, 1 lớp trồng lúa, 1 lớp nuôi động vật hoang dã, với 120 học viên tham gia. Sau khi hoàn thành khóa học, khoảng 85% học viên các lớp may công nghiệp tìm được việc làm, 70% học viên của lớp nuôi động vật hoang dã phát triển mô hình chăn nuôi tại nhà, 100% học viên lớp trồng lúa biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế.
Ông Phan Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thạnh, cho biết: “Địa bàn xã nằm gần một số nhà máy, xí nghiệp, nên chúng tôi xác định tạo điều kiện để người dân có việc làm là một trong những định hướng chủ đạo giúp người dân có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo”. Vận dụng được các nguồn lực, thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động để người dân tự lực vươn lên đã góp phần không nhỏ vào thành công trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Đa số người dân trên địa bàn đã nhận thức được việc tham gia học nghề, tìm việc làm, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, tăng gia sản xuất phát tiển kinh tế gia đình.
“Mấy năm trước, địa phương có hỗ trợ gia đình 5 triệu đồng để cải tạo vườn quít. Nhờ vậy, 1 công quít của gia đình tôi đạt năng suất cao. Lợi nhuận từ vườn quít, tôi tiếp tục mướn thêm 3 công đất mở rộng diện tích cây trồng này. Giờ mấy công quít đang phát triển rất tốt, năm nay hứa hẹn sẽ có được một vụ mùa khả quan”- bà Cao Ánh Xuân, ở ấp Long Hòa B, xã Long Thạnh, vui mừng chia sẻ. Ngoài ra, 2 người con gái của bà là Trần Kim Cương và Trần Thị Kim Ngân, sau khi tham gia lớp đào tạo nghề may công nghiệp cho lao động nông thôn năm 2012, được địa phương giới thiệu vào làm việc cho Công ty TNHH MTV Giáp Quán Thăng, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, thu nhập hơn 3 triệu đồng/người/tháng. Nhờ vậy, từ hộ nghèo, gia đình bà đã vươn lên khá giả.
Cũng nhận được sự trợ giúp từ địa phương, ông Trần Ngọc Văn, ở ấp Long Trường, xã Long Thạnh, cho biết: “Mấy năm trước, trồng lúa nhưng hiệu quả không cao, tôi chuyển đổi sang trồng hoa màu. Nhờ địa phương cho vay 5 triệu đồng để mua giống, phân, thuốc, nên 3 vụ hoa màu vừa rồi cho thu nhập ổn định. Tôi đã đăng ký thoát nghèo trong năm nay”. Nhờ biết chuyển đổi cây trồng phù hợp, nên hiện tại gia đình ông Văn đã có mức thu nhập ổn định từ 3 công cà phổi và hành lá. Được biết, với giá bán hiện nay, mỗi công cà phổi cho ông mức lợi nhuận khoảng 10 triệu đồng/năm; mỗi công hành cũng cho lợi nhuận 15 triệu đồng/năm. Theo dự định, năm sau ông sẽ tiếp tục mướn đất để trồng thêm các loại hoa màu khác, như: cải xanh, đậu cô ve...
Nhờ sự giúp đỡ của địa phương và sự tự lực vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2012 của xã giảm hơn 3,5% so với đầu năm 2012. Đây là thành quả rất đáng khích lệ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Thạnh trong thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
Là một địa phương có thế mạnh về đất đỏ ba dan phù hợp với các loại cây trồng lâu năm, trong đó có cây ăn quả, những năm qua, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã đầu tư trồng thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới là cây dài ngày như cây chanh leo, bời lời đỏ, thanh long ruột đỏ... nhằm tìm ra những loại cây phù hợp đưa lại giá trị kinh tế cao, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh từ đất đai và lao động. Cây thanh long ruột đỏ là một trong những loại cây trồng mới được các hộ nông dân đưa vào trồng thử nghiệm cho hiệu quả kinh tế khá.
Vào trung tuần tháng 8 là mùa nhãn lồng Hưng Yên nhưng năm nay, bà con “ủ rũ” vì trong vườn xuất hiện những cây nhãn không quả.
Thời gian qua nhiều cơ sở nuôi cá tra thua lỗ, thậm chí bị phá sản do không bán được cá hoặc bán với giá thấp, tỉ lệ ao nuôi không chiếm 60 - 70%.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2015, các vùng dự án rau an toàn (RAT) của tỉnh tiếp tục được sản xuất với diện tích 157,5/360ha, đạt 43,7% kế hoạch năm. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án sản xuất RAT còn một số khó khăn nhất định, một số nơi mô hình chỉ dừng lại ở mức độ trình diễn.
Dù được đánh giá là thành công bậc nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long, song sau 40 năm triển khai và vận hành, Dự án thủy lợi Ngọt hóa Gò Công (gọi là Dự án ngọt hóa Gò Công) đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất bền vững trong vùng dự án là vấn đề được đặt ra tại Hội nghị “Giải pháp sản xuất lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng Dự án thủy lợi Ngọt hóa Gò Công” do UBND tỉnh vừa tổ chức.