Giải pháp nào để nâng cao chất lượng cà phê nhân xuất khẩu
Chất lượng cà phê giảm mạnh
Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về sản xuất cà phê, đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê Rosbuta.
Sản phẩm cà phê nhân của Việt Nam rất đa dạng với 20 loại quy cách khác nhau được phân loại dựa theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 1493:2005 trên các tiêu chí giống, kích thước hạt (cỡ sàng) và số lỗi (số lỗi trên 300g mẫu).
Theo đó, Niên vụ 2014 - 2015, mặt bằng chung của chất lượng cà phê giảm mạnh so với niên vụ 2013 - 2014.
Cụ thể, tỷ lệ cà phê sàng 13 loại R2 (5% đen vỡ) áp đảo với 33,1% (tăng gần 2% so với niên vụ 2013 - 2014), sàng 13R3 (25 - 35% đen vỡ) chiếm 3,36% (tăng gần 1%)…, trong khi đó, tỷ lệ cà phê chất lượng cao (sàng 16) giảm từ 0,6 - 3,72%.
Công nhân Công ty Cổ phần giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu Cafecontrol chi nhánh Đắk Lắk kiểm tra lỗi trên sản phẩm cà phê nhân.
Không chỉ kích thước hạt cà phê thấp mà tỷ lệ tạp chất trong các lô cà phê nhân cũng tăng cao với các lỗi phổ biến như cành que, mảnh vỏ quả, quả khô, đá sỏi, nhân đen, nhân oxy hóa, nhân trắng xốp, nhân nửa đen, nhân mốc...
Theo khảo sát, các yếu tố tạp chất tăng cao trong cà phê không chỉ làm cho màu sắc hạt cà phê xấu đi, giảm sức cạnh tranh trên thị trường mà còn làm “biến đổi” hương vị cà phê.
Qua quá trình kiểm định cho thấy, chất lượng thử nếm cà phê của niên vụ 2014 - 2015 chỉ đạt 65 - 69,40%, giảm khoảng 20% so với niên vụ trước do tỷ lệ tạp chất, hạt mốc, hạt lỗi kém chất lượng tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu Cafecontrol Đắk Lắk cho biết, thử nếm không quyết định hoạt động mua hay bán sản phẩm trên thị trường nhưng đó là yêu cầu cần thiết, gần như hợp đồng nào cũng có.
Bởi quá trình thử nếm có thể xác định được lỗi của cà phê do thu hái hay bảo quản để doanh nghiệp xuất khẩu có hướng xử lý trước khi xuất bán cho các đối tác.
Thông thường, các doanh nghiệp phải sơ chế bằng phương pháp tách hạt, đánh màu, đánh bóng…
Theo lý giải của các chuyên gia, sở dĩ kích cỡ hạt cà phê niên vụ 2014 - 2015 giảm mạnh so với những niên vụ trước do thời điểm tạo hạt, cây cà phê gặp hạn nên quả phát triển chậm, kích thước hạt nhỏ so với những năm trước.
Còn tỷ lệ hạt lỗi, tạp chất tăng cao do thời điểm thu hoạch gặp mưa khiến quá trình thu hoạch, sơ chế, bảo quản gặp nhiều khó khăn.
Cần chú trọng chế biến sau thu hoạch
Theo thống kê của Bộ NN - PTNT, Việt Nam hiện có khoảng 670.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó gần 90% diện tích nằm trong dân với quy mô nhỏ lẻ trên dưới 1 ha.
Trong khi đó, điều kiện kinh tế còn hạn chế nên đa số bà con gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế.
Nhiều gia đình thu hái quả xanh, phải ủ 3 - 7 ngày chờ quả chín mới sơ chế bằng phương pháp phơi thủ công.
Thực tế cho thấy, việc sử dụng máy móc trong quá trình sơ chế nông sản được nhiều nông hộ quan tâm, tuy nhiên đa số bà con sử dụng công nghệ cũ - xát dập quả tươi để tiết kiệm thời gian phơi, chính phương pháp này làm nhân cà phê bị sứt mẻ, dập nát tạo điều kiện cho các loại nấm có cơ hội xâm nhập vào nhân, làm giảm chất lượng cà phê thành phẩm.
Cùng với đó, việc đầu tư kho bãi để tạm trữ cà phê chưa bảo đảm khiến chất lượng cà phê nhân giảm mạnh, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch vào khoảng 10%.
Ông Nguyễn Văn Tám phân tích thêm, khi còn trên cây, nhân cà phê được vỏ quả bao bọc, bảo vệ, còn sau khi tách vỏ, hạt cà phê mất đi vỏ bao bọc nên nếu gặp thời tiết xấu, quá trình phơi sấy không bảo đảm thì các nấm mốc dễ dàng xuất hiện và tác động trực tiếp tới nhân cà phê, làm giảm chất lượng sản phẩm.
Công tác sơ chế, bảo quản sản phẩm cà phê sau thu hoạch có ý nghĩa quyết định đến chuỗi giá trị sản phẩm.
Hằng năm, vào đầu mỗi niên vụ, cơ quan chức năng đều có văn bản hướng dẫn thu hoạch, sơ chế, bảo quản cà phê, tuy nhiên diện tích cà phê nằm trong dân quá lớn khiến công tác quản lý thu hoạch, bảo quản khó khăn.
Trên thực tế, người dân vẫn còn thu hái theo kinh nghiệm và chưa tiếp cận được với các quy chuẩn chất lượng cà phê nhân.
Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Phú Lộc (Krông Năng) chia sẻ, thu hái cà phê có tỷ lệ chín cao, được nắng, bảo quản tốt giúp nâng cao chất lượng cà phê nhân và bán được giá hơn, tuy nhiên sức ép mùa thu hoạch rất lớn, đặc biệt là việc bảo vệ vườn cây khiến việc sơ chế, bảo quản bị xem nhẹ.
Ông mong muốn các cấp ngành chức năng cần có những giải pháp, chính sách hỗ trợ hợp lý giúp bà con tiếp cận với các gói tín dụng để mua sắm máy móc thiết bị phục vụ cho công đoạn chế biến cà phê sau thu hoạch…
Có thể bạn quan tâm
Hàng chục người hì hục len lỏi vào các khu rừng thốt nốt để đào bới tận gốc. Cây ngã xuống, có người khác bao bọc rễ cẩn thận, chuyển lên xe kéo ra đường chính...
Theo ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã có quy hoạch mở rộng vùng trồng quế lên 25.000ha từ nay đến năm 2025, tăng gấp 2,5 lần diện tích quế hiện nay.
Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hình thức nuôi tôm sú kết hợp với trồng lúa thời gian qua phát triển tương đối ổn định, thể hiện tính bền vững, hiệu quả, tăng trưởng nhanh về diện tích, năng suất và sản lượng.
Gà thả vườn là sản phẩm có ưu thế sẽ tạo thế cạnh tranh mạnh mẽ với gà ngoại nhập trong hiện tại và tương lai.
Gia hạn thời gian cho vay tạm trữ thóc gạo là một trong những giải pháp được Chính phủ triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gạo những tháng cuối năm.