Giải pháp nào để nâng cao chất lượng cà phê nhân xuất khẩu

Chất lượng cà phê giảm mạnh
Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới về sản xuất cà phê, đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê Rosbuta.
Sản phẩm cà phê nhân của Việt Nam rất đa dạng với 20 loại quy cách khác nhau được phân loại dựa theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 1493:2005 trên các tiêu chí giống, kích thước hạt (cỡ sàng) và số lỗi (số lỗi trên 300g mẫu).
Theo đó, Niên vụ 2014 - 2015, mặt bằng chung của chất lượng cà phê giảm mạnh so với niên vụ 2013 - 2014.
Cụ thể, tỷ lệ cà phê sàng 13 loại R2 (5% đen vỡ) áp đảo với 33,1% (tăng gần 2% so với niên vụ 2013 - 2014), sàng 13R3 (25 - 35% đen vỡ) chiếm 3,36% (tăng gần 1%)…, trong khi đó, tỷ lệ cà phê chất lượng cao (sàng 16) giảm từ 0,6 - 3,72%.
Công nhân Công ty Cổ phần giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu Cafecontrol chi nhánh Đắk Lắk kiểm tra lỗi trên sản phẩm cà phê nhân.
Không chỉ kích thước hạt cà phê thấp mà tỷ lệ tạp chất trong các lô cà phê nhân cũng tăng cao với các lỗi phổ biến như cành que, mảnh vỏ quả, quả khô, đá sỏi, nhân đen, nhân oxy hóa, nhân trắng xốp, nhân nửa đen, nhân mốc...
Theo khảo sát, các yếu tố tạp chất tăng cao trong cà phê không chỉ làm cho màu sắc hạt cà phê xấu đi, giảm sức cạnh tranh trên thị trường mà còn làm “biến đổi” hương vị cà phê.
Qua quá trình kiểm định cho thấy, chất lượng thử nếm cà phê của niên vụ 2014 - 2015 chỉ đạt 65 - 69,40%, giảm khoảng 20% so với niên vụ trước do tỷ lệ tạp chất, hạt mốc, hạt lỗi kém chất lượng tăng cao.
Ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần giám định cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu Cafecontrol Đắk Lắk cho biết, thử nếm không quyết định hoạt động mua hay bán sản phẩm trên thị trường nhưng đó là yêu cầu cần thiết, gần như hợp đồng nào cũng có.
Bởi quá trình thử nếm có thể xác định được lỗi của cà phê do thu hái hay bảo quản để doanh nghiệp xuất khẩu có hướng xử lý trước khi xuất bán cho các đối tác.
Thông thường, các doanh nghiệp phải sơ chế bằng phương pháp tách hạt, đánh màu, đánh bóng…
Theo lý giải của các chuyên gia, sở dĩ kích cỡ hạt cà phê niên vụ 2014 - 2015 giảm mạnh so với những niên vụ trước do thời điểm tạo hạt, cây cà phê gặp hạn nên quả phát triển chậm, kích thước hạt nhỏ so với những năm trước.
Còn tỷ lệ hạt lỗi, tạp chất tăng cao do thời điểm thu hoạch gặp mưa khiến quá trình thu hoạch, sơ chế, bảo quản gặp nhiều khó khăn.
Cần chú trọng chế biến sau thu hoạch
Theo thống kê của Bộ NN - PTNT, Việt Nam hiện có khoảng 670.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó gần 90% diện tích nằm trong dân với quy mô nhỏ lẻ trên dưới 1 ha.
Trong khi đó, điều kiện kinh tế còn hạn chế nên đa số bà con gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, sơ chế.
Nhiều gia đình thu hái quả xanh, phải ủ 3 - 7 ngày chờ quả chín mới sơ chế bằng phương pháp phơi thủ công.
Thực tế cho thấy, việc sử dụng máy móc trong quá trình sơ chế nông sản được nhiều nông hộ quan tâm, tuy nhiên đa số bà con sử dụng công nghệ cũ - xát dập quả tươi để tiết kiệm thời gian phơi, chính phương pháp này làm nhân cà phê bị sứt mẻ, dập nát tạo điều kiện cho các loại nấm có cơ hội xâm nhập vào nhân, làm giảm chất lượng cà phê thành phẩm.
Cùng với đó, việc đầu tư kho bãi để tạm trữ cà phê chưa bảo đảm khiến chất lượng cà phê nhân giảm mạnh, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch vào khoảng 10%.
Ông Nguyễn Văn Tám phân tích thêm, khi còn trên cây, nhân cà phê được vỏ quả bao bọc, bảo vệ, còn sau khi tách vỏ, hạt cà phê mất đi vỏ bao bọc nên nếu gặp thời tiết xấu, quá trình phơi sấy không bảo đảm thì các nấm mốc dễ dàng xuất hiện và tác động trực tiếp tới nhân cà phê, làm giảm chất lượng sản phẩm.
Công tác sơ chế, bảo quản sản phẩm cà phê sau thu hoạch có ý nghĩa quyết định đến chuỗi giá trị sản phẩm.
Hằng năm, vào đầu mỗi niên vụ, cơ quan chức năng đều có văn bản hướng dẫn thu hoạch, sơ chế, bảo quản cà phê, tuy nhiên diện tích cà phê nằm trong dân quá lớn khiến công tác quản lý thu hoạch, bảo quản khó khăn.
Trên thực tế, người dân vẫn còn thu hái theo kinh nghiệm và chưa tiếp cận được với các quy chuẩn chất lượng cà phê nhân.
Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Phú Lộc (Krông Năng) chia sẻ, thu hái cà phê có tỷ lệ chín cao, được nắng, bảo quản tốt giúp nâng cao chất lượng cà phê nhân và bán được giá hơn, tuy nhiên sức ép mùa thu hoạch rất lớn, đặc biệt là việc bảo vệ vườn cây khiến việc sơ chế, bảo quản bị xem nhẹ.
Ông mong muốn các cấp ngành chức năng cần có những giải pháp, chính sách hỗ trợ hợp lý giúp bà con tiếp cận với các gói tín dụng để mua sắm máy móc thiết bị phục vụ cho công đoạn chế biến cà phê sau thu hoạch…
Related news

Ông Dương Ánh Đông, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Tịnh Biên cũng xác nhận tình trạng xoài chết cây tại các vườn xoài thuộc khu vực đồi, núi. Đồng thời khuyến cáo, các chủ vườn cần chú ý theo dõi, chủ động phòng ngừa thích hợp để tránh thiệt hại, nhất là tăng cường giải pháp dinh dưỡng cho cây xoài; hạn chế xử lý kích thích ra hoa liên tục.

“Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) là huyện có lượng mưa rất ít, chỉ rộ 2 - 3 tháng một năm, độ ẩm trong không khí lại thấp, nước tưới cho thanh long chủ yếu từ nguồn nước ngầm, nên năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hạn hán là nông dân chúng tôi lại đau đầu vì thiếu nước, mà cây trồng thiếu nước một mùa thì ba mùa vực chưa lại.

Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn đón nhận tin vui, anh Lê Văn Chía, một nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ở Tổ 13, ấp 5, xã An Hữu (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã nhân thành công giống vú sữa bản địa mới, đó là: Vú sữa bơ hồng cơm vàng. Giống vú sữa này vừa đoạt được giải Nhì tại “Hội thi Trái ngon - an toàn và củ quả lạ quý hiếm Đồng bằng sông Cửu Long - Cần Thơ năm 2013”.

Đó là mô hình độc đáo trên đồi đất dốc, mà ông Trần Văn Danh (ấp An Thạnh, xã An Hảo, Tịnh Biên, tỉnh An Giang) đã biến khó khăn trở nên lợi thế, đưa đến thành công trong việc trồng quýt đường của miệt Định Quán (tỉnh Đồng Nai). Năm đầu tiên, ông thu hoạch được trên 25 tấn trái, bán với giá 13.000 đồng/kg, góp phần nâng cao thu nhập gia đình…

Hiện toàn huyện Lai Vung có hơn 2.000ha quýt hồng, quýt đường đang cho trái, nhiều nhất là ở các xã Long Hậu, Tân Phước và Tân Thành. Mặc dù, giá quýt hiện thấp hơn năm trước nhưng dự đoán từ nay đến Tết, giá còn tiếp tục tăng nên bà con nhà vườn rất phấn khởi.