Giải Pháp Đưa Hàng Nông, Thủy Sản Vào Siêu Thị

Nhằm giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản, giúp nông dân yên tâm sản xuất, Đồng Tháp đang nỗ lực tổ chức lại sản xuất để đưa nông sản vào hệ thống phân phối. Thế nhưng, trong khi các siêu thị có nhu cầu rất lớn đối với nhóm hàng rau, củ, quả tươi sống thì nông dân trong tỉnh lại chưa thể tham gia vào hệ thống này...
Hàng hóa chưa vào được siêu thị
Ông Phan Kim Sa - Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp cho rằng, do tập quán, thói quen sản xuất nhỏ lẻ, chưa đảm bảo về số lượng, chất lượng và giá cả cũng như việc đầu tư công nghệ sau thu hoạch còn thấp, nên số lượng hàng nông sản vào siêu thị chưa nhiều.
Về phía các siêu thị, do lấy hàng từ nhiều đơn vị nên họ có rất nhiều sự lựa chọn đối với các hợp tác xã (HTX), các cơ sở sản xuất.
Bên cạnh đó, hầu hết các siêu thị đặt ra yêu cầu cung ứng hàng hóa đối với các cơ sở, HTX với tiêu chuẩn khá cao, đó là: hàng hóa phải đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; đảm bảo thời gian cung cấp ổn định; xuất xứ nguồn gốc rõ ràng và giá thành sản xuất cũng phải có tính cạnh tranh theo thị trường.
Với các yêu cầu đó nên từng hộ nông dân thực hiện sẽ rất khó mà HTX phải đứng ra đảm đương để phục vụ lợi ích cho xã viên. Vì vậy, vai trò của HTX trong nền kinh tế hộ hiện nay rất quan trọng.
Tuy nhiên, cái khó của nhiều HTX hiện nay là không có đủ nguồn vốn để sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng như kho bãi, phương tiện vận chuyển, các phương thức bảo quản sau thu hoạch... nên rất khó để đưa hàng nông sản của tỉnh vào siêu thị.
Ông Trần Thanh Phú - Giám đốc HTX rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cho biết: “Để có chỗ đứng trong siêu thị, sản phẩm phải đáp ứng nhiều quy định với điều kiện gắt gao. Chẳng hạn, với mặt hàng rau an toàn, phải đảm bảo quy trình sản xuất sản phẩm sạch, khâu bảo quản cũng phải có kho đông lạnh, thực hiện đầy đủ các thủ tục về mã vạch, bao bì, thương hiệu sản phẩm... nhưng hiện tại HTX chưa có nguồn vốn để thực hiện các yêu cầu đó”.
Giải pháp đưa hàng nông, thủy sản vào siêu thị
Theo ông Phan Kim Sa - Phó giám đốc Sở Công Thương, sắp tới, về nắm bắt thông tin, đối với HTX rau an toàn Long Thuận, ngoài thị trường Campuchia mà HTX đang tiếp cận, Sở Công Thương và các ngành sẽ hỗ trợ HTX tìm kiếm thị trường.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND rất quan tâm đến việc giải quyết khó khăn về nguồn vốn cho HTX. Cụ thể đối với HTX rau an toàn Long Thuận, các ngành liên quan sẽ hướng dẫn HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, HTX này cũng phải xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh tốt thì mới có thể tiếp cận được vốn vay.
Ông Nguyễn Thành Tài - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng: Để có thể sản xuất với khối lượng lớn và đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, số lượng, chất lượng, giá thành cạnh tranh thì nhất thiết phải tổ chức lại sản xuất theo từng vùng tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thâm canh, rải vụ, đẩy mạnh cơ giới hóa và công nghệ sau thu hoạch... Đặc biệt, vai trò của HTX cần phải được xem trọng để làm cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng, trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh xác định củng cố, nâng cao năng lực các HTX là một nhiệm vụ trọng tâm, từ đó đưa ra nhiều kế hoạch để củng cố, kiện toàn hoạt động của các HTX như chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012, nâng cao năng lực quản trị của HTX, hoạt động theo đúng bản chất của kinh tế hợp tác là phục vụ lợi ích cho xã viên. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang trình Chính phủ cho thực hiện thí điểm một số chính sách như: tạm trữ lúa gạo, hỗ trợ vay vốn thuê đất để mở rộng quy mô sản xuất...
Trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo cho Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc với Siêu thị Co.opmart để có chương trình hỗ trợ và hợp đồng cụ thể. Từ đó, giúp nông sản của tỉnh được vào hệ thống phân phối ngay khi siêu thị khai trương và đi vào hoạt động.
Có thể bạn quan tâm

Tuy luôn đứng ở hàng đầu trong các thị trường nhập khẩu (NK) tôm, nhưng thị trường Australia vẫn còn nhiều thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) Việt Nam.

Cuối vụ, giá dưa hấu ở các tỉnh miền Trung đồng loạt tăng đột biến lên 10.000 đồng mỗi kg, gấp hơn 10 lần so với mức thu mua ở một số nơi hồi tháng trước.

Những năm qua, huyện Hải Hậu (Nam Định) đã xây dựng và phát triển nhiều mô hình kinh tế hộ, kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế. Trong đó phải nói đến những mô hình nuôi thỏ đã góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nông dân.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về diện tích đất bãi, những năm qua, phong trào chăn nuôi bò sữa đã và đang trở thành thế mạnh trong chăn nuôi, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc). Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân đã áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật tiến bộ. Chăn nuôi bê con bằng sữa bột là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả cao, đã và đang được người dân áp dụng phổ biến trong một vài năm trở lại đây.

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua nhiều hộ dân chủ động chuyển đổi diện tích trồng lúa sang cây trồng có giá trị kinh tế cao, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện.