Giải Pháp Cứu Người Nuôi Gà: Bế Tắc?
Ngày 16/5, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ đã họp báo tìm nguyên nhân khiến chăn nuôi tuột dốc và các giải pháp cứu ngành chăn nuôi.
Hàng loạt các đề xuất được đại diện Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ đưa ra nhằm gỡ khó cho người chăn nuôi. Song, các giải pháp được đề xuất dường như đang đi vào bế tắc.
* Đề xuất “lùng nhùng”
Hiện nay, khu vực Đông Nam bộ có khoảng 1.500 trang trại nuôi gà với vốn đầu tư khoảng 3 ngàn tỷ đồng. Giá gà thịt nằm sâu dưới giá thành khiến hầu hết các trang trại đứng trước nguy cơ phá sản. Ông Âu Thanh Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, đồng thời là chủ trang trại gà lớn tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu), nhận định: “Thức ăn chăn nuôi chiếm 70% giá thành. Các nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi là bắp, mì, bột cá, cám gạo… đa số phải nhập khẩu, giá cả thất thường, khó kiểm soát”. Ông Long kiến nghị Chính phủ hạ thuế VAT cho thức ăn chăn nuôi để giảm bớt giá thành đầu vào.
Tuy nhiên, trong điều kiện giá gà thịt đang nằm dưới giá thành từ 7 - 15 ngàn đồng/kg thì dù miễn thuế VAT 5%, người chăn nuôi cũng chỉ hạ giá thành được hơn 1 ngàn đồng/kg gà thịt. Ông Đỗ Minh Hiểu, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề xuất: “Lãi suất các ngân hàng cho vay đã giảm về 11%/năm, nhưng so với tình hình hiện nay vẫn còn rất cao. Để các trang trại tiếp tục duy trì đàn, chờ đợi qua thời điểm khó khăn, Chính phủ nên có những chính sách tiếp tục hạ lãi suất xuống 6%/năm”. Song theo nhiều ý kiến, giải pháp này không khả thi. Vì không có cơ chế nào để hạ lãi suất xuống 6% cho ngành chăn nuôi trong khi lãi huy động đã cao hơn mức đó. Mặt khác, hạ lãi suất cũng chỉ giúp các trang trại bớt một phần lỗ chứ không cứu được tình trạng chăn nuôi hiện nay, vì ngay những hộ có sẵn vốn, không vay ngân hàng cũng bị thua lỗ.
* Cần giải pháp đồng bộ
Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam, nhận định: “Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ và kịp thời về vốn vay, thuế VAT cho thức ăn chăn nuôi. Khi giá heo, gà không tăng cao thì phải có chính sách bình ổn giá không để giá xuống quá thấp”. Ông Bình nói thêm, chăn nuôi trong nước dẫn đến tình trạng này là do chưa xây dựng chuỗi bền vững từ trang trại đến bàn ăn. Nếu cứ mạnh ai nấy làm thì sớm muộn từ người chăn nuôi đến nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi cùng “chết” và thịt ngoại sẽ chiếm lĩnh thị trường.
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho hay: “Trong tình hình hiện nay, đề nghị báo đài cùng vào cuộc, đưa tin để nâng cao nhận thức của người dân trong phòng dịch cúm, song kích cầu họ dùng các sản phẩm thịt gà an toàn, giảm bớt gánh nặng cho người chăn nuôi”.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, phân tích: “Nên có chính sách ngắn hạn và dài hạn. Chính sách ngắn hạn là phải khơi thông thị trường, không để giá gà bán tại trại thấp, nhưng người tiêu dùng lại phải mua gà thịt giá cao tại hệ thống chợ và siêu thị. Về lâu dài, chăn nuôi không để xảy ra dịch bệnh và quản lý chặt khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, tránh tình trạng bị làm giá”.
Giá gà giảm là tại báo chí?
Liên quan đến nhiều ý kiến cho rằng thời gian gần đây truyền thông đưa tin quá nhiều về dịch cúm và chỉ đưa chung chung gây tâm lý e ngại, dẫn đến tình trạng nhiều bếp ăn tập thể hạn chế dùng thịt gà làm đầu ra bế tắc, phóng viên Thanh Sơn, Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận xét, nếu chỉ trách báo chí, cơ quan chức năng trong việc giá gà sụt giảm, đầu ra hạn chế là không chính xác. “Tại sao khi xảy ra tình trạng trên, các trang trại không cùng với Hiệp hội chủ động liên hệ với báo đài giới thiệu, thông báo về các trang trại chăn nuôi tốt có các sản phẩm thịt an toàn để người tiêu dùng yên tâm sử dụng?“ - ông Sơn đặt câu hỏi.
Khó hạ giá gà tại chợ
Một số chủ trang trại đề xuất, cần tìm cách giảm giá gà bán lẻ trên thị trường vì hiện tại, giá tại trại giảm sâu, song giá bán lẻ vẫn cao, vô hình trung sẽ góp phần hạn chế đầu ra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc buộc giảm giá gà tại hệ thống chợ truyền thống và siêu thị cho tương xứng với giá gà tại các các trại là điều không thể. “Dù gà bán tại trại rất rẻ nhưng ở chợ vẫn giữ nguyên hoặc giảm nhẹ là vì các tiểu thương bán hàng tại chợ phải mua gà qua các thương lái, giá vẫn cao nên không thể hạ nhiều được. Ban quản lý các chợ cũng không thể buộc họ giảm giá” - ông Lý Phước Hoàng, cán bộ phụ trách giá tại chợ Biên Hòa (TP. Biên Hòa) nói.
Có thể bạn quan tâm
Ông Kiều Văn Cang - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Định cho biết: Trong vụ hè thu năm nay, được sự hỗ trợ kinh phí của Tổ chức SNV (Hà Lan), Chi cục đã phối hợp với một số địa phương trong tỉnh triển khai sản xuất 7 mô hình thâm canh lúa cải tiến chống biến đổi khí hậu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất (gọi tắt là phương pháp SRI).
“Để phát huy hiệu quả vốn ưu đãi, bên cạnh việc người vay phải có ý thức vươn lên, không thể thiếu những “cầu nối” đưa vốn đến đối tượng thụ hưởng”- bà Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quang Bình, Hà Giang, cho hay.
Những ngày gần đây giá chanh ở ĐBSCL tăng kỷ lục. Thương lái mua chanh không hạt với giá từ 35.000- 40.000 đ/kg, chanh núm giá từ 20.000- 22.000 đ/kg, tăng gần gấp đôi so tháng trước. Tại một số chợ, chanh bán lẻ giá từ 1.500- 2.000 đ/trái.
Ngày 21-5, Trung tâm Chuyển giao Khoa học công nghệ và Khuyến nông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ và UBND huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) tổ chức hội nghị đánh giá kỹ thuật trồng luân canh, xen canh lạc và đậu tương với mía tại Thanh Hóa.
Nhìn lại 4 năm thực hiện phát triển vùng chè, toàn tỉnh Lai Châu đã trồng mới được 385,7ha, đạt 110% so với kế hoạch. Năm 2014, sản lượng chè toàn tỉnh dự tính đạt 20.600 tấn, với năng suất ước đạt 85,3 tạ/ha (tăng 25,3 tạ/ha so với năm 2010)...