Giải Pháp Cho Cây Mía Thêm Ngọt
Bằng sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ đầy tâm huyết của các nhà máy đường mà vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp (vùng mía trọng điểm của tỉnh và khu vực ĐBSCL) ngày một đổi thay. Xuân Giáp Ngọ năm nay, bà con trồng mía nơi đây đón Tết trong không khí phấn khởi bên những cải tiến về khoa học kỹ thuật, công trình đã và đang được đầu tư.
Hiện đại hóa trong sản xuất
Những ngày cuối năm, thời tiết trở nên se lạnh, hơi thở của mùa Xuân đã bắt đầu tràn về trong từng ngôi nhà, xóm ấp. Trên những cánh đồng mía xanh mướt trải dài, người dân vẫn đang tranh thủ chăm sóc, bón phân cho xong đợt để trở về quây quần bên gia đình chuẩn bị đón mùa xuân mới. Hòa trong không khí tất bật nhưng có pha lẫn niềm vui, nhộn nhịp này, chúng tôi được nghe những câu chuyện vui để làm quà mỗi dịp Tết đến Xuân về từ những nông dân chân chất, nhiều năm gắn bó với cây mía. Một trong những câu chuyện được bà con nhắc nhiều và khen ngợi đó chính là sự đổi thay của vùng mía nơi đây.
Theo nhiều lão nông trồng mía, huyện Phụng Hiệp là địa phương có lịch sử trồng mía lâu đời của tỉnh. Ngay từ sau những năm giải phóng, người dân nơi đây đã bắt đầu làm quen với nghề trồng mía. Ban đầu, cây mía được đem về trồng tự phát lẻ tẻ, vừa trồng mía vừa làm ruộng. Do kinh tế khó khăn, cây mía cũng chịu chung cảnh hết trồng rồi lại chặt và người dân cũng chẳng quan tâm gì đến kỹ thuật mà chủ yếu trồng theo kinh nghiệm.
Hơn nữa, dạo đó bà con chủ yếu trồng các giống mía cũ như: Cò Cát, Mía Tây, Hòa Lan Tím (CO),… nên năng suất và chất lượng mía thường thấp. Ngoài ra, việc luân canh, xen canh với một số loại cây trồng khác để cải tạo, tăng độ màu mỡ cho đất còn hạn chế. Mía nguyên liệu lúc đó chủ yếu cung ứng cho các lò đường thủ công, mức tiêu thụ không nhiều nên nông dân chưa thật sự quan tâm đến chất lượng.
Tuy nhiên, đến năm 2000, được xác định là bước ngoặt đối với người trồng mía nơi đây khi các nhà máy đường bắt đầu tìm đến và có những chính sách đầu tư, xây dựng vùng mía nguyên liệu, đặc biệt là Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco). Điển hình là vào năm 2006, Casuco thành lập Câu lạc bộ (CLB) trồng mía đạt 200 tấn/ha/năm. Lần lượt nhiều giống mía mới cho năng suất, chất lượng được đưa về nhân ra và cung ứng cho nông dân.
Thi công đê bao vùng mía.
Ngồi nhâm nhi ly trà nóng với đầy đủ bánh mứt ngày xuân, bên cạnh là những chậu mai vàng đang khoe sắc, những cành lan lung linh trước nhà, lão nông Trương Văn Hiền, Chủ nhiệm CLB 200, ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Được nhà máy đường quan tâm hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật, thường xuyên giới thiệu các giống mía mới nên các thành viên CLB đều hăng hái thi đua sản xuất. Từ 64 thành viên ban đầu nay tăng lên 90 thành viên, với năng suất mía bình quân đạt trên 200 tấn/ha/năm”.
Một trong những đổi thay mà người trồng mía nơi đây cảm thấy hài lòng, đó là việc ngày càng có nhiều bà con đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ông Nguyễn Công Khanh, ở khu vực 8, phường Hiệp Thành, TX.Ngã Bảy, bộc bạch: “Trước đây, để làm đất, đào hộc, vô chân, làm cỏ cho mía thì bà con phải làm thủ công và phụ thuộc vào sức người là chính.
Nhưng giờ đây, tất cả các công việc này đều có thể thực hiện bằng cơ giới hóa một cách dễ dàng. Qua đây, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, không phụ thuộc vào nhân công lao động trong quá trình sản xuất. Điều này, quả là một sự đổi mới đáng để cho bà con trồng mía nhân rộng”.
Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Casuco, cho hay: Hàng năm, công ty đã triển khai có hiệu quả công tác vận động, xây dựng các mô hình để bà con có thể “mắt thấy tai nghe” nên nhiều hộ nông dân đã biết đưa các giống mới, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó năng suất và chất lượng mía ngày một nâng lên.
Hiện nay, cây mía đường đang dần trở thành cây trồng có hiệu quả kinh tế chủ lực thứ hai trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng mía, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy đường, tăng thu nhập cho người nông dân, UBND tỉnh tiến hành xây dựng hệ thống đê bao cho vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp, với diện tích khép kín hơn 5.000ha.
Dự án nhằm giúp bà con chủ động nguồn nước trong sản xuất mỗi khi mùa lũ về, đồng thời tạo điều kiện cho người dân có thể thu hoạch mía rải vụ, hạn chế việc đốn mía non chạy lũ và có thể áp dụng biện pháp trồng lưu gốc, hạ giá thành sản xuất. Hiện tại, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2.
Khi hệ thống đê bao khép kín hoàn chỉnh và kết hợp sự hỗ trợ máy bơm từ Casuco, là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển cây mía trong thời gian tới.
Đổi thay chất lượng đường
Trước sức ép về sự cạnh tranh gay gắt của ngành mía đường hiện nay, để giảm giá thành sản xuất, hướng đến ổn định vùng mía nguyên liệu, hiện các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh việc thay đổi dần công nghệ sản xuất.
Từ khi thành lập và hoạt động đến nay (khoảng 18 năm), Casuco chủ yếu sản xuất sản phẩm đường cát trắng RS (đường tinh luyện tiêu chuẩn), thế nhưng, từ vụ ép mía 2013-2014, Casuco sẽ cho ra thị trường thêm một chủng loại đường mới là đường tinh luyện RE (đường tinh luyện thượng hạng) và được sản xuất tại Nhà máy đường Phụng Hiệp. Công suất trong giai đoạn 1 là 350 tấn đường/ngày, tổng kinh phí khoảng 120 tỉ đồng. Được biết, đây là nhà máy thứ 2 ở khu vực ĐBSCL (sau Long An) sản xuất loại đường RE này.
Việc đưa dây chuyền công nghệ mới vào sản xuất, Casuco đạt được nhiều lợi ích thiết thực, đặc biệt về mặt kinh tế. Bởi, hiện đường tinh luyện RE có giá bán cao hơn so với đường cát trắng từ 2.000-3.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất thì tương đương. Đây là cách làm giúp công ty hoạt động ổn định và có điều kiện đầu tư cho vùng mía phát triển ổn định. Ngoài cải tiến sản xuất đường RE, vụ mía 2013-2014 này, Xí nghiệp Đường Vị Thanh cũng được cải tiến từ công nghệ Sunfit hóa (xông lưu huỳnh) sang công nghệ làm sạch không sử dụng lưu huỳnh để nâng cao chất lượng đường, đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm;
Phó Tổng Giám đốc Casuco Phạm Quang Vinh cho biết: Xu thế tất yếu của thế giới luôn đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải cao. Để nâng cao sự cạnh tranh buộc các nhà máy đường cần có biện pháp thay đổi dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, nhằm đảm bảo thị trường đầu ra ổn định, giữ vững vùng nguyên liệu mía.
Dự kiến trong giai đoạn 2, nhà máy đường sẽ nâng công suất sản xuất đường RE từ 350 tấn/ngày lên 500 tấn/ngày… Với những thay đổi trên, nhằm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đa dạng hóa sản phẩm đường, hạ giá thành sản xuất, đảm bảo ổn định vùng mía nguyên liệu,…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Nguyễn Văn Đồng nhận định: Qua gần 10 năm (2004-2013) triển khai các giải pháp thiết thực đã làm thay đổi cơ bản vùng sản xuất mía nguyên liệu của tỉnh.
Người dân bước đầu quan tâm và ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Hầu hết diện tích mía đã sử dụng các loại giống mới nên năng suất, sản lượng được cải thiện. Mặc dù diện tích mía có phát triển nhưng một số nơi chưa thực sự phù hợp, do đó, trong bảng điều chỉnh quy hoạch ngành nông nghiệp, nông thôn Hậu Giang (giai đoạn 2006-2020), Sở NN&PTNT tỉnh đã điều chỉnh hơn 14.000ha mía hiện nay xuống còn 10.000-12.000ha.
Quan điểm của ngành nông nghiệp tỉnh là chỉ giữ lại diện tích mía ở những nơi canh tác có hiệu quả để tập trung đầu tư nhằm mang lại hiệu quả cho nông dân…
Với những việc đã và đang thực hiện, là tín hiệu đáng mừng cho vùng trọng điểm mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp. Dù trước mắt còn rất nhiều khó khăn, nhưng với tiền đề này đã mở ra một hướng tươi sáng và chắc chắn trong tương lai không xa, vùng mía nơi đây sẽ có những bước đột phá và phát triển bền vững.
Nhìn những cành mai vàng đơm đầy nụ trước mỗi nhà dân, chúng tôi tin rằng, năm Giáp Ngọ này và nhiều năm sau nữa sẽ có nhiều chuyện vui trên những nẻo đường quê, nơi mà các nhà máy đường và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đồng hành với người nông dân để cùng phát triển...
Hiện tại, diện tích mía toàn tỉnh đạt hơn 14.000ha với các giống mía chất lượng như: ROC 16, ROC 22, VĐ 11, VĐ 86-368, K 88-92, K 95-289,… năng suất trung bình đạt từ 110-150 tấn/ha, cao hơn khoảng 30 tấn/ha so với thời điểm năm 2004.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, toàn tỉnh có 548 trang trại chăn nuôi, tăng 23 trang trại so với năm 2013. Trong đó có 253 trang trại chăn nuôi lợn với tổng số 58 nghìn con; 295 trang trại chăn nuôi gia cầm với tổng số 1,3 triệu con… Các trang trại mới tăng chủ yếu chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp: Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam…
Ngày 18-12, Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức Hội thảo báo cáo kết quả thực hiện Dự án Xây dựng mô hình sử dụng bã nấm tạo giá thể để sản xuất rau, hoa trong chậu tại tỉnh Thái Nguyên.
Nhà cửa rộng rãi, bề thế với khá đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền; có cửa hàng thức ăn gia súc lớn nhất, nhì xã Phúc Lương (Đại Từ), phục vụ nhu cầu mua bán của nhân dân 3 xóm (Cây Tâm, Cây Ngái, Hàm Rồng); mua xe ô tô 8 chỗ ngồi vừa để phục vụ sinh hoạt gia đình vừa làm dịch vụ chở khách…
Cùng với việc phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tổ chức cho hội viên tham quan các mô hình kinh tế, các cấp hội CCB huyện Nga Sơn tạo điều kiện cho CCB vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trong những ngày này, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc huyện Thạch Thành đang dấy lên phong trào thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng 70 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.