Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giải nguy chăn nuôi gà

Giải nguy chăn nuôi gà
Ngày đăng: 24/08/2015

* Không thể nuôi kiểu “gà chạy vũ trang, lợn đào công sự”

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, chăn nuôi gà Việt Nam (VN) đang nằm trong tình thế “tồn tại hoặc không tồn tại”, nhất là trước làn sóng gà NK từ Mỹ thời gian qua đặt ra yêu cầu cần phải có những hành động ngay lập tức.

Lo lắng trước sức cạnh tranh của chăn nuôi gà trong nước, Bộ trưởng viện dẫn: “Chăn nuôi nông hộ chiếm 70% tổng đàn, nhưng chỉ đóng góp 40% về sản lượng trong nước. Tôi có hỏi một số địa phương về tình hình chăn nuôi, có nơi nói còn tới 80 – 90% chăn nuôi vẫn đang theo kiểu trâu gõ mõ, chó leo thang, gà chạy vũ trang, lợn đào công sự. Như thế hỏi làm sao cạnh tranh?”.

Lắng nghe ý kiến của đông đảo các DN, nhà khoa học, nhà quản lí, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đưa ra các nhóm giải pháp chỉ đạo có tính cấp bách nhằm khẩn trương củng cố, nâng cao cạnh tranh, giúp chăn nuôi gà trong nước trụ vững trước cơn lốc gà NK.

Khẩn trương điều tra gà Mỹ NK

Bộ trưởng chỉ đạo, về thú y, trong bối cảnh hiện nay, Cục Thú y không chỉ luẩn quẩn việc chống dịch nữa, mà phải làm sao vừa chống được dịch, vừa giảm được chi phí cho công tác thú y xuống mức thấp nhất có thể. Vì vậy thời gian tới, Cục Thú y phải tiếp tục rà soát phí và lệ phí, bởi cách làm của thú y như thời gian trước là không ổn.

Những gì không phục vụ dân thì phải kiên quyết dẹp bỏ. Xa hơn, phải nghiên cứu hàng rào kỹ thuật, bảo vệ SX trong nước, mở cửa cho XK. Đây là lúc buộc phải đặt vấn đề XK, bởi chăn nuôi VN đã đủ cho nhu cầu trong nước, muốn tăng trưởng, tạo sự chuyển dịch trong ngành nông nghiệp thì chỉ còn cách XK.

Hiện đã có DN muốn được XK ức gà, bởi ở Mỹ, họ chỉ cần bán hai cái ức gà là đã hòa vốn, tại sao ta không xuất ức gà đi Mỹ, đi EU? Cục Thú y phải có ngay cán bộ chuyên trách để tháo gỡ vấn đề này nhằm mở cửa thị trường XK cho sản phẩm chăn nuôi, trước hết là gà.

Theo đó, lập tức tổng hợp hồ sơ của các DN có nhu cầu muốn XK, nộp hồ sơ cho tất cả các nước có nhu cầu NK. Đầu tiên là Cục Thú y, sau đó tới Bộ NN-PTNT và sau nữa là Chính phủ sẽ đàm phán, mở cửa thị trường cho sản phẩm chăn nuôi XK. Bởi vấn đề này DN không thể tự làm được, mà phải cấp Chính phủ.

Đối với gà Mỹ NK vừa qua, giao Cục Thú y cử đoàn đi Mỹ nhanh chóng làm rõ tình hình về dịch cúm ở Mỹ, kiểm tra các cơ sở chăn nuôi, chế biến XK sang VN xem có đạt yêu cầu về an toàn dịch bệnh, vệ sinh ATTP theo luật pháp VN hay không, nếu có thì nhất định buộc ngừng NK.

Ở trong nước, Cục Thú y phải tăng cường giám sát chất lượng. Không thể để việc từ đầu năm đến nay NK hơn 45 nghìn tấn đùi gà từ Mỹ mà Cục Thú y chỉ lấy có 35 mẫu và chỉ phân tích một số chỉ tiêu chất lượng.

Thời gian tới, phải lấy nhiều mẫu hơn nữa và phân tích đa yếu tố chất lượng. Cần làm rõ trong trường hợp nào thì lấy mẫu tỉ lệ 5%, trường hợp nào thì lấy 10%..., hoặc nếu vi phạm thì lập tức nâng lên kiểm soát 100%.

Các nước hành xử với chúng ta thế nào, chúng ta phải làm với họ như thế. Bên cạnh đó, giao Cục thú y, Cục Chăn nuôi phối hợp với Bộ Công thương tiếp tục điều tra xem có hay không việc gà Mỹ NK bán phá giá.

Hỗ trợ nông hộ, đẩy mạnh chăn nuôi công nghiệp

Về hình thức tổ chức SX, hiện có 3 hình thức chính là nông hộ, trang trại và công nghiệp, nhưng hiệu quả kinh tế dù sao nuôi công nghiệp vẫn cao hơn. Vì thế, định hướng chung vẫn sẽ hướng tới nuôi trang trại, sau đó tiến tới công nghiệp.

Tuy nhiên, không thể bỏ rơi chăn nuôi nông hộ vì vấn đề xã hội và việc làm. Vì vậy, phải tiếp tục gấp rút triển khai các chính sách dành cho chăn nuôi trang trại lẫn nông hộ, bởi 70% số lượng trang trại ở VN là trang trại chăn nuôi.

Cụ thể, sẽ gấp rút trình Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển chăn nuôi trang trại, địa phương nào đã có chính sách, đề nghị tiếp tục triển khai quyết liệt. Giao Cục Chăn nuôi liên hệ gấp với Bộ Tài chính sớm ban hành thông tư hướng dẫn thi hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ; quyết liệt triển khai Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp.

Đối với liên kết SX, Cục Chăn nuôi soạn ngay chính sách bổ sung vào Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về chính sách cho liên kết SX gắn với tiêu thụ nông sản đối với chăn nuôi, trình Chính phủ phê duyệt, bởi quyết định này hiện mới chỉ áp dụng đối với cây lúa.

Về vấn đề giống, rất nhiều ý kiến đều nói giống gà chúng ta rất yếu, giá thành cao có nguyên nhân lớn vì giống. Chỉ còn 4 tháng nữa, 11 nước ASEAN sẽ là một thị trường chung, sau đó là ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Nhật Bản, và sắp tới là TPP… sẽ là thị trường chung.

Chúng ta phải cạnh tranh trực tiếp với họ, đồng nghĩa phải cạnh tranh về công nghệ chăn nuôi, trước hết là giống, phải làm sao chất lượng giống chúng ta phải như của họ. Điều này chẳng còn cách nào khác là chúng ta phải NK giống. Cục Chăn nuôi, Viện Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp… có trách nhiệm giới thiệu cho các DN giống ở đâu tốt nhất, phù hợp nhất với VN thì cho NK về. Giống gì DN không nhập được thì nhập bằng con đường do Nhà nước hỗ trợ.

Tôi đồng ý và ủng hộ việc cho NK bò con từ Úc về nuôi ở VN, nếu như người VN thích ăn thịt bò Úc, còn hơn phải nhập bò thịt của Úc về vỗ béo. Giống gà cũng vậy, không thể ngồi chờ trong nước nghiên cứu được nữa, chỉ có nhập thẳng giống ngoại tốt nhất mới mong cạnh tranh được. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường quản lí giống, nhất là giống gà đang rất lộ cộ, đề nghị Cục Chăn nuôi sớm làm việc với các tỉnh chấn chỉnh ngay thực trạng giống gà.

Về thức ăn, Khuyến nông phải làm sao phổ biến cho dân biết nuôi gà theo cách nào, ăn những gì. Các Viện, Trường đã đưa ra công thức thức ăn rồi, nhưng làm sao để dân biết công thức ấy là nhiệm vụ của Khuyến nông.


Có thể bạn quan tâm

Giúp cây nhãn phục hồi mở cửa thị trường tiềm năng rải vụ theo thị trường Giúp cây nhãn phục hồi mở cửa thị trường tiềm năng rải vụ theo thị trường

Sản xuất rải vụ cây nhãn đã đem lại những hiệu quả bước đầu, đồng thời tạo cơ hội hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt mở cửa thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng của trái cây đặc sản này.

16/09/2015
Dịch chuyển mùa trái chín Dịch chuyển mùa trái chín

Trong khi hàng vạn nông dân trong cả nước vẫn đang lao đao với câu chuyện “được mùa rớt giá” khi vào vụ thu hoạch rộ, trái cây hái bán không kịp, giá rẻ như cho

16/09/2015
Chanh không hạt tăng giá trở lại Chanh không hạt tăng giá trở lại

Sau gần một tháng giá chanh ở mức thấp thì hiện nay giá tăng trở lại. Hiện chanh không hạt giá tăng lên 8.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng/kg).

16/09/2015
Giúp cây nhãn phục hồi- mở cửa thị trường tiềm năng Giúp cây nhãn phục hồi- mở cửa thị trường tiềm năng

Đầu năm 2015, nhãn được “mở cửa” và xuất khẩu 25kg đầu tiên sang thị trường Mỹ với giá 60.000 đ/kg.

16/09/2015
Hơn 1.300 ha trồng cây có múi Hơn 1.300 ha trồng cây có múi

Đến nay, tổng diện tích cây có múi trên địa bàn 3 xã Tân Định, Lạc An và Hiếu Liêm (Bình Dương) khoảng 1.300 ha. Tổng giá trị sản xuất đối với cây ăn quả chính trên địa bàn huyện (bưởi, cam, quýt) ước đạt từ 137 - 192 tỷ đồng/năm

16/09/2015