BDSTAR Mở Rộng Vùng Nguyên Liệu
Nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến cho nhà máy, Cty CP Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu tỉnh Bình Định (BDSTAR) đã triển khai nhiều giải pháp mở rộng vùng nguyên liệu tại các địa phương trong tỉnh.
* Bảo đảm người trồng mì lãi trên 30%
Đặc biệt BDSTAR đang tiến hành khảo nghiệm các giống mì mới với tiềm năng năng suất từ 30 - 50 tấn/ha để cung ứng hom giống miễn phí cho nông dân SX…
Nhiều chính sách
Vừa qua, BDSTAR đã hoàn thành việc nâng công suất chế biến của nhà máy lên gấp đôi, từ 60 tấn sản phẩm/ngày lên 120 tấn sản phẩm/ngày; tương đương với công suất 30.000 tấn sản phẩm/năm.
Bên cạnh đó, Cty đã đầu tư hệ thống nhà xưởng, dây chuyền sấy bã công suất 6.000 tấn/năm, nhằm tận thu nguồn sản phẩm phụ từ chế biến tinh bột mì; hoàn thiện quy trình xử lý nước thải khép kín, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bước vào niên vụ SX năm 2015, BDSTAR đưa ra kế hoạch thu mua 120 ngàn tấn mì nguyên liệu, SX 30.000 tấn sản phẩm tinh bột.
Ông Đỗ Văn Tâm, Chủ tịch HĐQT BDSTAR cho biết: Nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nông dân và nhà máy, trong vụ SX này, BDSTAR đã ban hành, điều chỉnh các chính sách đầu tư, thu mua nguyên liệu hợp lý, bảo đảm cho nông dân trồng mì có lãi trên 30%.
Đối với các vùng nguyên liệu trọng điểm của nhà máy, đơn vị hỗ trợ cho mượn mì giống, mượn vốn để SX; đến khi nông dân thu hoạch, Cty sẽ bao tiêu sản phẩm với giá hợp lý theo giá thị trường. BDSTAR cũng đã cam kết thực hiện ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu với nông dân theo tinh thần Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để đảm bảo đủ lượng mì nguyên liệu phục vụ cho nhà máy sau khi nâng công suất, thời gian qua Cty đã triển khai nhiều chính sách đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu và nâng cao năng suất mì, đầu tư thâm canh 4.400 ha tại các vùng nguyên liệu trọng điểm như các huyện Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Vân Canh, Vĩnh Thạnh.
Ông Lê Văn Tám, Giám đốc BDSTAR cho biết: Trong thời gian qua, nhà máy đã phối hợp với Sở NN-PTNT Bình Định quy hoạch lại vùng nguyên liệu tại các huyện trọng điểm SX mì của tỉnh. Phối hợp với Trung tâm KN-KN tỉnh, chính quyền các địa phương tổ chức nghiên cứu, khảo nghiệm, nhân các giống mì mới có tiềm năng năng suất, sản lượng cao đưa vào SX để thay thế các giống mì cũ thoái hóa.
Tại các trại khảo nghiệm giống của Cty với diện tích 150 ha trên địa bàn xã Cát Lâm (huyện Phù Cát), xã Bình Tân, Bình Thuận (huyện Tây Sơn), đơn vị đã đưa các giống mì mới như KM 140, KM 419, Lay Joong 09 vào khảo nghiệm.
Kết quả mang lại rất khả quan, năng suất mì đạt bình quân từ 30 - 50 tấn/ha, hàm lượng tinh bột trên 30%; các giống mì này khá phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương, có thể trồng rải vụ để phục vụ nhu cầu SX liên tục của nhà máy.
Cam kết bao tiêu
Theo ông Đỗ Văn Tâm, từ vụ SX 2015-2016, BDSTAR sẽ cung cấp hom giống mì miễn phí cho nông dân để trồng khoảng 1.000 ha tại các vùng nguyên liệu nhằm thay thế các giống mì cũ đã thoái hóa.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng sẽ hỗ trợ phân bón, tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật trồng thâm canh, rải vụ, nâng cao năng suất mì bình quân tại các vùng nguyên liệu. Đồng thời, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm nông sản với giá thu mua hợp lý.
Ngay trong vụ SX này, BDSTAR đã dành khoản kinh phí gần 600 triệu đồng xây dựng các trạm thu mua nguyên liệu tại các vùng SX để thu mua nguyên liệu ngay tại ruộng cho nông dân; tránh việc nông dân bán sản phẩm qua thương lái bị ép giá, ép cấp.
Hiện nay, BDSTAR đang thu mua với giá 1,85 triệu đồng/tấn mì có hàm lượng tinh bột đạt 30%. Đồng thời, cam kết thu mua mì nguyên liệu với giá sàn 1,5 triệu đồng/tấn.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức thu mua mì nguyên liệu cũng được BDSTAR quan tâm, chấn chỉnh, tạo thuận lợi cho nông dân bán mì cho Cty. Cty đã hợp đồng với các nhà xe để vận chuyển mì nguyên liệu, không để nông dân phải chờ đợi phương tiện vận chuyển sau khi thu hoạch, làm ảnh hưởng đến sản lượng và hàm lượng tinh bột.
Mì nguyên liệu khi cân nhập vào bãi chứa nguyên liệu của nhà máy, nông dân được thanh toán tiền mặt ngay một lần.
Với hệ thống dây chuyền SX đồng bộ, công nghệ tiên tiến, hiện đại nhập khẩu từ châu Âu và được lắp đặt bởi các chuyên gia Thái Lan, sản phẩm tinh bột của Cty đạt chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Thời gian qua, sản phẩm tinh bột mì do đơn vị SX được thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Peru, Philippines… tín nhiệm cao. Đây là cơ sở để đơn vị tiếp tục đầu tư chế biến sâu các sản phẩm sau tinh bột, sẵn sàng hợp tác đầu tư liên doanh, liên kết, mở rộng thị trường với các đối tác trong và ngoài nước.
Theo định hướng của BDSTAR, đến năm 2020 vùng nguyên liệu của nhà máy sẽ phát triển ổn định ở mức 8.800 ha; trong đó quy hoạch vùng trồng mì nguyên liệu thâm canh có diện tích ổn định 4.400 ha.
Vùng nguyên liệu tập trung thâm canh được xây dựng trên địa bàn 21 xã thuộc 3 huyện Phù Mỹ, Phù Cát và Tây Sơn, năng suất mì đạt bình quân từ 35 - 40 tấn/ha.
Giảm diện tích trồng mì trên đất nương rẫy, đất có độ dốc trên 150 để trồng rừng, bảo vệ môi trường; tăng cường sử dụng các giống mì cao sản, tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng mì.
Đồng thời, bố trí lại thời vụ trồng mì, tăng cường trồng rải vụ để tránh sự tập trung thu hoạch quá nhiều vào thời điểm tháng 10 -11 hằng năm.
Có thể bạn quan tâm
Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đang đến gần. Đây là thời điểm lượng hàng hóa, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu này, việc bảo đảm cân đối nguồn cung - cầu thịt heo trong dịp tết đã được các cơ quan chức năng, ngành chăn nuôi, siêu thị, trung tâm thương mại tăng cường.
Qua quá trình nuôi bê trên đệm lót sinh học, ông Minh thấy hình thức nuôi này có nhiều ưu điểm nổi bật như: chuồng bê hoàn toàn không có mùi hôi thối, phân bê thải ra được xử lý ngay bởi đệm lót. Nếu như trước kia ông nuôi bê trên nền xi măng, đến ngày thứ 2 đã phải tắm cho bê vì phân thải ra hàng ngày dính bẩn trên cơ thể, làm cho bê bị dễ bị lạnh, dễ phát sinh bệnh hô hấp, tiêu chảy, thì nay ông nuôi bê không cần phải tắm.
Đó là ông Nguyễn Văn Tự, ở thôn Chánh Nhơn, xã Cát Nhơn (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Năm 2010, ông mạnh dạn đầu tư hàng triệu đồng để xây dựng chuồng trại, quy mô tương đối hoàn chỉnh, có hệ thống thoát nước, xử lý vệ sinh môi trường, trồng thêm cỏ làm thức ăn xanh cho bò.
Năm nay, các giống cây lâm nghiệp đều được nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thay vì bằng hom, hạt như trước đây. Ưu điểm của phương pháp này là cây giống sạch bệnh, độ đồng đều cao, sinh trưởng, phát triển tốt, thân mọc thẳng, ít phân cành.
Ông Nguyễn Xuân Hồng cho biết, cuối giờ chiều ngày 21-1, Cục BVTV đã yêu cầu Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam phối hợp cung cấp thêm thông tin chi tiết từ phía Mỹ để giúp Việt Nam nhanh chóng truy suất, thu hồi táo của Mỹ nhiễm khuẩn trên thị trường Việt Nam nếu có.