Tiếp Tục Phát Huy Thế Mạnh Nông Nghiệp Công Nghệ Cao
Trong hai ngày 2 - 3/2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lâm Đồng về vấn đề xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC)...
Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Lâm Đồng là tỉnh đạt khá trong xây dựng NTM. Đáng lưu ý, Lâm Đồng là tỉnh có thế mạnh đặc biệt về NNCNC, có thể nói là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về NNCNC hiện nay.
Trong xây dựng NTM, việc phát triển NNCNC đóng một vai trò hết sức quan trọng. Những năm qua, Lâm Đồng đã làm khá tốt vấn đề này. Bởi vậy, trong thời gian tới, Lâm Đồng cần tiếp tục phát huy để đạt kết quả cao hơn nữa”.
Đơn Dương - Huyện NTM kiểu mẫu
Trong hai ngày đến thăm các mô hình NNCNC tại hai huyện Đơn Dương và Đức Trọng, Bộ trưởng Cao Đức Phát phát biểu: “Tôi rất ấn tượng trước nỗ lực xây dựng NTM của hai huyện Đơn Dương, Đức Trọng nói riêng và cả Lâm Đồng nói chung”.
Tại mô hình trồng lan hồ điệp CNC đạt đến trình độ thế giới của Cty TNHH Trường Hoàng (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương), Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của đôi vợ chồng chủ doanh nghiệp bắt đầu làm ăn đi lên từ đôi bàn tay trắng.
Hiện tại, Cty TNHH Trường Hoàng đã có hai khu sản xuất lan hồ điệp trong nhà kính với hệ thống dây chuyền thiết bị hoàn toàn tự động nhập về từ nước ngoài. Mô hình trồng lan hồ điệp này của Trường Hoàng được đánh giá hiện đại nhất nước.
Tại Vườn ươm Thiên Sinh (Lạc Lâm, Đơn Dương), Bộ trưởng đặc biệt quan tâm đến quy trình sản xuất khép kín từ khâu sản xuất giống đến trồng thành phẩm trong nhà kính.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, chủ Vườn ươm Thiên Sinh, báo cáo với Bộ trưởng: Ngoài giống cà chua, vườn ươm còn sản xuất khoảng 10 loại giống cây rau khác với tổng cộng mỗi năm xuất vườn khoảng 6 triệu cây giống để phục vụ nông dân trong vùng. Hiện tại, vườn ươm có thường xuyên 50 lao động làm việc với mức lương bình quân 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Tại xã Quảng Lập (Đơn Dương), ông Nguyễn Bình Trị - Chủ tịch UBND xã, báo cáo: Năm 2013, Quảng Lập là một trong 2 xã đầu tiên đạt 19/19 tiêu chí NTM của huyện Đơn Dương.
Đến 2014, Quảng Lập đạt thu nhập đầu người 45 triệu đồng/tháng - cao hơn nhiều so với mức bình quân chung của tỉnh và nhất là so với nhiều xã khác trong tỉnh Lâm Đồng. Đặc biệt, cũng theo ông Nguyễn Bình Trị, Quảng Lập là xã duy nhất trong huyện hiện không còn hộ nghèo.
Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương Đinh Ngọc Hùng cho biết, Đơn Dương được tỉnh Lâm Đồng chọn làm điểm để xây dựng NTM cấp huyện.
Hiện tại, Đơn Dương đã có 5/8 xã đạt 19/19 tiêu chí; 3 xã còn lại đều đạt từ 14 tiêu chí trở lên. Khoảng nửa cuối năm 2015 này, Đơn Dương có thể tiếp tục có 2 xã là Đạ Ròn và Tu Tra sẽ đạt chuẩn NTM để đến cuối năm, Đơn Dương là huyện đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng đạt huyện NTM theo chuẩn quốc gia.
Lâm Đồng gây ấn tượng mạnh
Báo cáo với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh chiều 3/2 tại Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Chương trình NNCNC ở Lâm Đồng đang tiếp tục được triển khai thực hiện và chương trình này có sức lan tỏa rất lớn, có giá trị khuyến khích người dân mạnh dạn bỏ vốn đầu tư trong sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC.
Hiện toàn tỉnh có 40.000 ha đất sản xuất theo hướng NNCNC - chiếm 15% tổng diện tích canh tác nông nghiệp của tỉnh.
Về chương trình NTM, trong năm 2014, toàn tỉnh huy động được gần 9.000 tỷ đồng để xây dựng NTM.
Đến nay, cả tỉnh đã có 19 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 2 xã hiện đang được rà soát để có thể tiếp tục công nhận tiếp; 28 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 46 xã đạt 10 - 14 tiêu chí.
Riêng huyện Đơn Dương, phấn đấu trong năm 2015 này sẽ là huyện NTM đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng; và năm tiếp theo - 2016 sẽ là huyện Đức Trọng.
Thay mặt đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã ghi nhận, biểu dương và đánh gia cao những nỗ lực mà chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng trong thời gian qua trên lĩnh vực phát triển NNCNC và xây dựng NTM.
Đồng thời, Bộ trưởng lưu ý tỉnh Lâm Đồng cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho nông dân bằng chính sản phẩm có đầu ra ổn định của họ; bên cạnh việc phát huy sức mạnh toàn dân trong xây dựng NTM, Lâm Đồng cần tiếp tục có sự vào cuộc đồng bộ với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.
Có thể bạn quan tâm
Từ thổ nhưỡng thuận lợi và kinh nghiệm sẵn có, nông dân xã Phú Thuận (An Giang) đang phục hồi, mở rộng vùng nuôi tôm càng xanh 502 héc-ta, trở thành vùng chuyên canh lúa-tôm lớn nhất tỉnh.
Ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) trong nông nghiệp được hiểu là đưa công nghệ và kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong quá trình hội nhập quốc tế.
Sáng 21/7, tại TP Tuy Hòa, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám và Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên Lê Văn Trúc đồng chủ trì hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai đề án Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Tham gia hội nghị có lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, đại diện một số cục, vụ, viện thuộc Bộ NN-PTNT; lãnh đạo UBND các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định; các doanh nghiệp và ngư dân tham gia chuỗi liên kết tại ba tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Hiện nay, hơn 3,3 ha tôm nuôi trên địa bàn Diễn Châu (Nghệ An) đã xuất hiện bệnh. Một số đầm, tôm chết nhiều nên phải thu hoạch sớm.
Đang là mùa mưa nên nhiệt độ thường giảm xuống, các chỉ số môi trường thay đổi liên tục; Do đó người nuôi tôm ở Sóc Trăng cần theo dõi thông tin khuyến cáo của ngành chức năng, đặc biệt là thông báo quan trắc môi trường nước phục vụ nuôi trồng thủy sản, diễn biến thời tiết, cảnh báo dịch bệnh… để bà con có 1 vụ nuôi thành công.