Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giải Cứu Nông Dân Trồng Mía

Giải Cứu Nông Dân Trồng Mía
Ngày đăng: 22/12/2013

Chưa bao giờ nông dân trồng mía ở các tỉnh ĐBSCL lâm vào cảnh khốn khó như hiện nay, khi giá bán quá thấp khiến nhiều hộ thua lỗ liên tục. Tình trạng bỏ đất trồng mía đang diễn ra nhiều nơi làm cho các ngành chức năng và nhà máy đường đau đầu. Song mọi nỗ lực cứu nông dân trồng mía vẫn đang là bài toán khó.

Cây mía bây giờ không còn “ngọt” nên nông dân cũng uể oải.

Bỏ mía vì... thua lỗ

Cù Lao Dung (Sóc Trăng) là một trong những huyện có diện tích mía nguyên liệu nhiều nhất ở ĐBSCL, hiện nay đang vào vụ thu hoạch nhưng nông dân không vui vì giá mía thấp quá. Anh Phạm Văn Mẫn, chủ 15 công mía ở xã Đại Ân 1, chua chát: “Đây là năm thứ 2 liên tiếp bị lỗ mía. Nếu như năm rồi mía gần đến kỳ thu hoạch thì bị triều cường làm vỡ đê, nước ngập gần 1m, khiến năng suất và chữ đường giảm mạnh gây thiệt hại lớn.

Năm nay, thương lái mua giá quá thấp chỉ 850 - 890 đồng/kg (loại mía đạt 10 chữ đường), nếu chữ đường thấp hơn thì giá sẽ giảm theo. Với tình hình này, sau gần 1 năm vất vả chăm sóc mía, nông dân chỉ từ hòa tới lỗ”. Lỗ mía khiến gia đình anh Mẫn “ôm nợ”, nên vợ chồng nói lời chia tay với cây mía và kéo nhau lên Bình Dương làm thuê kiếm sống.

Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, nhìn nhận đến nay đã có hơn 600ha/8.200ha mía được thu hoạch. Song điều đáng buồn là hầu hết bà con không thu được lợi nhuận bao nhiêu. Riêng những hộ canh tác chỉ 100 - 120 tấn/ha là cầm chắc lỗ nặng. Vì vậy, sau vụ này nhiều nông dân bỏ cây mía là điều khó tránh khỏi.

Tại huyện Phụng Hiệp, vùng mía trọng điểm của tỉnh Hậu Giang, hiện nhiều nông dân cũng ngán ngẩm với cây mía. Chị Nguyễn Thị Kim Pha, ấp Phương An, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, thở dài: “Dân xứ này mỗi năm chỉ canh tác một vụ mía. Hàng trăm thứ chi tiêu trong gia đình như con cái học hành, mua sắm, đau bệnh… đều trông vào cây mía. Thế nhưng, chờ đến kỳ thu hoạch thì lại bán lỗ nên nông dân cứ nghèo hoài”.

Ông Nguyễn Văn Chinh, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho rằng cây mía bây giờ không còn “ngọt” nên ai cũng uể oải. Cái khó là nông dân trồng mía nhưng không quyết định được giá bán vì phụ thuộc vào thương lái nên luôn bị thua thiệt. Thế là nhiều hộ bỏ mía để trồng cây khác. Tại Long An, Trà Vinh, Cà Mau… nông dân trồng mía cũng liên tục thua trắng bởi giá cả sụt giảm.

Cứu nông dân cách nào?

Trước thực trạng nông dân ĐBSCL ùn ùn bỏ trồng mía đã khiến các ngành chức năng lo ngại. Ông Nguyễn Thế Tự, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), lo lắng: “Vụ mới này toàn huyện dự kiến chỉ giảm khoảng 280ha mía, nhưng hiện xã Phương Phú đã đăng ký giảm tới 500ha.

Tuy nhiên, quan điểm của huyện là không thể giảm ào ạt cùng lúc, mà cần có lộ trình nhằm tránh xảy ra chuyện “trồng - chặt” tràn lan. Chủ trương là chỉ giảm đất trồng mía ở những nơi không hiệu quả. Nếu vùng trũng thì chuyển sang làm lúa, vùng đất cao thì trồng cây ăn trái, nhưng trước mắt trồng rau màu để “lấy ngắn nuôi dài”, do nông dân luôn thiếu vốn”.

Theo ông Nguyễn Thế Tự, về lâu dài phải cố gắng giữ 5.000ha mía bởi đây là cây thế mạnh của Phụng Hiệp. Song chúng ta phải mạnh dạn thay đổi cách làm và đầu tư nhiều hơn về cơ giới hóa, chọn giống tốt, áp dụng hình thức trồng mía lưu gốc nhằm giảm chi phí giá thành; thời điểm đầu vụ cần tính toán trồng xen cây màu giúp nông dân tăng thu nhập… Phải làm đồng bộ thì người trồng mía mới sống được từ cây mía.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở NN-PTNT Long An, cho biết cây mía đang bị cây chanh tấn công quyết liệt. Nếu như trồng mía chỉ từ hòa đến lỗ thì cây chanh đang lên đời với lợi nhuận từ 100 - 200 triệu đồng/ha. Dù vậy, tỉnh vẫn nỗ lực giữ 13.000ha mía ở các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Đức Huệ, Thủ Thừa… phục vụ cho 2 nhà máy đường ở địa phương hoạt động.

Làm được điều này, cần chuyển đổi hình thức từ sản xuất nhỏ lẻ hiện nay sang hình thành tổ hợp tác để thuận lợi trong đầu tư giống, kỹ thuật, quy hoạch bờ vùng, đê bao. Đồng thời khâu thu hoạch, vận chuyển… thuận lợi sẽ giảm được chi phí giá thành. Nếu làm được như vậy hy vọng đời sống nông dân trồng mía sẽ cải thiện.

Cùng với sự nỗ lực của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương trong việc giữ cây mía, các nhà máy có trách nhiệm hơn trong hợp đồng bao tiêu và tiêu thụ mía dễ dàng cho nông dân… thì vấn đề quan trọng là giữ giá đường sao cho hợp lý, bởi giá đường có ổn định thì nhà máy mới mua mía cho dân cao được. Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện đường sản xuất trong nước đã vượt nhu cầu tiêu thụ hàng trăm ngàn tấn mỗi năm.

Do đó, ngành chức năng cần tính toán phương pháp xuất khẩu đường hợp lý; tăng cường chống đường nhập lậu một cách hiệu quả, đồng thời xem xét có nên “nhập đường” trong hoàn cảnh thừa đường như hiện nay hay không. Ngành mía đường đang cần sự điều phối cung - cầu một cách hợp lý thì mới mong thoát khỏi tình cảnh khốn khó hiện nay. Có như vậy, nông dân mới an tâm quay lại với cây mía.


Có thể bạn quan tâm

Kỳ Vọng Từ Giống Lúa Thuần Hương Biển 3 Kỳ Vọng Từ Giống Lúa Thuần Hương Biển 3

Là người đã gắn bó gần 40 năm với cánh đồng Mường Thanh, nên ông Nguyễn Xuân Biền, Giám đốc Công ty TNHH giống nông nghiệp Trường Hương, đội 5 xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) hiểu rõ đặc tính của từng giống lúa.

29/08/2014
Gần 5.000 Máy Gặt Phục Vụ Sản Xuất Nông Nghiệp Gần 5.000 Máy Gặt Phục Vụ Sản Xuất Nông Nghiệp

Nhằm đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khâu thu hoạch, những năm qua tỉnh ta đã ban hành chính sách hỗ trợ 20% giá trị mua máy gặt đập liên hợp cho các tập thể, cá nhân. Nhờ đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 4.987 máy gặt, trong đó có 501 máy gặt đập liên hợp.

21/08/2014
Triển Vọng Mô Hình Ương Cá Bổi Triển Vọng Mô Hình Ương Cá Bổi

Mô hình có diện tích 1.000 m2, được thực hiện trên phần đất rừng vừa khai thác cây, xung quanh có đào kinh nhỏ bao khuôn. Hiện nay cá bổi con được hơn 45 ngày tuổi, phát triển tốt. Theo quan sát của chúng tôi, khi ăn cá nổi dày đặc trên mặt nước.

30/08/2014
Nhắm Mắt Bắt Cua Nhắm Mắt Bắt Cua

“Con gì tám cẳng hai càng; không đi mà lại bò ngang cả ngày” - câu đố dân gian về con cua nay bỗng dưng trở thành thời sự tại xứ sở Cà Mau - nơi con cua biển đang “mang họa” vì cái tên “Trung Quốc”. Cách đây hơn một năm, con cua biển Năm Căn (Cà Mau) bầm giập vì thương lái thu mua quên trả tiền, nay người nuôi cua biển mang nỗi hàm oan “cua Trung Quốc” khiến con cua có nguy cơ “gãy càng” trước khi được công nhận thương hiệu quốc gia.

21/08/2014
Người Nuôi Cá Bè Trên Sông Vàm Cỏ Đông Thiệt Hại Nặng Vì Nước Sông Ô Nhiễm Người Nuôi Cá Bè Trên Sông Vàm Cỏ Đông Thiệt Hại Nặng Vì Nước Sông Ô Nhiễm

Sông Vàm Cỏ Đông lâu nay bị các cơ sở sản xuất chế biến mì, cao su nằm ven bờ tận dụng để xả nước thải chưa qua xử lý, gây ô nhiễm nguồn nước. Thời gian qua, Sở Tài nguyên - Môi trường Tây Ninh đã tích cực vào cuộc, xử lý nghiêm một số cơ sở có hành vi vi phạm nói trên.

30/08/2014