Giá Xoài Liên Tục Giảm, Nông Dân Hậu Giang Điêu Đứng

Giá xoài rớt thê thảm, nhiều nơi thương lái bỏ cọc không thu mua khiến bà con trắng tay vì trồng xoài.
Những ngày này, ở các tỉnh ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch xoài, nhưng giá xoài rớt thê thảm, nhiều nơi thương lái bỏ cọc không thu mua, nông dân đang tìm mọi cách để gỡ tiền phân thuốc, tránh một vụ xoài trắng tay.
Cũng như các hộ nông dân khác, mùa này gia đình ông Đinh Tấn Sĩ xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang với hơn 40 năm trồng xoài, chưa năm nào thấy giá xoài cát Hòa Lộc rớt giá như năm nay. Với 4 tấn xoài đang tới ngày thu hoạch thương lái chỉ mua với giá 12.000 đồng/kg, trong khi đầu vụ là hơn 30.000 đồng/kg, làm ông thiệt hại gần 60 triệu đồng.
Ông Đinh Tấn Sĩ tâm sự: “Lúc đầu mùa, giá cao khoảng mấy chục ngàn/1 kg nhưng bây giờ thương lái họ trả giá rất thấp, chỉ 11 đến 12.000 đồng/kg”.
Không chỉ nhà vườn bị lỗ vốn do xoài rớt giá mà các nhà vựa cũng bị thiệt hại do phải đặt tiền cọc mua xoài với giá cao, nay giá xoài xuống thấp nhiều nhà vựa đành bỏ tiền cọc không mua xoài vì càng mua càng lỗ nặng.
Bà Đặng Thị Thi, một trong những vựa thu mua lớn thuộc xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, cho biết, chưa có năm nào giá xoài rớt giá thuê thảm như những ngày gần đây. Vựa của bà Thi và nhiều chủ vựa trái cây ở trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cũng không dám mạo hiểm thu mua xoài vì không có đầu ra.
Những hộ trồng xoài Đài Loan (Trung Quốc) vừa rớt giá vừa thương lái không mua như giống xoài cát Hòa Lộc. Những ngày này gia đình ông Trần Văn Hiện xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang đang bận rộn với việc hái xoài, phân công người nhà đưa ra chợ bán gỡ gạt lại tiền phân thuốc, vì không thấy thương lái đến hái dù gia đình ông đã đồng ý bán với giá chỉ 5.000 đồng/1kg, với 1 tấn xoài đang tới ngày thu hoạch gia đình ông không biết sẽ xử lý ra sao.
Ông Trần Văn Hiện nói: “Tôi đã trồng loại xoài Đài Loan được 4 năm. Cách đây 2 tháng, tôi bán được 18.000 đồng/1 kg tại vườn. Bây giờ, tôi chỉ bán được 5.000 đồng/1kg.
Những năm trước đây trên địa bàn huyện Châu Thành nông dân chủ yếu trồng xoài cát Hòa Lộc. Tuy nhiên, khi giống xoài Đài Loan (Trung Quốc) xuất hiện, với những đặc tính như dễ trồng, năng suất cao, người dân đã ồ ạt chuyển sang trồng giống xoài này.
Hiện nay, toàn huyện có hơn 500 ha trồng xoài, trong đó đã có đến 80% diện tích trồng xoài Đài Loan. Tuy nhiên, đây là giống xoài chất lượng không cao và mùi vị không thơm ngon như xoài Cát Hòa Lộc cũng như các giống xoài địa phương. Thời gian đầu loại xoài này thu hút người mua do tính hiếu kỳ.
Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Trong thời gian gần đây, bà con phát triển nhiều cây xoài Đài Loan vì rất dễ trồng, dễ cho trái, năng suất cao và trước kia bán được giá. Huyện chỉ khuyên bà con nên trồng xoài cát Hòa Lộc và chủ yếu phát triển cây có múi chứ không nên trồng loại xoài khác”.
Hiện nay trước nhu cầu thực tế của địa phương vượt ngoài tầm kiểm soát của ngành chuyên môn, nên chính quyền địa phương cũng không thể ngăn được phong trào trồng xoài Đài Loan (Trung Quốc) của người dân.
Một lần nữa cho thấy sự lúng túng vì bản thân các cấp quản lý cũng không dám chắc về đầu ra cho nông dân, nên mọi việc chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo.
Có thể bạn quan tâm

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu ước đạt 94.000 tấn hạt tiêu, trị giá 618 triệu USD. Trong đó, riêng tháng 7, khối lượng tiêu xuất khẩu ước đạt 12.000 tấn, kim ngạch đạt 81 triệu USD.

Từng nổi tiếng với mô hình nuôi heo rừng lai, giờ đây anh Nguyễn Tuấn Kiệt, ở ấp 20, xã Khánh Thuận, huyện U Minh (Cà Mau), còn phát triển thêm mô hình nuôi chồn mướp (cầy hương), không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra triển vọng cho sự bảo tồn loài động vật hoang dã quý hiếm này.

Với hơn 150 nghìn ha, tỉnh Bình Phước được coi là "thủ phủ điều của cả nước". Cây xóa đói, giảm nghèo một thời, nay vì mất giá, cho nên người dân chặt bỏ. Nhiều hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số không có vốn đầu tư, đất bạc màu là còn chung thủy với cây điều. Nhưng cơn lốc của thị trường, lại nảy sinh tình trạng bán điều non, gây nhức nhối ở các xã vùng sâu tỉnh Bình Phước.

Nhằm giúp nghề trồng rau phát triển bền vững, tăng giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích, lần đầu tiên tỉnh ta đã đưa mô hình trồng rau an toàn (RAT) trong nhà lưới theo hướng VietGap vào sản xuất trên diện tích gần 40 ha tại các địa phương trọng điểm về trồng rau của tỉnh là An Hải (Ninh Phước), Hộ Hải (Ninh Hải) và phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) mở ra triển vọng mới cho người trồng rau.

Tháng 8-2012, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện triển khai mô hình “Nuôi thử nghiệm cá diêu hồng” tại thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn. Sau 5 tháng thực hiện, mô hình đạt hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao.