Hồ Tiêu Gia Nhập Câu Lạc Bộ 1 Tỷ USD Phải Sửa Lại Quy Hoạch?
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan ghi nhận, tính từ đầu năm đến ngày 15/9, xuất khẩu hồ tiêu đạt 1,022 tỷ USD. Đây là kỷ lục mới của hồ tiêu, đánh dấu mốc gia nhập CLB 1 tỷ USD.
Trong khi nhiều mặt hàng nông sản khác đang gặp nhiều khó khăn khi XK ra thị trường thế giới, hợp đồng thu mua bị suy giảm, bị bạn hàng ép giá… thì hồ tiêu vẫn tăng trưởng mạnh, vững bước tiến sâu vào thị trường thế giới. Lần đầu tiên sau bao năm XK, lần đầu tiên tiêu đạt trên 1 tỷ USD.
Nhiều khả năng cán đích trước 6 năm
Theo Bộ NN&PTNT, khối lượng tiêu XK trong tháng 8 ước đạt 6.000 tấn, thu về 56 triệu USD, đưa khối lượng XK tiêu 8 tháng đầu năm lên 126.000 tấn, đạt kim ngạch 926 triệu USD, tăng 23,9% về khối lượng và tăng 38,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Bước sang tháng 9, tiếp tục duy trì phong độ ổn định cả về giá cả, lượng XK, hồ tiêu ghi dấu ấn kỷ lục.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong nửa đầu tháng 9, các DN trong nước đã XK được 3.556 tấn hạt tiêu, đạt giá trị 34,081 triệu USD, nâng kim ngạch XK tiêu của cả nước từ đầu năm đến nay lên trên 136.000 tấn, đạt giá trị 1,022 tỷ USD. Như vậy so với cả năm 2013, lượng tiêu XK tính đến giữa tháng 9 đã nhiều hơn gần 4.000 tấn, XK cao hơn 100 triệu.
Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) dự báo, từ nay đến cuối năm, nguồn cung hồ tiêu cho thế giới sẽ thiếu hụt, không đáp ứng đủ nhu cầu vì các nước XK tiêu lớn như Ấn Độ, Indonesia giảm sản lượng 15-20%. Một lần nữa, đây sẽ là cơ hội cho ngành hồ tiêu Việt Nam tăng tốc XK.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo, XK tiêu năm nay có thể sẽ tăng mạnh so với năm ngoái. Có khả năng năm 2014, XK tiêu sẽ đạt 1,3 tỷ USD - đây là con số tương đương với mục tiêu XK hồ tiêu của năm 2020 do Bộ NN&PTNT vừa đặt ra khi Quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được phê duyệt.
Theo đó, mục tiêu phấn đấu của ngành là đến năm 2020, tầm nhìn 2030 diện tích trồng hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000 ha, năng suất đạt 30 tạ/ha, sản lượng đạt 140.000 tấn và sản phẩm tiêu chất lượng cao đạt 90%, kim ngạch XK đạt 1,2-1,3 tỷ USD. Như vậy, nếu cuối năm ngành tiêu cán đích 1,3 tỷ USD cũng đồng nghĩa với việc cán đích sớm tới 6 năm. Nếu vậy, có lẽ Quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu mới được phê duyệt, sẽ cần phải được chỉnh sửa lại cho theo kịp với thực tế.
Hiện tại, tiêu của Việt Nam đã có mặt tại hơn_90_quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam chiếm khoảng 30% sản lượng tiêu trên toàn thế giới và chiếm khoảng 50% khối lượng tiêu XK trên thế giới. Dù là nước gia nhập Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) muộn nhất (tháng 3/2005 mới được Liên Hiệp Quốc phê chuẩn là thành viên chính thức của Cộng đồng) nhưng vai trò và vị trí ngành hồ tiêu Việt Nam từng bước được nâng cao khi các nước bắt đầu lấy giá bán của Việt Nam để tham khảo.
Gần đây, nhiều thị trường XK tiêu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng mạnh như Hoa Kỳ tăng 25,7% về khối lượng và tăng 35,19% về giá trị; Singapore tăng 80,74% về khối lượng và tăng gấp 2,27 lần về giá trị; Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tăng 63,24% về khối lượng và tăng 93,63% về giá trị; Thị trường Ấn Độ tăng 85,68% về khối lượng và tăng gấp hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Điều phối nhịp nhàng, hài hòa lợi ích
Ngành hàng hồ tiêu đạt được nhiều thành công, giữ vị trí đứng đầu thế giới về lượng hồ tiêu XK và từ năm 2001 và duy trì cho đến hiện nay là do chúng ta có năng suất tiêu bình quân đạt hơn 2 tấn/ha, thuộc nhóm có năng suất cao trên thế giới.
Ưu thế thứ hai là sự ổn định về chất lượng và sản lượng. Mặc dù một số nước sản xuất tiêu đã giảm lượng sản xuất do giá cả thấp trong vài năm gần đây, Việt Nam vẫn duy trì được diện tích và sản lượng. Đồng thời, chất lượng hạt tiêu ngày càng cao nhờ quan tâm và đầu tư nhiều hơn đến chế biến sau thu hoạch.
Thế mạnh thứ ba là khả năng giảm thiểu XK thông qua các nhà buôn trung gian, mà tăng cường XK trực tiếp cho những nhà cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến gia vị ở các nước. Bên cạnh đó, sự khác biệt về thời điểm thu hoạch với những vùng canh tác chính trên thế giới cũng tạo lợi thế trong điều tiết thu mua, tiêu thụ cho hồ tiêu Việt Nam.
Trong khi Ấn Độ và Srilanka thu hoạch sớm từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, Brazil và Indonesia thu hoạch muộn hơn từ tháng 7 đến tháng 11. Việt Nam lại thường thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 5 trong đó lượng thu hoạch tập trung chủ yếu trong tháng 2 và tháng 3.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, khuyến cáo trong tình hình giảm cung và giá phục hồi như hiện nay, ngành hồ tiêu Việt Nam nên tập trung để phát triển bền vững. Trước hết cần kiểm soát ổn định diện tích và sản lượng hồ tiêu trong nước.
Với tín hiệu phục hồi giá, nông dân có thể tái đầu tư mạnh vào diện tích hiện có hoặc trồng mới thêm. Trong trung hạn, có thể gây ra vấn đề dư cung như thời gian trước đây dẫn đến sự trì trệ của cả ngành hàng trong tương lai. Diện tích trồng được khuyến cáo duy trì ở mức như hiện nay, trên dưới 50.000 ha.
Cần tiếp tục nâng cao trình độ công nghệ chế biến để đạt chất lượng hạt tiêu đảm bảo ATTP. Nâng dần tỷ trọng tiêu trắng trong cơ cấu tiêu xuất khẩu để nâng cao giá trị và lợi nhuận của ngành hàng.
Không khuyến thích thâm canh tăng năng suất, mà duy trì ổn định năng suất như hiện nay, tăng tuổi thọ vườn tiêu bằng các biện pháp canh tác và phòng trừ dịch bệnh tổng hợp.
Cần có những hoạt động nhằm điều phối, thống nhất việc XK tiêu giữa các DN để đạt được lợi ích chung cao nhất dựa trên các dự báo, thông tin thị trường chính xác. Các DN cần liên kết với hệ thống ngân hàng để có đủ vốn thu mua và dự trữ nguyên liệu ngay từ đầu vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày qua, nhiều nông dân ở xã Trí Lực, huyện Thới Bình bước vào vụ thu hoạch tôm nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến. Phần lớn các hộ nuôi đều có lợi nhuận khá cao.
Hơn 12 năm gắn bó với nghề nuôi heo nhân giống, bà Võ Thị Nành, khóm 7, thị trấn Thới Bình gặp không ít thất bại, nhưng nhờ kiên trì, đến nay, nghề này đã mang lại thu nhập khá cho gia đình.
Ông Đặng Chiến Thuật sinh năm 1951, quê gốc ở tỉnh Nam Định. Ông nhập ngũ năm 1975, đơn vị Cục Hậu cần Quân khu 7, đến năm 1977 tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Ông xuất ngũ năm 1981 với thương tật một bên chân (thương binh 4/4).
Với việc mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích, áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở xã Đắk N’Drót (Đắk Mil) đã nỗ lực vươn lên làm giàu và có cuộc sống ổn định.
Với tâm huyết và nỗ lực để đưa sản phẩm rau đảm bảo an toàn đến bàn ăn của người dân tại địa phương, năm 2011, xã Tâm Thắng đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Chư Jút chọn 10 hộ dân chuyên sản xuất rau xanh tại thôn 4 để triển khai mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP.