Giá tôm nhập khẩu vào Mỹ giảm mạnh

Đối với mặt hàng tôm, Ấn Độ là nước cung cấp tôm lớn nhất cho Mỹ chiếm 23,8% trong tổng giá trị NK tôm của Mỹ 9 tháng đầu năm nay.
Việt Nam đứng thứ 5 chiếm 11,3%.
Trong top 10 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ, Mexico và Guyana là 2 nước ghi nhận mức tăng trưởng dương về giá trị XK tôm sang Mỹ lần lượt tăng 34% và 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mexico tăng cả khối lượng và giá trị XK tôm sang Mỹ cho thấy nước này đang phục hồi sản lượng rất tốt sau dịch EMS.
Các nguồn cung còn lại đều giảm XK tôm sang Mỹ trong đó Ấn Độ giảm ít nhất 3%, Việt Nam giảm mạnh nhất 43% về giá trị XK sang đây.Thái Lan tăng 12% về khối lượng XK tôm sang Mỹ nhưng lại giảm 7% về giá trị.
Sản lượng tôm của nước này đang gia tăng sau dịch EMS trong khi giá tôm ở Thái Lan đang giảm, thậm chí giảm dưới giá thành sản xuất.
Theo VASEP, tôm thịt đông lạnh và tôm chế biến đông lạnh là 2 sản phẩm NK chính của Mỹ.
Tôm thịt đông lạnh được Mỹ NK nhiều nhất với gần 1,6 tỷ USD, giảm 22%.
Trong đó, Indonesia là nhà cung cấp lớn nhất mặt hàng này cho Mỹ.
Giá trị XK mặt hàng này từ Indonesia sang Mỹ trong 9 tháng đầu năm nay đạt gần 402 triệu USD; chiếm 25,5% tổng NK mặt hàng này của Mỹ và giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam đứng thứ 3 về cung cấp mặt hàng này cho Mỹ sau Indonesia và Ấn Độ cũng giảm 50% về giá trị XK.
Tôm chế biến đông lạnh là sản phẩm NK nhiều thứ hai vào Mỹ với gần 545 triệu USD, giảm 20%.
Trong đó, Thái Lan là nhà cung cấp lớn nhất mặt hàng này cho Mỹ với giá trị XK 223,8 triệu USD; chiếm 41% thị phần và giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam đứng thứ 2 và cũng giảm 41% về giá trị XK.
Đáng chú ý, Mỹ tăng 10% giá trị NK mặt hàng tôm còn vỏ bỏ đầu đông lạnh cỡ <33.
Mexico đứng đầu về cung cấp mặt hàng này cho Mỹ, Việt Nam đứng thứ 3 sau Mexico và Ấn Độ.
Việt Nam đứng thứ 5 về cung cấp tôm nói chung cho Mỹ sau Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan và Ecuador.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính tới ngày 15/10/2015, XK tôm Việt Nam sang Mỹ đạt 491 triệu USD, giảm trên 43% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo VASEP giá thành sản xuất cao dẫn tới giá XK tôm của Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với mặt bằng chung trên thị trường Mỹ.
Đồng nội tệ của các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Trung Quốc…phá giá mạnh 20- 30%, trong khi đồng VND chỉ giảm giá nhẹ.
Chính điều này khiến tôm Việt Nam XK vào Mỹ khó cạnh tranh với các quốc gia nói trên.
VASEP cho biết, chín tháng đầu năm nay, giá NK trung bình tôm vào Mỹ từ Việt Nam đạt 11,2 USD/kg; cao hơn tất cả các nguồn cung đối thủ trong top 10 nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ trừ Mexico.
Cụ thể, giá tôm Việt Nam cao hơn 1,6 USD/kg so với giá tôm Ấn Độ; cao hơn 1,4 USD/kg so với giá tôm Indonesia và cao hơn tôm Thái Lan 0,7 USD/kg.
Theo nhận định của VASEP, XK tôm của Việt Nam sang Mỹ những tháng cuối năm dự kiến sẽ khởi sắc nhờ những tín hiệu tích cực từ kết quả thuế chống bán phá giá POR9 và việc kết thúc đàm phán hiệp định TPP.
Có thể bạn quan tâm

Cuối tuần qua, nhiều hộ chăn nuôi tại Đồng Nai, TP. HCM và khu vực ĐBSCL cho biết, giá heo hơi hiện chỉ còn xấp xỉ 40.000 đồng/kg. Không chỉ heo hơi giảm giá, nhiều chủ trại heo giống cũng “than ngắn thở dài” khi cả tháng trở lại đây, họ không bán heo con ra được mặc dù giá đã liên tục giảm sâu.

Hằng năm, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa, hàng ngàn ha rơm phải bỏ tại ruộng hoặc rải rác tại các cặp bờ kênh. Lũ về, những hạt lúa còn sót lại trôi theo dòng nước tứ tán rơi đều trên mặt ruộng, nằm im trong lòng đất chờ cơ hội phát triển thành lúa von. Còn những đống rơm, trôi lênh đênh trên mặt nước, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa làm cản trở giao thông đường thủy. Có không ít nông dân cũng đã tận dụng nguồn rơm dư thừa này để trồng nấm.

Sóc Trăng là một trong 5 tỉnh ở ĐBSCL (gồm Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau) triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) giai đoạn 2011 - 2013 trên tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên dịch bệnh tôm vẫn diễn biến phức tạp, tôm chết nhiều, dẫn tới thủ tục đền bù thiệt hại gặp rắc rối.

Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (TTKNKN) Quảng Trị đã triển khai mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo hướng GAP tại phường Đông Lễ - TP. Đông Hà, xã Hải Lệ - TX. Quảng Trị, xã Hải Thượng – huyện Hải Lăng. Quy mô của mô hình là 01 ha với 3 hộ tham gia, mật độ thả nuôi 2,5 con/m2. Tổng kinh phí của mô hình là hơn 80 triệu đồng, trong đó TTKNKN hỗ trợ 100% con giống và 30% thức ăn.

Bất chấp những cảnh báo, nông dân trồng khoai ở Vĩnh Long vẫn đang hồ hởi đầu tư, mở rộng diện tích khi mấy ngày qua, giá khoai lang bắt đầu tăng trở lại.