Điệp Khúc Được Mùa Rớt Giá Nông Dân Lúng Túng Tìm Lối Ra
Cuối tháng 10 vừa qua, tỉnh Lâm Đồng đã phải cầu cứu các siêu thị ở TPHCM hợp tác để tiêu thụ cà chua cho nông dân. Sau 1 tuần, hệ thống siêu thị Co.opMart, BigC vào cuộc và mở chiến dịch vận động người dân TPHCM “Ăn cà chua giúp nông dân Lâm Đồng”, giá cà chua từ mức 10.000 đồng/3kg đã kéo lên được 15.000 đồng/2kg tại các chợ truyền thống. Trước đó là vụ vải thiều Bắc Giang, hành tây…
Điệp khúc được mùa, rớt giá luôn lặp lại! Liệu có cách nào giúp nông dân hạn chế mức thấp nhất thiệt hại từ việc trồng trọt theo cảm tính, số đông?
Khi “cung” lệch “cầu”
Tháng 10 vừa qua, cà chua thương lái thu gom tại một số huyện của tỉnh Lâm Đồng (Đơn Dương, Đức Trọng) rớt giá thảm hại, chỉ 500 - 1.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá bán cà chua tại các chợ truyền thống vào cùng thời điểm khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg. Trước thực trạng này, không ít hộ dân phải đổ bỏ hoặc cho bò ăn. Từng đống cà chua đỏ tươi, trông ngon mắt bị vứt bên vệ đường không ai thèm nhặt.
Không chỉ cà chua, một số hộ dân trồng đậu que tại xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cũng cho biết, giá bán mỗi ký đậu tại vườn vào đầu tháng 10 chỉ khoảng 2.000 đồng/kg. Đậu rộ mùa, phải thu nhanh. Tính ra, nếu trừ tiền phân bón, công chăm sóc, thuê người hái thì người trồng lỗ đậm. Do vậy, nhà vườn không thu hoạch, để mặc cho đậu già, héo dây rồi vứt bỏ.
Bà Nguyễn Thị Mây, ngụ tại xã Quảng Lập, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), chia sẻ, cùng thời điểm này năm 2013, thời tiết không thuận lợi, nhiều nhà vườn thất thu rau quả nhưng vô tình đẩy giá bán lên cao. Năm nay nông dân đầu tư công sức, chăm bón cây trồng với hy vọng sẽ thu lời cao; không ngờ lại rơi vào cảnh được mùa mất giá.
“Nhẩm tính, mỗi gốc cà chua cho khoảng 2kg quả, chúng tôi phải đầu tư 6.000 - 7.000 đồng. Bán cho thương lái với giá 1.000 đồng/kg, thà đổ bỏ còn hơn. Rõ ràng, vòng luẩn quẩn này không ai muốn, nhưng người dân chúng tôi vẫn phải gánh chịu” - bà Nguyễn Thị Mây buồn rầu nói.
Luôn ở thế bị động
Ông Nguyễn Văn Long, nông dân trồng rau ngụ tại xã Ninh Loan, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), chia sẻ, phần lớn nông dân đều bị động trước việc trồng trọt hoa màu. Bản thân ông Long cũng rơi vào cảnh mất mùa đậu que vào đầu tháng 10. Do thời điểm đó rộ mùa, lượng sản phẩm thu hoạch nhiều, nhưng không thể đẩy đi tiêu thụ tại các tỉnh thành khác, trong khi địa phương nào trồng đậu, rau các loại… Thực trạng cung vượt cầu đẩy nông dân rơi vào bí bách.
“Quá nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động trực tiếp tới nông dân. Ví dụ thời tiết, mùa vụ, thị trường, tâm lý người tiêu dùng… Hầu như nông dân phải tự mày mò, rút tỉa kinh nghiệm từ những lần thất bại trước đó để định hướng trồng trọt cho mùa sau. Nếu như địa phương sâu sát, gần dân, đưa ra định hướng cụ thể hơn cho việc phát triển trồng rau quả, chắc chúng tôi sẽ hạn chế bớt phần nào rủi ro” - ông Nguyễn Văn Long nói.
Ông Lê Quý Công, Trưởng phòng Dịch vụ xúc tiến thương mại chợ Bình Điền, TPHCM, cho rằng, tình trạng một số loại rau củ được mùa, rớt giá là thực trạng đau xót trong thời gian dài, kiểu đến hẹn lại lên. Bởi lẽ, nông dân vẫn chưa thể chủ động trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, mà tất cả đều phụ thuộc diễn biến thị trường, chấp nhận sự áp giá thông qua thương lái…
Còn bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thỏ Việt, nhận định, được mùa mất giá là nghịch lý của nhà nông. “Không chỉ bà con ở Lâm Đồng gánh chịu thiệt thòi mà nhiều nhà nông chuyên sản xuất rau quả tại các tỉnh thành khác cũng chịu chung nỗi lo này.
Theo tôi, thời tiết năm nay tốt hơn mọi năm, do vậy có thể nhiều nông dân tăng thêm sản lượng để bù trừ hư hao, đón đầu nhu cầu tăng giá đột ngột như từng xảy ra vào các năm trước. Nhưng diễn biến thực tế không như dự liệu, giá một số loại rau quả rớt thê thảm, khiến nông dân điêu đứng” - bà Ánh Ngọc cho biết.
Ông Tô Công Tích, Phó phòng Thương mại Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Tiền Giang, khuyến nghị, để tránh tình trạng cung vượt cầu, nông sản được mùa mất giá như hiện nay, nông dân nên chủ động hợp tác với các nhà cung ứng, phân phối. Bên cạnh đó, địa phương cũng cần có những chính sách quan tâm cụ thể, sâu sát hơn đối với những hộ nông dân chuyên canh rau quả, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân.
Câu chuyện nông sản được mùa mất giá không phải mới, nhưng vẫn thường xuyên xảy ra, kéo dài từ mùa này sang mùa khác. Dù rằng, các địa phương cho biết vẫn triển khai chính sách cụ thể, thiết thực cho bà con nông dân.
Nhưng phải chăng, địa phương đang cung cấp cho nông dân những thông tin mà họ có, nhưng chưa cung cấp những gì người nông dân cần? Nghịch lý này sẽ còn tái diễn, nếu như nông dân vẫn tự ý trồng trọt theo cảm tính, trong khi các phòng nông nghiệp địa phương chưa có sự hướng dẫn, tư vấn sâu sát về thị trường cho bà con.
Rộ thông tin rau củ quả rẻ là hàng Trung Quốc
Tại các chợ truyền thống, khi cà chua dội hàng với hàng loạt xe đẩy chào mời: 10.000 đồng/3kg, nhiều người dân TPHCM truyền miệng nhau thông tin rẻ như vậy coi chừng là cà chua Trung Quốc (TQ), dùng thuốc kích thích để cho nhiều trái, nên giá rẻ. Vì vậy, nhiều bà nội trợ không dám mua. Hệ thống siêu thị BigC đã phải mở cuộc vận động “Ăn cà chua giúp nông dân Lâm Đồng”, thông tin này mới được giải tỏa.
Tương tự, 3 tháng qua tại các chợ, mướp, bí, bầu đổ đống cắm bảng 10.000 đồng 3 trái (hoặc 10.000 đồng 4 quả), cũng bị “đổ” là giống TQ, có người gọi là “bí, bầu đá”, nhiều bà nội trợ không dám ăn. Qua tìm hiểu tại các nhà vườn Hóc Môn, quận 12, Củ Chi…, chúng tôi được biết, đó là giống bí, bầu, mướp bón bằng phân bò tươi.
Nguyên nhân, do gần đây phong trào nuôi bò sữa phát triển, phân bò lại không nơi tiêu thụ, chưa có nhà máy chế biến nên đổ đống ngoài đồng. Nhiều nông dân đã rải loại phân chưa hoai này lên ruộng để trồng bí, bầu… không cần giàn, cũng không mất công chăm sóc. Chỉ sau 2 tháng đã cho thu hoạch, nhưng do trồng từ phân tươi, bà con trong vùng gọi là rau củ không sạch, nên bán cho thương lái giá rất rẻ.
Trên thực tế, các loại rau củ nhập từ TQ gần đây rất ít, thậm chí không đáng kể. Thông tin từ các chợ đầu mối nông sản trên địa bàn TPHCM, lượng rau củ quả đổ về các chợ chủ yếu là hàng nội địa. Chẳng hạn, chợ đầu mối Bình Điền, lượng rau củ nhập về dao động 730 - 750 tấn mỗi đêm, trong số này, hàng TQ chỉ chiếm khoảng 1%.
Có thể bạn quan tâm
LTS: Dù là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm Việt Nam phải tốn hàng trăm triệu USD để nhập khẩu hạt giống, con giống. Từ giống heo, gà, bò… đến hạt giống lúa, bí bầu, cà chua… đều phải nhập và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ các công ty nước ngoài tại Việt Nam.
Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Phạm Văn Tâm cho rằng, khoai lang tím Nhật năm nay mất giá hơn năm trước do khó khăn xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Võ Công Khương, chủ một gia trại chuyên nuôi gà lấy trứng ở thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), nhớ lại: “Những năm trước đây, thị trường tiêu thụ gia cầm dẫu có biến động xấu cũng chỉ kéo dài khoảng 2-3 tháng là bình ổn trở lại.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, sau khi nhận được thông báo từ phía Mỹ cho phép NK vải và nhãn từ Việt Nam từ tháng 9/2014, Sở NN-PTNT Bắc Giang đã chủ động liên hệ với Cục BVTV nhằm phối hợp triển khai những công việc nhằm đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của Mỹ, mục tiêu là có lô hàng vải thiều XK sang Mỹ trong vụ vải 2015.
Anh Cương cho hay, trước khi đến với nuôi thỏ, anh làm đủ nghề để sống nhưng vẫn không khá lên được. Trong một lần tình cờ anh lên mạng tìm hiểu, thấy mô hình nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh quyết chí làm theo mô hình này với mong ước làm giàu.