Gia tăng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi
Chưa vào cuộc quyết liệt
Theo ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang trở thành vấn đề nóng và trở nên trầm trọng trong thời gian qua.
Trong khi đó, chăn nuôi ở nước ta chủ yếu vẫn theo hình thức nhỏ lẻ với hàng triệu hộ tham gia nên rất khó kiểm soát.
Nếu như năm 2013, việc quản lý sử dụng chất cấm tương đối tốt, thì đến cuối năm 2014 và đặc biệt là khoảng thời gian cuối năm 2015, việc lạm dụng chất cấm trong chăn nuôi, nhất là Salbutamon trong chăn nuôi lợn và và gần đây nhất là chất vàng ô trong chăn nuôi gia cầm…đã tái diễn trở lại phức tạp.
Số liệu báo cáo của Cục Chăn nuôi cho thấy, trong năm 2013, trong chương trình thanh tra diện rộng Sở NN&PTNT Nam Định đã phát hiện 2 mẫu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) của 2 đơn vị tại Thanh Hóa và Bắc Ninh dương tính với chất cấm.
Năm 2014, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tăng cường kiểm sát chất cấm trong TĂCN tại 6 tỉnh trọng điểm Đồng Nai, Hà Nội, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vĩnh Long, TP Hồ Chí Minh.
Kết quả 13/250 mẫu TĂCN dương tính với chất Salbutamon, tương đương 5,2%.
Trong 10 tháng năm 2015, Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo và phối hợp với một số địa phương tăng cường kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi.
Kết quả kiểm tra cơ sở sản xuất TĂCN các địa phương đã lấy mẫu thức TĂCN tại các nhà máy, phát hiện 1/19 mẫu dương tính với chất Salbutamon, chiếm 5,3%.
Ông Chu Đình Khu – Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi) cho biết, điều đáng quan ngại là đã xuất hiện trở lại việc sử dụng chất cấm của một số DN sản xuất, kinh doanh TĂCN và thuốc thú y.
Thời gian qua, sự phối hợp của các bộ, ngành và nhất là chỉ đạo của chính quyền địa phương trong kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi chưa quyết liệt và thường xuyên.
Công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân và các tổ chức đoàn thể tham gia giám sát, tố giác hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chưa được quan tâm.
Đáng nói, các địa phương thực hiện các văn bản chỉ đạo điều hành của Bộ chưa toàn diện, một số địa phương chưa thực hiện, nhiều địa phương chưa có báo cáo.
Ngoài ra, hệ thống phòng thử nghiệm phân tích chất cấm phân bổ chưa đồng đều, củ yếu tập trung ở các TP lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
kết quả phân tích giữa các phòng thử nghiệm còn chênh lệch nhiều gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.
Nói không với chất cấm
Tại hội nghị, các địa phương cũng bày tỏ nhiều khó khăn trong việc quản lý chất cấm trong chăn nuôi.
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, do địa bàn rộng, giao thông phức tạp người dân lại chăn nuôi rải rác nên việc kiểm soát chất cấm gặp nhiều khó khăn.
Trong năm 2014, qua kiểm tra, phân tích, địa phương này đã phát hiện Salbutamon trong TĂCN lợn, qua đó tiến hành tiêu hủy và xử lý hành chính.
Năm 2015, tỉnh cũng tăng cường kinh phí kiểm tra chất cấm, nhưng chưa phát hiện.
Tại tỉnh Hà Nam, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, toàn tỉnh có 14 nhà máy sản xuất TĂCN, qua kiểm tra thường xuyên, các nhà máy lớn rất ít sử dụng chất cấm.
Tuy nhiên có hiện tượng người chăn nuôi tự trộn vào thức ăn gọi là "mỳ chính", rất khó phát hiện.
Ông Hùng cho biết thêm, ngay trong ngày hôm nay (10/11), Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh đã đi kiểm tra lấy mẫu thịt lợn, thịt bò tại tất cả các chợ trên địa bàn.
Ông Hùng đề nghị, Cục Chăn nuôi nhanh chóng có kit thử nhanh để đánh giá nhanh chất cấm trong chăn nuôi.
Bởi nếu triển khai đồng loạt nhiều mẫu, chi phí phân tích hết gần 1 triệu đồng/mẫu sẽ rất tốn kém.
Với Hà Nội, hiện được xếp vào tốp các địa phương dẫn đầu cả nước về chăn nuôi với đàn trâu bò 166.000 con, đàn lợn 1,4 triệu con, đàn gia cầm hơn 20 triệu con.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng tinh vi nên thời gian tới Sở sẽ tiếp tục chỉ đạo thanh kiểm tra, đồng thời sẵn sàng phối hợp với các ban, ngành để kiểm soát chặt tình trạng này.
Phía Sở NN&PTNT Hà Nội cũng kiến nghị Cục Chăn nuôi có hướng dẫn cụ thể khi áp dụng phương pháp test nhanh chất cấm vì qua triển khai thực tế tại Hà Nội có hiện tượng "dương tính giả", tức là test nhanh thì có dương tính với chất cấm nhưng khi kiểm tra trong phòng thí nghiệm thì lại âm tính.
Nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Cục Chăn nuôi đề nghị các địa phương, tuyên truyền phổ biến thường xuyên cho người chăn nuôi, người tiêu dùng các các cấp quản lý nắm được tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Đồng thời, phát động phong trào tẩy chay "Nói không với chất cấm" trong các đoàn thể quần chúng, khuyến khích việc ký cam kết không buôn bán, sử dụng chất cấm của các đối tượng trong chuỗi sản xuất, cung ứng TĂCN, sản phẩm chăn nuôi.
Bên cạnh đó, tăng cường kinh phí để kiểm tra chất cấm trong trại chăn nuôi và cơ sở giết mổ nhằm ngăn chặn việc tiêu thụ sản phẩm có chất cấm ra thị trường và áp dụng rộng rãi quy trình thực nông nghiệp tốt (GAP).
Hiện Bộ NN&PTNT đã ban hành tiêu chuẩn Thực hành nông nghiệp tốt trong chăn nuôi (VietGAHP), theo hướng giảm bớt một số tiêu chuẩn cho phù hợp với điều kiện thực tế chăn nuôi của Việt Nam và tiếp cận với các quy trình chăn nuôi của các nước trong khu vực ASEAN (AseanGAHP).
"Phải làm chuyển biến về nhận thức về ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vì hiện nay có nơi làm tốt, có nơi không làm tốt.
Cách làm là các ngành, địa phương phải vào cuộc đồng bộ, mục tiêu tối thượng là kiểm soát chất cấm, vận dụng tốt nhất cơ chế ở địa phương.
Nếu địa phương nào nói không có kinh phí để làm thì chưa đầy đủ, không chỉ vì thiếu vài chục triệu, vài trăm triệu mà làm ngơ cho tội ác". - Ông Hoàng Thanh Vân – Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Có thể bạn quan tâm
Sau khi Nhà máy thủy điện Bá Thước 2 đi vào vận hành, hơn 400 hộ dân huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa) đã tận dụng mặt nước phát triển nghề nuôi cá lồng.
Chăn nuôi trên đệm lót bằng trấu, mùn cưa, men sinh học không chỉ an toàn, thân thiện môi trường, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Vườn cà phê moka rộng 2,4ha ở Trại Hầm, Đà Lạt được chủ nhân giữ lại chỉ để thu hoạch mỗi năm vài, ba trăm ký hạt nhân. Sau năm đầu đưa chồn về ăn trái tươi và đưa ngỗng về ăn cỏ, cho phân, vườn moka đã tăng giá trị lên hàng trăm lần.
Không làm rau giá bằng đậu xanh, bà Nguyễn Thị Thành ở xã An Vĩnh, Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm rau giá bằng đậu ngự. Những cọng giá đậu ngự gieo nổi trên cát “phổng phao” gấp nhiều lần so với cọng giá làm theo cách thông thường khiến du khách đặc biệt ấn tượng khi được thưởng thức. Không những thế, loại rau này còn là thực phẩm thiết yếu vào mỗi mùa mưa bão, khi rau xanh đất liền không thể theo tàu ra đảo.
Nhằm tăng sản lượng trên cùng đơn vị diện tích, việc sản xuất thâm canh đã được nông dân áp dụng. Tuy nhiên, điều này cũng dẫn đến thực trạng có người lạm dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), trong khi nhu cầu thị trường hiện nay là sử dụng sản phẩm sạch.