Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Nuôi Cá Tra Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long

Người Nuôi Cá Tra Ở Đồng Bằng Sông Cửu Long
Ngày đăng: 07/08/2013

Chưa bao giờ nông dân nuôi cá tra lâm vào cảnh bi đát như hiện nay khi mà hơn 90% đã bỏ nghề do lỗ kéo dài, mắc nợ ngân hàng. Số còn lại cầm cự sống được là nhờ có mô hình, hợp đồng nuôi liên kết với doanh nghiệp.

Giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang dao động ở mức rất thấp, từ 18.500 - 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành cá tra mà dân nuôi từ 23.000 - 24.500 đồng/kg. Như vậy, người nuôi cầm chắc lỗ từ 3.000 - 6.000 đồng/kg.

Bán được cá cũng chết

Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú, tỉnh An Giang cho biết, các xã viên của HTX chuẩn bị thu hoạch 10ha ao nuôi cá tra với khoảng 5.000 tấn. Nếu doanh nghiệp (DN) mua với giá 20.000 đồng/kg thì xã viên chịu lỗ 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đến giờ này vẫn chưa biết bán cho ai, vì DN, thương lái “lặn mất tăm”.

Không bán được cá nên lo lắng đã đành, nhiều nông dân bán được cá cũng đang sống dở chết dở, đặc biệt họ đang phải gánh khoản nợ thay cho DN vì chậm trả tiền mua cá. Ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm HTX Cá tra Thới An ở Ô Môn, Cần Thơ cho biết, xã viên của ông nhiều người bán cá cho DN nhưng 4 - 5 tháng vẫn chưa được trả đủ tiền. Đơn cử như các anh Lý Văn Lung, Nguyễn Thanh Bình, Đào Văn Những... bán cá cho các Công ty Bình Minh (Vĩnh Long), Việt An, Thuận An.

Theo hợp đồng, DN sẽ trả tiền trong vòng 1 tháng, thế nhưng đến nay đã 4 - 5 tháng họ vẫn chưa trả tiền, hoặc chỉ mới trả nhỏ giọt được 20 - 30%. “Trong khi hàng tháng chúng tôi phải trả lãi cho ngân hàng từ 50 - 100 triệu đồng. Như vậy có phải DN đang chiếm dụng vốn của nông dân vì chúng tôi đang phải trả lãi thay cho họ? Đã bán lỗ, giờ thêm khoản gánh thay lãi suất cho DN như vậy nữa thì hỏi nông dân nào còn sống nổi?” - ông Hải bức xúc.

Theo Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), do không chịu nổi với mức lỗ kéo dài này, hơn 90% diện tích nuôi cá tra của người dân ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp đã “treo ao”, nông dân bỏ nghề hoặc nuôi các loại cá khác.

Liên kết để sống

Trong bối cảnh người nuôi cá tra nhỏ lẻ đang “chết dần chết mòn” như thế thì một số nhỏ nông dân vẫn cầm cự được, thậm chí sống khỏe với nghề nhờ mô hình liên kết hoặc nuôi gia công cho DN. Ông Chương Thành Sang ở cù lao Tân Lộc, huyện Thốt Nốt, tỉnh Cần Thơ, khi thấy giá cá tra bấp bênh trong khi nguyên vật liệu đầu vào cứ tăng cao nên từ năm 2011 đã bỏ hình thức tự nuôi và chuyển qua liên kết nuôi gia công cho các DN Hùng Vương, IDI... Theo đó, DN đầu tư 1,55 - 1,6kg thức ăn và 4.500 - 5.000 đồng, ông sẽ giao lại 1kg cá nguyên liệu đạt chất lượng xuất khẩu, toàn bộ quy trình chăm sóc, con giống... ông tự lo.

“Cái lợi của mô hình liên kết này là người nuôi được DN đầu tư vốn và đảm bảo đầu ra, bất kể giá cá tăng hay giảm. Vấn đề là nuôi đạt yêu cầu, ít hao hụt, sẽ có lời từ 500 - 1.000 đồng/kg, mức lời không quá cao nhưng sống được” - ông Sang nói. Vụ nuôi vừa qua, ông nuôi và xuất bán cho DN 350 tấn cá tra, thu lời được hơn 300 triệu đồng, đủ tiền trang trải chi phí trong gia đình và nuôi các con ăn học.

Trả lời báo chí, ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, để vực dậy ngành công nghiệp cá tra, vấn đề liên kết trên tinh thần đồng thuận cùng chia sẻ lợi nhuận giữa các bên tham gia như người nuôi, DN xuất khẩu, cung ứng thức ăn, ngân hàng... là rất cần thiết. Và mô hình nuôi gia công là hướng đi phù hợp, hiệu quả cao; đảm bảo cho DN - người nuôi - nhà cung ứng thức ăn có lời, và ngân hàng cho vay vốn cũng đúng địa chỉ.

Theo ông Dương Ngọc Minh - Tổng Giám đốc Công ty Hùng Vương, mô hình liên kết giữa DN và nông dân dựa trên cơ sở 2 bên cùng chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi về lợi nhuận. Hiện mức chênh lệch về giá thành giữa người dân tự nuôi và DN nuôi cá tra là từ 15 - 20%. DN nuôi có giá thành 19.000 - 20.000 đồng/kg, trong khi nông dân nuôi thì lên tới 23.000 - 24.000 đồng/kg. Đó là do nông dân không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi và nguồn thức ăn giá gốc, không được hoàn thuế VAT... Với mô hình nuôi liên kết với DN thì ao nuôi cá của nông dân được xem như là ao nuôi của DN nên nông dân được hưởng các khoản lợi này.

Đây cũng là mô hình mà bản thân ông Nguyễn Ngọc Hải và một vài thành viên HTX Thới An đã theo từ nhiều năm nay, nhờ đó vẫn còn cầm cự được với nghề. Tuy nhiên, ông Hải cũng đang rất lo lắng là thời gian gần đây số DN liên kết với nông dân đang giảm dần, trước 10 giờ còn có 3, 4. Nguyên nhân do DN ngày càng tự chủ tốt về vùng nuôi, cộng với tình hình xuất khẩu năm nay khó khăn, vùng nuôi riêng của DN đã cung cấp đủ sản lượng mà DN cần nên họ giảm liên kết với nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học Nuôi Vịt An Toàn Sinh Học

Thời gian gần đây, trang trại Út Thúy (xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) luôn tấp nập các đoàn khách đến tham quan, học tập.

12/06/2013
Triển Khai Mô Hình Nuôi Hàu Đơn Triển Khai Mô Hình Nuôi Hàu Đơn

Trong tháng 4/2013, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) tổ chức triển khai thả 12.500 con hàu giống Thái Bình Dương, trọng lượng bình quân 95 con/kg.

12/06/2013
“Kiện Tướng” Trồng Cam Sành Vụ Nghịch “Kiện Tướng” Trồng Cam Sành Vụ Nghịch

Anh Lại Văn Khanh được mọi người gọi là “kiện tướng” trồng cam sành vụ nghịch cho hiệu quả kinh tế cao trên vùng đất Tân Hội, thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long). Với diện tích 18.000 m2 cam chuyên canh sành trong đó có 10.000 m2 với 1.300 gốc cam cho trái vụ nghịch, dự kiến trong vụ cam nghịch năm nay anh thu hoạch gần 50 tấn trái, thu nhập từ 700 – 750 triệu đồng, trừ chi phí, anh thu lợi nhuận gần 500 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất cao và rất ít hộ nhà vườn trồng cam sành đạt được.

12/06/2013
Xây Dựng Vùng Chuyên Canh Rau Rộng 550 Ha Theo Tiêu Chuẩn VietGAP Xây Dựng Vùng Chuyên Canh Rau Rộng 550 Ha Theo Tiêu Chuẩn VietGAP

Nhằm phát huy hiệu quả chương trình trồng rau an toàn, tiến tới quản lý chất lượng nông sản ngay từ khâu sản xuất, Tiền Giang đầu tư hơn 6 tỉ đồng phát triển vùng chuyên canh rau theo tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 550 ha tại 4 huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Trong đó, huyện Châu Thành trồng 300 ha, Chợ Gạo 100 ha, Gò Công Đông 50 ha và thị xã Gò Công 100 ha. Dự án được triển khai từ tháng 6-2013 đến năm 2018.

13/06/2013
Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt Tổng Hợp Ở Đức Hạnh (Bình Thuận) Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Cá Nước Ngọt Tổng Hợp Ở Đức Hạnh (Bình Thuận)

Những ngày này về vùng đất xã Đức Hạnh (Đức Linh - Bình Thuận), chúng tôi nghe nói nhiều về câu chuyện của gia đình ông Nguyễn Diệu, ở thôn 1. Bởi ông là một trong những gia đình đang phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt tổng hợp khá hiệu quả trên địa bàn xã. Chính mô hình này đã giúp ông có cuộc sống ổn định, quan trọng hơn mô hình này đã minh chứng cho cách thức sản xuất tương đối mới, trong khi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.

06/03/2013