Gia Súc, Gia Cầm Rớt Giá, Người Chăn Nuôi Lao Đao

Chưa bao giờ người chăn nuôi lâm vào tình trạng “điêu đứng” như hiện nay. Không chỉ heo hạ giá mà liên tiếp trong nhiều tháng trở lại đây, giá các loại gia cầm cũng giảm “thê thảm”. Đây là đợt giảm giá mạnh và kéo dài nhất từ trước đến nay, trong khi đó, giá các loại thức ăn liên tục tăng từ 10 - 15% khiến cho người chăn nuôi thua lỗ.
Hiện tại, giá heo hơi trên thị trường dao động từ 34.000 - 36.000 đồng/kg đối với heo nuôi trong tỉnh, heo nhập tỉnh giá từ 37.000 - 38.000 đồng/kg. Lý giải vấn đề này, nhiều thương lái cho biết, do giống heo địa phương nhiều mỡ, còn heo nhập tỉnh ít mỡ, nhiều thịt nên giá cao hơn.
Theo tính toán của người nuôi heo, giá bán ra thị trường hiện thấp hơn nhiều so với giá thành sản phẩm. Điều này khiến nhiều hộ chăn nuôi lao đao nếu như không tận dụng được thức ăn sẵn có.
Chị Phan Thị Hảo, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, ngậm ngùi chia sẻ: “Hiện tại, gia đình tôi đang nuôi 12 con heo chuẩn bị xuất chuồng, nhưng với mức giá này thì không thể bán được. Nếu bán với giá 3,5 triệu đồng/100 kg, trừ tiền mua con giống, thức ăn, sẽ bị lỗ vốn khoảng 500.000 đồng/con”.
Cùng tâm trạng với chị Hảo, ông Trần Văn Hiền cho biết, ngoài nuôi tôm, thời gian nhàn rỗi, thấy heo có giá nên đầu tư làm chuồng, mua 10 con heo giống về nuôi, với hy vọng vừa tạo việc làm lúc nông nhàn, vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nào ngờ đến khi xuất bán, giá xuống quá thấp.
Theo ghi chép của ông Hiền, mỗi con heo giống có giá trên 1 triệu đồng, cộng thêm tiền mua thức ăn nuôi trong 5 tháng, tiền thuốc thú y thì giá thành sản phẩm nuôi được 1 kg heo hơi phải trên 40.000 đồng. Nhưng hiện tại giá thịt heo hơi chỉ bán được 35.000 đồng/kg, tính ra gia đình ông lỗ gần 5 triệu đồng.
Trên thực tế, người chăn nuôi chịu lỗ do giá thấp, trong khi đó giá heo thịt trên thị trường lại cao. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá thịt heo tại chợ phường 2, phường 8, TP Cà Mau là 60.000 - 70.000 đồng/kg.
Chị Trần Thị Thu, người bán thịt heo, cho biết: “Do ảnh hưởng của thông tin heo, có chất tạo nạc, dịch heo tai xanh nên lượng thịt bán ra chậm hơn trước. Tuy nhiên, vẫn giữ nguyên ở mức giá 60.000 - 70.000 đồng/kg”.
Không chỉ có người chăn nuôi heo chịu cảnh lỗ vốn nặng, mà trước thông tin dịch cúm gia cầm tái bùng phát, trên cả nước nhiều hộ chăn nuôi gia cầm cũng rơi vào tình trạng “bi đát”, do thương lái ép giá với lý do dịch bệnh, ít người mua.
Ông Nguyễn Thành Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Cà Mau, cho biết, mặc dù trên địa bàn tỉnh không xuất hiện dịch bệnh nhưng thông tin dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm bùng phát trên cả nước khiến giá heo hơi giảm mạnh.
Trong khi đó, giá thịt heo trên thị trường vẫn giữ nguyên như trước, người chăn nuôi bị thua lỗ nặng, còn các thương lái thì hưởng lợi từ chênh lệch giá. Tuy nhiên, cơ quan quản lý lại rất khó khăn trong vấn đề kiểm soát giá cả, bởi lẽ hầu hết giá mua, bán đều do người chăn nuôi và thương lái tự thương lượng với nhau.
Có thể bạn quan tâm

Gần một tháng qua, giá thịt heo hơi trên địa bàn Hoài Ân (Bình Định) lao dốc. Hiện giá bán tại chuồng chỉ 33.000 - 34.000 đồng/kg, trong khi năm 2014 giá luôn dao động trên 43.000 đồng/kg, có thời điểm lên 46.000 đồng/kg. Do vậy, bình quân mỗi con heo trọng lượng 70kg, người chăn nuôi lỗ hàng triệu đồng. Theo các hộ chăn nuôi, giá heo hơi khoảng 40.000 đồng/kg thì chăn nuôi mới có lãi.

Anh Phạm Văn Túy ở thôn Văn Hanh, xã Lê Lợi (Kiến Xương - Thái Bình) là người say mê với việc chăn nuôi. Năm 2012, qua tìm hiểu, thấy thỏ dễ nuôi, ít dịch bệnh, chi phí đầu tư thấp, đầu ra ổn định, anh quyết định mua 20 con thỏ giống về nuôi thử nghiệm và tự nhân giống. Từ 20 con ban đầu, chỉ sau 2 năm anh đã có 300 ô chuồng nuôi 120 con thỏ đẻ, 600 - 700 thỏ con, có thời điểm lên tới hơn 1.000 thỏ con.

Trong những ngày gần đây, không khí lạnh trực tiếp ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc bộ gây rét đậm, rét hại. Vùng núi có nơi nhiệt độ xuống dưới 1 độ C, xuất hiện mưa tuyết. Các tỉnh miền núi phía Bắc đang tập trung hướng dẫn người chăn nuôi giữ ấm, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thiệt hại do thời tiết bất lợi gây ra.

Một số xã vùng đất bãi thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, người dân đang tận dụng đất bỏ hoang và chuyển một phần đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò sữa. Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao và giúp người dân ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu.

750 con vịt mái M14 sau 24 tuần tuổi đạt khối lượng bình quân 3,1 kg/con, tỷ lệ sống trung bình đạt 99%, khả năng sinh sản khá tốt (tuổi đẻ là 182 ngày, tỷ lệ đẻ đạt 79,4% đàn), tiêu tốn thức ăn đạt 3,93 kg/10 quả trứng, là loại vịt có sức sống cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi của địa phương.