Phập phồng làng rau Trà Quế
Rau cải bị dập nát bởi gió bão.
Lâu nay khi nhắc đến Trà Quế, ai cũng biết đó là khu vực cung cấp rau sạch hàng đầu cho cả Quảng Nam và TP.Đà Nẵng. Là 1 trong 10 điểm du lịch hấp dẫn không thể bỏ qua khi đến Việt Nam với du khách theo nhật báo Le Figaro của Pháp bình chọn và không khi nào ngớt bóng du khách thập phương tham quan.
Thế nhưng, cứ mỗi khi mùa mưa bão đến người dân nơi đây lại phập phồng lo sợ bởi những luống rau “miếng cơm manh áo” của mình chẳng biết sẽ bị ông trời làm tan nát lúc nào.
Hơn mười một giờ trưa, nhưng cánh đồng rau Trà Quế vẫn rộn rịp bóng người. Ai cũng tranh thủ dọn dẹp, sửa chữa và thu hoạch rau đem bán sau khi cơn bão đổ bộ dù thỉnh thoảng vẫn còn những trận mưa bất chợt làm ướt sũng người.
Đều là những con người từng trải và thấm thía sự khắc nghiệt của tiết trời nên ai cũng lo lắng cho những tháng ngày mưa bão u ám sắp đến. Bà Nguyễn Thị Hoa vừa cắt vội luống rau muống, bộc bạch: “Đêm bão số 3 đổ bộ, gió quật liên hồi ở trong nhà nằm cũng thấy sợ, thêm vườn rau đang thời kỳ thu hoạch không biết có trụ được với gió lốc không nên tôi thao thức không tài nào ngủ được.
May sáng ra trời hửng nắng nên cắt vội rau đi bán không thì cũng bỏ”. Nhiều loại lagim rất “đỏng đảnh”, mỗi khi có mưa, gió lớn xong nếu ngập nước mà không thu hoạch gấp cũng đành bỏ.
Người dân thu hoạch rau muống đem tiêu thụ để tránh mưa lớn.
Hầu như không năm nào mà người dân ở đây không bị thiệt hại. Theo ông Nguyễn Văn Khánh, ở làng rau Trà Quế không bị lụt nhưng mỗi khi có mưa bão là hầu hết các loại lagim không bán được mà ăn cũng chẳng hết. Có năm, cứ cấy giống xong rau đang thời kỳ phát triển mơn mởn thì ông trời lại “làm” cho một trận bão, thế là phải bỏ đi làm lại mất hơn cả tháng trời. Mà không làm lại thì đói bởi nhiều nhà sống chủ yếu dựa vào làng rau này.
Mùa mưa gánh chịu hàng loạt thiên tai và trắc trở như vậy nhưng giá cả cũng không khá hơn bao nhiêu so với mùa nắng dễ làm hơn rất nhiều. Xà lách là loại lagim có giá trị, thời điểm này có giá khoảng 30.000 đồng/kg nhưng cũng không có để bán bởi rất khó trồng, dễ bị dập nát nếu gặp mưa to, trong khi mùa nắng thì héo úa không phát triển tốt được.
Thêm nữa, do rau ở đây có thương hiệu và được người tiêu dùng ưa thích nên nhiều thương lái đã thu gom rau ở các vùng khác rồi mượn “mác” rau Trà Quế để dễ tiêu thụ.
Ông Nguyễn Kim Tri cho biết, nhà ông trồng hơn một sào rau trung bình mỗi ngày bán được khoảng 500 ngàn đồng nhưng thực tế số tiền chi ra để chăm sóc, phân bón, tưới tiêu chiếm gần một nửa. Nhà ông cũng có liên kết với các công ty lữ hành để đón khách nước ngoài đến tham quan, tập tành trồng rau nhưng khi mùa mưa tới cũng bỏ ngỏ.
Để giảm thiểu thiệt hại cho rau bởi các đợt mưa bão, nhiều hộ dân đã sử dụng các tàu dừa khô hoặc phủ lưới che chắn tránh gió mạnh và mưa lớn nhưng đó cũng chỉ là biện pháp nhất thời và khó đem lại hiệu quả cao. Nên khi mùa mưa bão bắt đầu, người Trà Quế lại phập phồng theo từng luống rau.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian qua, mô hình nuôi lươn trong bồn làm bằng nylon đã được nhiều nông dân ở TP Cần Thơ chọn để phát triển kinh tế hộ vì vốn đầu tư không quá lớn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.
Thấy mì bán được giá, thời gian qua hàng ngàn hộ dân hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum ồ ạt chuyển qua trồng loại cây ngắn ngày. Diện tích và sản lượng tăng nhưng thị trường tiêu thụ hạn hẹp, khiến mì nguyên liệu rớt giá, không có nơi tiêu thụ.
Tinh bột khoai nưa có thể sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất nhiều loại kẹo bánh, làm miến, đặc biệt có thể sử dụng trong công nghiệp để hồ vải. Nếu phát triển công nghiệp chế biến ethanol thì tinh bột cây nưa sẽ là nguồn nguyên liệu đáng kể để sản xuất nhiên liệu sinh học trong tương lai. Khoai nưa dễ trồng, kỹ thuật đơn giản, ít bị sâu bệnh hại, năng suất khá cao, đầu tư chi phí thấp mà hiệu quả cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có văn bản thống nhất kinh phí chi hỗ trợ cho người dân có diện tích nhãn bị thiệt hại do bệnh chổi rồng trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền khoảng 71,23 tỷ đồng cho các huyện, thành phố. Cụ thể: Mang Thít 12,87 tỷ đồng; Tam Bình 2,23 tỷ đồng; Vũng Liêm 3,38 tỷ đồng; Trà Ôn 5,1 tỷ đồng; Long Hồ 38,5 tỷ đồng; Bình Minh 1,34 tỷ đồng; Bình Tân 1,87 tỷ đồng và TP Vĩnh Long 5,95 tỷ đồng.
Mô hình nuôi ong trang trại của gia đình anh Hà Ngọc Tĩnh, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái (Thuận Châu - Sơn La) cho thu nhập hàng năm gần 200 triệu đồng.