Giá Mì Có Lợi Cho Nông Dân
Sau Tết, người trồng mì ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) rất phấn khởi vì giá thu mua cao. Trong khi đó, thương lái thu mua mì lại kêu không có lãi…
Được mùa, được giá
Về huyện Cam Lâm những ngày này, đi đâu cũng thấy nông dân thu hoạch mì. Hầu hết các hộ trồng mì đều khẳng định, năm nay, mì có lãi nhờ được mùa, được giá. Tổng diện tích mì toàn huyện đạt 1.841ha, tập trung ở thị trấn Cam Đức hơn 400ha, các xã: Cam Hiệp Nam 260ha, Cam An Bắc 200ha... Ông Lê Quang Dưỡng (thôn Tân Xương 1, xã Suối Cát) cho biết, diện tích trồng mì của nhà ông là 12 sào, tăng 2 sào so với vụ trước, năng suất đạt 3 tấn/sào.
So với nơi khác, cây mì nhà ông cho củ to, tinh bột nhiều nhờ ông đầu tư chăm sóc đến nơi đến chốn và chọn giống tốt. “Ruộng mì nhà tôi đã thu hoạch gần xong. Với giá bán 4 triệu đồng/sào, gia đình tôi thu lãi khoảng 34 triệu đồng”, ông Dưỡng nói.
Với 4 sào mì, năng suất khoảng 2,5 tấn/sào, chi phí đầu tư khoảng 1,2 triệu đồng/sào, gia đình ông Nguyễn Quang Phước (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) vui vì có thể lãi gần chục triệu đồng khi thương lái đã tới ruộng trả 3,5 triệu đồng/sào.
Tuy nhiên, ông chưa bán mà đợi thêm một thời gian nữa cho mì tích lũy đủ lượng bột, có thể bán với giá cao hơn. Nhiều hộ khác ở xã Cam Hiệp Bắc không chờ thêm mà bán nguyên đám (người mua tự nhổ) với mức giá bình quân 3 - 3,5 triệu đồng/sào, hoặc bán thẳng mì tươi với giá 1.600 đồng/kg. Bà Phan Thị Tường Vy - Khuyến nông viên xã Cam Hiệp Bắc cho biết, với giá thu mua như hiện nay, nông dân có lãi khoảng 2 triệu đồng/sào.
Tổng diện tích mì toàn xã là 170ha, tăng 15ha so với vụ trước, năng suất trung bình đạt 2,8 tấn/sào, cá biệt có ruộng mì đạt năng suất 3,5 tấn/sào. Vụ này, người trồng mì ở xã Cam Hiệp Bắc có lãi khá.
Tại thị trấn Cam Đức, tuy tình hình thu hoạch chưa rộn ràng, nhưng những tín hiệu ban đầu về năng suất, giá thu mua đang có lợi cho nông dân. Bà Hoàng Thị Dung - Khuyến nông viên thị trấn Cam Đức cho biết: “Mì ở thị trấn Cam Đức được giá nhất, bởi nơi đây là vùng đất pha cát, rất thích hợp cho cây mì.
Tuy củ mì nơi đây nhỏ hơn nơi khác nhưng lượng tinh bột lại cao hơn. Lát mì phơi khô trắng, đẹp nên được thương lái chuộng mua. Hiện tại, thị trấn Cam Đức mới có một vài hộ thu hoạch với diện tích khoảng 10 - 15ha/426ha.
Năm nay, tuy diện tích mì giảm khoảng 20ha so với năm ngoái (phần diện tích trồng xen canh với xoài cát Hòa Lộc, nay phá bỏ do cây xoài đã lớn) nhưng với năng suất trung bình ước 3 tấn/sào, giá thu mua hiện tại 5 triệu đồng/sào (hoặc 1.700 - 1.800 đồng/kg), người trồng mì ở thị trấn Cam Đức vẫn có lãi khá.
Thương lái phập phồng
Trái ngược với niềm vui của người trồng mì, một số thương lái thu gom mì tại huyện Cam Lâm lại cho rằng hòa vốn đã là may. Ông Nguyễn Xuân Quang (thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc) than thở: “Nhìn cây mì lên đẹp, ước tính năng suất đạt khoảng 3,5 tấn/sào nên anh em tôi mua đám 7 sào mì với giá 4,5 triệu đồng/sào.
Nhưng khi nhổ lên, thực tế củ nhỏ, tinh bột ít, năng suất chỉ đạt khoảng 2,5 tấn/sào nên cầm chắc lỗ 1 triệu đồng/sào”. Theo ông Quang, trước khi mua, ông đã không tính đến việc năm nay mưa ít sẽ làm củ mì nhỏ, năng suất đạt thấp...
Tuy nhiên, theo bà Dương Thị Ánh Tuyết - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Ánh Tuyết, do đang là đầu vụ mì nên giá có tăng bởi thị trường Trung Quốc đang “ăn hàng”, nhiều doanh nghiệp nhỏ đang tích cực thu gom mì để bán cho doanh nghiệp lớn, có đơn hàng xuất khẩu. Hiện nay, giá mì tươi mua tại chỗ 1.500 - 1.600 đồng/kg tùy chất lượng. Giá mì xắt lát phơi khô 4.100 đồng/kg.
Với mức giá này, tư thương vẫn có lãi nhưng không cao, trung bình 1 tấn mì lãi khoảng 30.000 - 50.000 đồng. Thời điểm này năm ngoái, giá mì cũng ở mức tương tự nhưng sau đó lại giảm dần do lượng bột trong mì giảm. Do vậy, nông dân không nên chần chừ lâu trong khâu thu hoạch.
Ông Nguyễn Ta - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lâm: Năm nay, tổng diện tích mì toàn huyện đạt 1.841ha, tập trung ở thị trấn Cam Đức hơn 400ha, các xã: Cam Hiệp Nam 260ha, Cam An Bắc 200ha... Năng suất mì không cao là do nắng hạn, chỉ đạt khoảng 2,2 tấn/sào. Tuy nhiên, với giá bán mì tươi 1.500 - 1.600 đồng/kg, nông dân đã có lãi khá.
Có thể bạn quan tâm
Vụ nuôi tôm xuân – hè năm nay, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) có kế hoạch đưa vào thả nuôi khoảng 25 triệu con tôm sú trên diện tích 389 ha. Hiện nay, các chủ đồng đã đồng loạt thả tôm xuống đồng nuôi, theo kế hoạch, đến cuối tháng 4-2014, toàn xã sẽ hoàn thành việc thả tôm giống.
Nhiều nông dân ở huyện Phú Giáo (Bình Dương) đã đầu tư hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại nuôi lươn không bùn. Tuy nhiên, sau đợt nuôi đầu tiên chừng vài tháng, không ít người lao đao vì lỗ nặng, nợ tiền vay ngân hàng. Nhiều người bức xúc cho rằng: Mình đã bị lừa!
Tôm hùm, một loại hải đặc sản có giá trị kinh tế cao, đang được chú trọng trong nuôi trồng thủy sản, tập trung chủ yếu ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, sản lượng hằng năm đạt 1.385 tấn, đem lại nguồn thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho người nuôi. Tuy nhiên, thời gian qua, nghề nuôi tôm hùm vẫn bộc lộ nhiều hạn chế: rủi ro cao, thiếu tính bền vững.
Vùng nuôi tôm Mỹ Trung, thuộc thôn Đông Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước - Bình Định), có diện tích hơn 31 ha. Vụ nuôi tôm năm nay, người nuôi tôm ở đây mới thả tôm giống 12 ngày thì tôm bị dịch bệnh chết hàng loạt, đến nay lan rộng trên 23 ha.
Giá tôm nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mấy ngày qua bất ngờ giảm mạnh trong khi xuất khẩu mặt hàng này ở những tháng đầu năm 2014 tiếp tục tăng trưởng tốt, doanh nghiệp đạt lợi nhuận cao.