Hướng Đi Cho Rau An Toàn?
Gần 3 năm nay, hơn 1 tỷ đồng đã được Thành phố Vinh và người dân Nghi Liên đầu tư để sản xuất rau an toàn. Rau được trồng công phu, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng khi ra chợ chẳng khác nào các loại rau được trồng đại trà, thậm chí đôi khi giá còn thấp hơn bởi nhìn bề ngoài không hấp dẫn bằng…
Những năm trước, thời điểm ra Giêng là dịp người trồng rau bán được giá nhất. Nhưng cho đến lúc này, đến Nghi Liên, (Thành phố Vinh) những bờ ruộng đang bị đủ các loại rau tấp lên thành tầng. Lý do là người trồng rau, dù tiếc nhưng vẫn chấp nhận vứt nhổ bỏ còn hơn là đem ra chợ, đứng chùn chân cả ngày mà tiền lời không đủ tiền xăng xe đi lại.
Là xóm trưởng, chứng kiến tình trạng ấy, ông Lê Bá Đức, xóm 3, xã Nghi Liên, buồn vô cùng. Cũng là nông dân, hơn 20 năm nay sống bằng nghề trồng rau, chưa bao giờ ông thấy nản như hiện nay.
Ông còn thấy khó ăn nói với bà con, khi dự án trồng rau an toàn mà xã và xóm rầm rộ triển khai mấy năm trước, nay đang dần đi vào ngõ cụt. Còn nhớ, khi dự án mới phát động, người dân trong xã phấn khởi biết chừng nào. Bởi lẽ, nghề trồng rau là nghề truyền thống bao đời của làng rồi, nhưng trồng rau an toàn rồi tiến tới xây dựng thương hiệu, rồi có đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm thì đúng là tiến tới sản xuất, kinh doanh hàng hóa rồi. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chỉ qua mùa đầu tiên, bà con bắt đầu cảm thấy đau đầu vì hai chữ “an toàn”.
So với trồng theo kiểu truyền thống với đủ các loại phân bón, thì trồng rau an toàn năng suất thấp hơn hẳn. Ngoài ra, vì tuân theo đủ các loại quy trình chặt chẽ như lượng phân bón, thời gian thu hoạch sản phẩm, rồi đầu tư nhà lưới, đầu tư hệ thống điện để sưởi ấm… thì một héc-ta rau an toàn độ tốn kém về tiền của và thời gian gấp nhiều lần so với trồng rau truyền thống.
Thế mà trồng rau xong chỉ người trong làng biết đó là sau sạch, rau đảm bảo; còn đem ra giữa chợ, trà trộn giữa đủ các loại rau từ Quỳnh Lưu vào, từ Nam Đàn, Hưng Nguyên xuống, thì rau an toàn của Nghi Liên cũng như bao nhiêu loại rau khác. Giá vì thế cũng chẳng cao hơn được bao nhiêu, người nào khó tính còn nghi ngại bảo: Rau an toàn sao mà còi cọc, chẳng mơn mởn gì cả!
Ông Trần Đức Oanh - Trưởng Ban Nông nghiệp xã Nghi Liên cho hay: Thời gian đầu thành phố cũng cung ứng một số địa chỉ để người trồng rau Nghi Liên có thể tiếp cận để tiêu thụ, ví như các siêu thị, trường học và một số cơ quan có bếp ăn tập thể.
Nhưng chỉ được hơn nửa năm thì kế hoạch bị bỏ lỡ, phá sản. Lý do thì vô vàn, ví như các trường học, vì nhu cầu của trẻ ăn tinh bột nhiều, nên các trường đều yêu cầu cung ứng các loại củ, quả như cà rốt, khoai tây, cà chua… Mà, rau Nghi Liên chủ yếu chỉ có su hào.
Lần khác, người dân đưa rau lên giới thiệu ở Siêu thị Metro, sau khi đưa ra đủ các loại giấy chứng nhận đủ các loại tiêu chuẩn do các cơ quan có uy tín chứng nhận như Chi cục Đo lường và Chất lượng, Chi cục Bảo vệ thực vật… hai bên đã đi đến thỏa thuận mỗi ngày người dân Nghi Liên sẽ cung cấp cho siêu thị 3 tạ rau. Tuy số lượng chỉ rất nhỏ so với lượng thực tế mà bà con thu hoạch được hàng ngày, nhưng ai cũng phấn khởi vì rau làng nay đã được bán ở siêu thị như “tây”, nhưng mà chỉ được dăm ba tháng.
Nguyên nhân là bởi, rau Nghi Liên vụ chính thường chỉ có từ tháng 11 đến khoảng tháng 4, trong khi đó siêu thị yêu cầu phải cung cấp quanh năm. Nguồn cung ứng không đảm bảo cũng khiến cho kế hoạch đưa rau an toàn lên sàn giao dịch giới thiệu sản phẩm của tỉnh cũng thất bại.
Nói về việc này, ông Oanh thừa nhận: Có một phần hạn chế của bà con. Thực tế dù Nghi Liên có truyền thống trồng rau, nhưng lâu nay bà con vẫn trồng theo lối tự phát, theo thói quen chứ không theo nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, vào mùa thì trồng quá nhiều như rau cải, bắp cải, su hào nhưng các loại rau cao cấp, đòi hỏi giống tốt thì lại không có.
Ngoài ra, nguyên nhân chính là khâu tiêu thụ sản phẩm kém. “Khi xây dựng dự án, việc thu mua sản phẩm là do thành phố đảm nhận, nhưng hiện tại trên thành phố chưa có một địa điểm nào bày bán rau an toàn. Thậm chí bao bì sản phẩm để chứng minh đây là rau sạch cũng chưa ai nghĩ tới. Vì thế, rau an toàn bị đánh đồng với các loại rau khác cũng là một lẽ dĩ nhiên” – ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Chủ tịch xã Nghi Liên cho biết.
Rau không bán được ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển diện tích rau an toàn của xã. Theo quy hoạch, toàn bộ diện tích trồng rau của Nghi Liên sẽ chuyển hướng dần sang trồng rau an toàn, dự kiến ban đầu sẽ khoảng 25 ha.
Tuy nhiên, hiện nay, toàn xã chỉ mới có 9 ha nhà lưới, nhưng vận động thêm người dân tham gia dự án là việc hết sức khó khăn. Để mất cơ hội này, theo ông Đức, xóm trưởng xóm 3, là rất tiếc, bởi chỉ cần làm một phép tính đơn giản cũng sẽ thấy trồng rau hiệu quả hơn nhiều so với các loại cây hoa màu khác.
Nói về hướng giải quyết tình trạng này, ông Hoàng Văn Tuấn, Phó Chủ tịch xã đề xuất: Xã rất cần sự hỗ trợ của thành phố và tỉnh về phương pháp cũng như kinh phí thực hiện.
Bên cạnh đó, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được hiệu quả của trồng rau, thu hút được nhiều lao động trẻ vào làm việc, tránh tình trạng lao động mùa vụ không đem lại thu hoạch ổn định như hiện nay. Đầu tư vào hệ thống kênh mương để người dân chủ động nguồn nước.
Hỗ trợ thêm cho người dân về kỹ thuật, về giống cây trồng mới, mạnh dạn đưa thêm nhiều loại cây mới vào thử nghiệm, tiến tới đầu tư theo hướng thâm canh theo vùng.
Riêng người dân Nghi Liên, trong khi chờ đợi chủ trương mới, một số hộ đã “năng động” xây dựng thương hiệu riêng của mình.
Đó là trồng thêm nhiều loại cây mới, quan tâm các hệ thống chiếu sáng, quan tâm việc tưới tiêu để có thể trồng các loại cây trồng quanh năm, nhất là các loại cây trái vụ. Trong tiêu thụ, các hộ dân tự tìm đến khách hàng riêng và đảm bảo cho khách hàng về chất lượng cũng như độ tin cậy về sản phẩm.
Nhờ đó, hiện có khoảng 10 hộ đã xây dựng thương hiệu, mỗi tháng với khoảng 500m2 vuông đất, họ có thể thu hoạch được 4 triệu đồng. Như ông Nguyễn Đình Kỳ, xóm 3 chia sẻ: Đây là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay, dù vẫn còn tình trạng “đèn nhà ai nhà nấy rạng”.
Có thể bạn quan tâm
Quá nửa đời gắn bó với nghề nông một nắng hai sương, lão nông Đinh Cương (thôn 1-xã An Phú-TP. Pleiku) vẫn chưa một ngày thôi trăn trở tìm cho mình một hướng đi mới, con đường mới với ước mong cuộc sống đỡ vất vả hơn. Cây dâu tây vốn không xa lạ với người dân Phố núi nhưng để trồng dâu tây thương phẩm thì gần như ông Cương mới là người đầu tiên dám nghĩ, dám làm…
Nhận định mùa Đông năm nay, thời tiết, khí hậu sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường với các hiện tượng như: sương muối, băng tuyết... gây khó khăn trong việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc. Nếu không chuẩn bị chu đáo có thể ảnh hưởng lớn đến việc phát triển chăn nuôi gia súc, gây thiệt hại nặng nhất là ở các xã vùng núi đá cao như Lũng Cú, Lũng Táo, Phố Bảng.
Là một xã vùng thấp của huyện Quang Bình, Bằng Lang có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển KT-XH, xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 7.514 ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm 2/3. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã khóa XXI, xã đã thực hiện chủ trương quy hoạch phát triển trồng cây cao su để tạo ra nhiều cơ hội về công ăn việc làm cho người lao động.
Trong vụ bưởi tết năm nay, nhiều vườn bưởi Năm Roi ở huyện Châu Thành nói chung và câu lạc bộ (CLB) bưởi tạo hình hồ lô ở xã Phú Tân nói riêng, không khỏi lo lắng khi trái non bị rụng ngay từ đầu vụ. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ mất mùa, đồng nghĩa với thu nhập trong dịp tết của nhiều nhà vườn cũng giảm theo.
Mặc dù mùa thu hoạch mía 2014-2015 vẫn chưa kết thúc, tuy nhiên, tranh thủ nước rút, hiện những khu vực nằm trong đê bao chống lũ hoặc nơi có bờ liếp cao, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp đang tất bật xuống giống cho niên vụ mía 2015-2016. Theo đó, niên vụ mía năm nay, ngành chức năng địa phương và người dân có sự thay đổi lớn về cơ cấu giống và diện tích.