Cá Tầm Trung Quốc Làm Loạn Thị Trường
Hàng loạt các vụ bắt giữ cá tầm nhập lậu được cơ quan chức năng thực hiện gần đây, song lượng cá tầm Trung Quốc giá rẻ đổ bộ qua biên giới vào nội địa vẫn rất nhiều, khiến người nuôi cá tầm trong nước khốn khó.
Cá Trung Quốc 70 nghìn đồng/kg
Chợ cá đầu mối Yên Sở, phường Yên Sở (quận Hoàng Mai, Hà Nội) buổi sáng là thời điểm tấp nập nhất. Hàng từ khắp nơi thường về chợ vào ban đêm, tập trung tại các sạp hàng của tiểu thương, rồi đóng hộp xốp, thùng tôn… chuyển đi khắp nơi tiêu thụ vào rạng sáng.
Mấy ngày gần đây, chợ này dường như đông hẳn lên, bởi tập trung một lượng lớn thủy sản, trong đó nhiều nhất là cá tầm, ếch được nhập lậu từ Trung Quốc trung chuyển qua đây.
Một tiểu thương tên là Phương, quê ở Hoài Đức, cho hay, chị đã buôn bán ở chợ Yên Sở được vài năm, và thời điểm này cá tầm Trung Quốc về chợ nhiều nhất từ trước đến nay. “Chúng tôi mua tại xe là 70 nghìn đồng/kg, bán cho những đầu mối đến lấy hàng là 80 nghìn đồng/kg. Hàng nhiều, bán chạy, nên hầu hết các chủ hàng như chúng tôi đều kinh doanh cá tầm”, chị Phương cho hay.
Theo một số đầu mối nhập cá tầm tại chợ Yên Sở, phần lớn cá tầm tại đây có xuất xứ từ Trung Quốc, được chuyển về qua cửa khẩu Móng Cái, Bắc Phong Sa (Quảng Ninh) và Hà Khẩu (Lào Cai), Tà Lùng (Cao Bằng).
Cá tầm nhập lậu được đựng trong những túi bóng to, bên ngoài ướp đá khiến cá đông lại. Ban đầu, nhìn tưởng cá chết, song khi thả xuống bể sục khí, cá sống lại bình thường. Người tiêu dùng vì thế rất khó phân biệt đâu là cá tầm Trung Quốc, đâu là cá tầm Việt Nam.
Ở chợ cá đầu mối Yên Sở, tìm hiểu được biết, có khoảng chục đầu nậu chuyên nhập lậu cá tầm về đây tiêu thụ. Theo quy luật, cứ 2, 3 ngày, các đầu nậu lại cho người, hoặc đích thân đi Quảng Ninh, Lào Cai để qua Trung Quốc thu mua cá tầm, ếch sống… rồi thuê cửu vạn vượt biên, vượt sông đưa vào nội địa.
Tại biên giới, cá tầm được gom với giá 45 nghìn đồng/kg, còn 1kg ếch khoảng 30 nghìn đồng. Do lợi nhuận lớn, nên lượng cá tầm về Hà Nội ngày càng nhiều. “Thực ra Hà Nội chỉ là điểm tập kết hàng, lượng tiêu thụ không nhiều. Cá tầm tập trung về đây, rồi được bơm thuốc cho ngất, đóng thùng xốp chuyển vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ”, một đầu nậu tiết lộ.
Đầu nậu này còn cho biết, cá tầm nhập lậu thường được phân chia thành 2 loại, loại 1 là cá sống được làm cho ngất, giá tại chợ Yên Sở là 70 - 80 nghìn đồng/kg, còn loại cá chết, được ướp đá, gia vị để tránh ôi thiu, giá bán trên dưới 50 nghìn đồng/kg. Cá tầm Trung Quốc có trọng lượng khoảng 7 lạng đến 1 kg/con, mõm nhọn hơn cá tầm trong nước, thịt bở và không giòn, thơm như cá Việt Nam.
Cá tầm nội ngắc ngoải
Cá tầm Trung Quốc ồ ạt nhập lậu vào thị trường nội địa khiến người nuôi cá tầm trong nước đối mặt với nguy cơ phá sản.
Ông Nguyễn Văn Khải, GĐ Cty TNHH cá tầm Việt Nam tại xã Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) than thở: “Tôi tham gia vào lĩnh vực nuôi cá tầm từ năm 2005 đến nay nhưng không thể phát triển mô hình ra rộng hơn được vì gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là gần đây có sự cạnh tranh không cân sức với cá tầm nhập lậu giá rẻ từ bên kia biên giới”.
Ông Khải tính toán, chi phí nuôi mỗi kg cá tầm thương phẩm khoảng 150 nghìn đồng. Thời điểm đắt nhất, cá tầm do DN của ông Khải nuôi bán khoảng 260 nghìn đồng/kg tại hồ. Nhưng nay, do cá Trung Quốc giá rẻ tràn vào nội địa, ông Khải đã “đại hạ giá” xuống còn 114 nghìn đồng/kg nhưng vẫn rất khó tiêu thụ.
“Nếu cơ quan chức năng không vào cuộc thì ngành nuôi cá tầm Việt Nam sẽ khó phát triển. Chúng tôi cần sự cạnh tranh công bằng, cá phải được nhập khẩu theo đường chính ngạch, vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo tiêu chí an toàn cho người tiêu dùng mà Nhà nước cũng không thất thu thuế”, ông Khải nói.
Tương tự, ông Trần Yên, GĐ Cty CP Nuôi trồng thủy sản Tây Bắc cũng than thở, ở nước ta hiện nay nhiều nơi có điều kiện tốt để nuôi cá tầm như Lâm Đồng, Sơn La, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Bắc Kạn nhưng vì không cạnh tranh được nên vẫn chưa thu hút được nhiều DN tham gia.
Cũng vì nguồn cung ít nên lượng cá tầm tiêu thụ trên thị trường buộc phải nhường sân cho cá từ Trung Quốc. Theo ông, các chủ trại đang phải nhập cá tầm giống từ Nga, chi phí khá cao nên không thể cạnh tranh nổi với nguồn cá giống và thương phẩm rẻ của Trung Quốc.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thủy sản, cá tầm Trung Quốc có giá rẻ là do Trung Quốc tự sinh sản được giống trong khi Việt Nam phải nhập khẩu từ Nga, và đặc biệt, giá thức ăn rẻ hơn nhiều lần. Bởi vậy, DN nuôi cá tầm trong nước đều khó cạnh tranh được về mặt giá thành.
“Chúng tôi cũng đã có nhiều văn bản, đơn từ kiến nghị gửi các cơ quan chức năng nhưng không có gì biến chuyển. DN cũng chỉ biết trông chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng chứ không thì khốn đốn lắm”, ông Khải chia sẻ.
Thời gian qua, các DN đã nhiều lần gửi công văn, đơn từ lên các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, song đến nay vẫn chưa chuyển biến. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN - PTNT) Phạm Anh Tuấn cho biết: “Bộ NN - PTNT cũng chưa có biện pháp gì khả thi hơn để tháo gỡ. Vì ngành nông nghiệp không phụ trách chính về lĩnh vực ngăn chặn hàng lậu, muốn giải quyết dứt điểm cần sự vào cuộc của nhiều ngành chức năng”.
+ Tính từ ngày 25/4 đến nay, Đội phòng chống tội phạm (PCTP) trong lĩnh vực Y tế - VSATTP (Đội 6) Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường CATP Hà Nội đã phát hiện, bắt quả tang 6 xe ô tô tải vận chuyển hàng tấn cá tầm, cá quả, cá trê, cá chình, cá trắm, ếch từ khu vực biên giới phía Bắc về Hà Nội và các tỉnh lân cận tiêu thụ. Xét hỏi chủ các lô hàng này, họ thừa nhận cá, ếch đều có nguồn gốc từ bên kia biên giới, được vận chuyển về các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.
Sau vụ bắt giữ 1,8 tấn cá tầm nhập lậu từ Trung Quốc, định đưa vào chợ cá Yên Sở, quận Hoàng Mai đêm 29/4, trinh sát Đội 6 Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường cho biết, dân buôn “chui” cá từ Trung Quốc về Hà Nội đã điều chỉnh phương thức, thủ đoạn vận chuyển. Cụ thể, thay vì chở hàng trong đêm hướng thẳng về chợ cá, các đối tượng xoay sang tập kết hàng ở ngoại thành Hà Nội, chờ đến sáng mới chuyển vào nội thành, nhằm đánh lạc hướng sự theo dõi của cơ quan công an.
+ GĐ một DN nuôi cá nước lạnh cho biết, 100% cá tầm nhập từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh là qua đường hàng không. Nếu không vận chuyển theo đường hàng không vào Nam, với khí hậu và khoảng cách địa lý xa như vậy thì cá chỉ có chết”, ông này nói. Theo vị GĐ này, TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 5 - 6 thương gia mua cá tầm Trung Quốc vận chuyển bằng đường không vào rồi chuyển đi các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ với tổng số lượng khoảng 600 - 700 tấn/năm, trung bình mỗi ngày khoảng 2 tấn cá.
Còn ông Đỗ Quang Tùng, GĐ Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) cho hay, cá tầm nhập khẩu phải được cơ quan này cấp phép. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa một lô hàng nào được cấp. Điều đó chứng tỏ tất cả cá tầm Trung Quốc xuất hiện ở Việt Nam là lậu.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn huyện Kbang (Gia Lai) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng nhiều mô hình mới và đã mang lại hiệu quả kinh tế. Trong đó mô hình nuôi cá chình của ông Phạm Văn Tân, làng Hà Lâm, xã Sơn Lang là một điển hình. Nhờ nuôi cá chình mà gia đình ông Tân đã xóa đói giảm nghèo, vươn lên khá giả.
Từ năm 2011 trang trại nuôi lợn công nghiệp của anh Lại Văn Nhân (Cty TNHH Thái Việt) xã Giao Thịnh (Giao Thủy - Nam Định) đã áp dụng theo công nghệ Thái Lan. Ông Phạm Ngọc Vĩnh, trưởng quản lý trang trại cho biết, năm 2012, mặc dù giá lợn thương phẩm biến động nhưng Cty vẫn ổn định sản xuất, xuất bán được hơn 300 tấn thịt lợn thương phẩm và hơn 5.000 con giống lợn ngoại chất lượng cao. Trừ các chi phí sản xuất, Cty thu về hơn 3 tỷ đồng mỗi năm. Hiện tại, Cty đang chuẩn bị đàn lợn nái hậu bị với 2.800 con lợn giống Duroc.
Với 560/580 ha cho thu hoạch, sản lượng nhãn toàn huyện Lục Nam (Bắc Giang) năm nay ước đạt hơn 2 nghìn tấn, tương đương năm ngoái, tập trung ở các xã: Đan Hội, Cẩm Lý, Huyền Sơn, Lục Sơn.
Mới xuất hiện tại TPHCM chưa đầy hai tuần, đại lý chưa kịp khai trương, giá bán cũng khá cao (40.000-45.000đ/kg) nhưng hàng tấn gạo thảo dược (ảnh) đã được bán hết với lý do sản phẩm này có chất kháng ung thư.
Huyện Châu Thành A (Hậu Giang) có đàn vịt khoảng 255.000 con. Bên cạnh nuôi vịt chạy đồng, nuôi nhốt trong ao mương, thì nhiều hộ dân còn làm chuồng nuôi vịt trên sông, nguy cơ phát tán dịch bệnh cao.