Gia Lai Thu Mua Toàn Bộ Diện Tích Mía Bị Cháy
Càng vào cuối vụ thu hoạch, diện tích mía còn lại trên toàn vùng phía Đông Nam tỉnh lại càng thêm khô, nhiều diện tích mía đã bị cháy khiến cho không ít nông dân lo lắng. Để giảm thiệt hại và đốn mía theo đúng lịch, toàn thể công nhân-lao động tại Công ty cổ phần Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC) đang cho nhà máy hoạt động hết công suất.
Riêng các đội sản xuất thường xuyên phối hợp địa phương và nông dân theo dõi đồng mía, có biện phát chống cháy kịp thời khi có hỏa hoạn xảy ra tại ruộng và cam kết mua toàn bộ diện tích mía bị cháy, đồng thời hỗ trợ cho nông dân trong niên vụ tới.
Theo tổng hợp từ SEC, tính đến ngày 24-3, trên toàn vùng với 9.500 ha tập trung tại 7 địa phương trong tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ cháy lớn nhỏ gây thiệt hại cho trên 500 ha mía của nông dân đang chờ đến ngày thu hoạch. Địa phương xảy ra cháy mía nhiều nhất là huyện Phú Thiện với trên 240 ha, trong đó xã có nhiều ruộng mía bị cháy là Ia Sol trên 91 ha; Ia Yeng 54 ha; Ia Peng 33 ha; tiếp đến là Ia Pa với 160 ha, trong đó xã Pờ Tó xảy ra nhiều vụ cháy nhất trong thời gian gần đây.
Bà Vũ Thị Lan-Trưởng phòng Phát triển Nguyên liệu SEC cho biết: Để chủ động trong việc phòng-chống cháy tại các ruộng mía, từ đầu vụ đơn vị đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có cả việc ký kết hỗ trợ vốn cùng với nông dân trồng mía tại 4 xã trên địa bàn Phú Thiện để mua sắm thiết bị chữa cháy như xe, bình cứu hỏa, dựng chòi canh có người trực 24/24 giờ và việc chống cháy tại các nơi này mang lại hiệu quả rất cao.
Riêng với các hộ có diện tích mía bị cháy, Công ty luôn quan tâm tạo điều kiện gom mía và mua lại toàn bộ số mía bị cháy cho tất cả nông dân, đồng thời hỗ trợ về vốn cho các hộ để tái đầu tư vào vụ tiếp theo.
Cũng theo đại diện SEC, dù vẫn xảy ra cháy tại ruộng mía nhưng số vụ cháy năm nay có giảm nhiều và ít thiệt hại hơn các năm trước.
Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy tại ruộng mía tiếp tục xảy ra, Công ty đang tiếp tục phối hợp các địa phương cùng người dân để theo dõi tại ruộng, công nhân các bộ phận chia thành 3 ca trực đảm bảo nhà máy hoạt động 24/24 giờ, đến đầu tháng 5-2014 sẽ hoàn thành việc đốn mía trên toàn vùng và tập trung cho việc nâng công suất nhà máy lên 6.000 tấn/ngày trong vụ ép tới.
Có thể bạn quan tâm
Kinh tế trang trại (KTTT) đã khẳng định được vị thế trong sản xuất nông nghiệp ở Quảng Trị nhờ phát huy tiềm năng và thế mạnh về đất đai, lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế và đã có bước tiến đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển KTTT còn nhiều vấn đề đặt ra, trong đó có nhiều tiêu chí rất khó đạt để chứng nhận chuẩn trang trại, điều này đòi hỏi sự nỗ lực của chính chủ trang trại cũng như tháo gỡ về mặt chính sách, để trang trại có điều kiện phát triển bền vững.
Anh Hùng cho biết, qua thời gian tìm tòi, khảo sát anh thấy ở một số nơi đã xây dựng mô hình nuôi bồ câu Pháp đem lại hiệu quả kinh tế cao, diện tích cần để xây dựng mô hình nhỏ, tốn ít thời gian chăm sóc, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, đầu ra lại ổn định nên quyết định mua 20 cặp chim bồ câu về nuôi thử theo phương thức nuôi nhốt.
Do khâu sau thu hoạch yếu kém, hàng năm có khoảng 4,2 triệu tấn rau quả mất đi. Đó là thông tin được Tiến sĩ Nguyễn Quốc Vọng, Giáo sư Đại học RMIT (Úc) tính toán khi tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch của rau quả lên đến 30% trong tổng số 14 triệu tấn rau quả sản xuất ra năm 2013.
Để khai thác hiệu quả diện tích mặt nước và phát triển nghề chăn nuôi thủy sản, Trạm Khuyến nông huyện Phú Bình đã thực hiện Dự án “Nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi đơn tính theo quy mô hộ gia đình trên địa bàn huyện Phú Bình”.
Trong khi đó, đối với chăn nuôi, con giống đóng vai trò rất quan trọng, quyết định năng suất, chất lượng và hiệu quả chăn nuôi. Để có được nguồn giống tốt, tỉnh đã duy trì Trại giống lợn Tân Thái, nằm trên địa bàn xã Hóa Thượng hơn 30 năm (nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Giống vật nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT).