Công Bố Dịch Cúm A/H5N1 Trên Chim Cút Ở 2 Xã

Ngày 22-7, UBND tỉnh ký Quyết định 1722/QĐ-UBND về việc công bố dịch cúm A/H5N1 trên chim cút tại xã Phú Kiết và xã Hòa Tịnh (huyện Chợ Gạo - Tiền Giang). Nội dung Quyết định yêu cầu UBND huyện Chợ Gạo có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi cùng cấp; UBND xã Phú Kiết và xã Hòa Tịnh, các ngành có liên quan thực hiện ngay các biện pháp chống dịch.
UBND tỉnh yêu cầu ngành chức năng có liên quan xác định giới hạn vùng có dịch, vùng bị uy hiếp, vùng đệm; đặt biển báo hiệu, trạm gác và hướng dẫn việc đi lại, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tránh vùng có dịch. Cấm người không có nhiệm vụ vào nơi có động vật mắc bệnh hoặc chết nhiều; hạn chế người ra, vào vùng có dịch. Cấm giết, mổ, đưa vào, đưa ra hoặc lưu thông trong vùng có dịch…
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN&PTNT phối hợp Sở Tài chính cân đối, sử dụng kinh phí phòng, chống dịch trên người, cây trồng và vật nuôi năm 2013 đã được phê duyệt để chi hỗ trợ cho địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch khẩn cấp.
Theo Chi cục Thú y, từ ngày 5 đến 17-7, ngành Thú y đã phát hiện 3 đàn chim cút ở xã Phú Kiết (1 đàn) và xã Hòa Tịnh (2 đàn) của huyện Chợ Gạo có dấu hiệu của bệnh cúm gia cầm. Ngành chuyên môn đã gửi 2 mẫu xét nghiệm (mỗi xã 1 mẫu) đều cho kết quả dương tính với vi rút cúm A/H5N1 và bệnh có khuynh hướng lây lan sang diện rộng.
Theo đó, ngày 5-7, ngành Thú y đã đến kiểm tra và phát hiện tại hộ ông Nguyễn Văn Tươi, ấp Phú Lợi A, xã Phú Kiết có 600 con cút bị chết/2.300 con nhiễm bệnh và tiến hành tiêu hủy 20.800 con/tổng đàn 23.000 con cút đẻ (55 ngày tuổi). Ngày 10-7, ngành Thú y kiểm tra tại hộ ông Trần Văn Bon, ấp Hòa Phú, xã Hòa Tịnh, phát hiện có khoảng 1.000 con cút bị chết/7.800 con nhiễm bệnh và tiến hành tiêu hủy 7.140 con, 3.500 trứng/tổng đàn 7.800 con (54 ngày tuổi).
Ngày 17-7, ngành Thú y tiến hành xác minh tại hộ ông Huỳnh Văn Phương, ấp Hòa Phú, xã Hòa Tịnh thì phát hiện 201 con gia cầm bị chết (200 con chim cút và 1 gà nòi lai)/700 con nhiễm bệnh, đã tổ chức tiêu hủy 3.250 con cút, 3.300 trứng và 75 con gia cầm/tổng đàn 3.635 con (cút 3.500 con 70 ngày tuổi; gà ác 50 con 2 tháng tuổi; 80 con gà nòi lai nhiều lứa tuổi; 5 con vịt 4 tháng tuổi).
Trước tình hình trên, Chi cục Thú y tỉnh đã đề nghị Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh công bố dịch cúm A/H5N1 trên chim cút tại xã Phú Kiết và xã Hòa Tịnh (huyện Chợ Gạo); đồng thời phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi huyện Chợ Gạo thành lập 2 chốt kiểm dịch để kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra ngoài vùng dịch; tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để kịp thời xử lý và hạn chế lây lan; chỉ đạo lực lượng thú y địa phương rà soát, thống kê đàn gia cầm và tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm tại xã có dịch và các xã giáp ranh; tổ chức cấp phát tờ rơi tuyên truyền cho bà con trong khu vực cảnh giác và hợp tác phòng, chống dịch; triển khai tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi tại xã có dịch và các xã giáp ranh.
Theo Chi cục Thú y, toàn tỉnh hiện nuôi khoảng 1,5 triệu con chim cút, nhiều nhất tại huyện Chợ Gạo và huyện Châu Thành. Trong đó, 2 xã vừa công bố dịch có khoảng 700 ngàn con chim cút các loại.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, mô hình nuôi bò vỗ béo ở huyện Vân Canh phát triển khá mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Ông Phạm Văn Chung, Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết: Vụ sản xuất Đông Xuân 2015-2016, Hoài Nhơn có kế hoạch xây dựng 60 cánh đồng lớn (CĐL).

Giảm công lao động, rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập, tiêu thụ dễ dàng là những ưu điểm của phương thức sản xuất muối trải bạt được diêm dân trong tỉnh ứng dụng gần đây.

Không chỉ sản phẩm từ các thương hiệu lớn của Nhật và các nước châu Âu vốn đã khẳng định vị thế, mà các tên tuổi đến từ các nước ASEAN cũng đang “đổ bộ” mạnh mẽ vào thị trường Việt.

Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã ưu tiên chọn ba giống lúa gồm Jasmine, lúa thơm và nếp đặc sản để xây dựng thương hiệu.