Nhìn Lại Sản Xuất Thủy Sản Năm 2014
Năm 2014, sản xuất thủy sản của tỉnh Nam Định tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, sức cạnh tranh cao phù hợp với hệ sinh thái, khai thác tối đa lợi thế của địa phương; nâng cao năng lực khai thác xa bờ. Tổng sản lượng thủy sản cả năm đạt 110,4 nghìn tấn, tăng 9,5% so với năm 2013; trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 65.900ha, sản lượng khai thác đạt 44.500ha.
Trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), toàn tỉnh đã đưa 15.859ha diện tích mặt nước vào nuôi thả. Diện tích nuôi vùng mặn lợ là 6.451ha, sản lượng đạt 34.050 tấn. Hiện có hơn 2.000 hộ nuôi tôm sú, diện tích nuôi tuy giảm nhiều so với trước đây song từng vùng nuôi đã chuyển sang phương thức quảng canh cải tiến và nuôi xen canh với các đối tượng khác như cá bống bớp, cua nên đã khắc phục được tình trạng tôm bị bệnh.
Sản lượng tôm sú đạt 925 tấn; năng suất bình quân đạt từ 0,2 - 0,5 tấn/ha. Tôm thẻ chân trắng đã được đưa vào nuôi thả trên diện rộng với tổng diện tích 621ha, tăng 134,7ha so với năm 2013, chủ yếu nuôi với hình thức thâm canh và bán thâm canh.
Sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 3.250 tấn, tăng 370 tấn so với năm 2013. Năng suất bình quân của các mô hình nuôi thâm canh đạt 8 - 10 tấn/ha. Cùng với nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi ngao tiếp tục khẳng định là thế mạnh của tỉnh cho hiệu quả kinh tế cao với diện tích nuôi toàn tỉnh đạt 1.537ha.
Ngoài nguyên nhân từng bước chủ động ngao giống bằng sinh sản nhân tạo, mô hình quản lý cộng đồng nuôi ngao do tổ chức MCD hỗ trợ giúp các hộ nuôi nắm vững kỹ thuật chọn bãi, cải tạo nền đáy bãi nuôi, tạo môi trường đáy thuận lợi, chọn thời điểm thả giống, quản lý sản phẩm… nên năng suất tăng lên rõ rệt, đạt 15 - 20 tấn/ha; sản lượng ước đạt 24.370 tấn, tăng 2.198 tấn, tương đương 9,91% so với năm 2013. Cua biển và cá bống bớp vẫn là 2 đối tượng nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân; sản lượng cua biển đạt 1.245 tấn, sản lượng cá bống bớp 1.140 tấn cho lãi ròng 300-500 triệu đồng/ha.
Một số đối tượng nuôi mới như cá song, cá vược, cá chim biển vây vàng cũng được mở rộng diện tích ở vùng mặn lợ. Riêng diện tích nuôi cá song, cá vược trong năm 2014 đạt 323ha, sản lượng đạt 1.560 tấn, cho thu lãi 250 - 400 triệu đồng/ha/năm, đây là hướng phát triển mới cho NTTS nước lợ. Nuôi thủy sản nước ngọt (vùng nuôi nội đồng) cũng tiếp tục phát triển, diện tích nuôi đạt 9.408ha, sản lượng 31.850 tấn, bằng 109,86% so với năm 2013.
Ngoài nuôi cá truyền thống cho hiệu quả kinh tế khá, ít rủi ro, sản phẩm có thể thu tỉa, thả bù quanh năm, thị trường tiêu thụ ổn định, nhiều hộ nông dân ở Giao Thủy, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Trực Ninh, Mỹ Lộc… đã đưa vào nuôi các loài thủy đặc sản có giá trị cao như: ba ba, ếch, rắn, cá tra…; sản lượng đạt trên 200 tấn. Các đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế cao như cá lóc bông, cá diêu hồng… tiếp tục được mở rộng.
Tại các xã Nghĩa Bình, Nghĩa Châu, Nghĩa Lợi (Nghĩa Hưng)… đã hình thành các vùng nuôi cá lóc bông tập trung với tổng diện tích 44,4ha, sản lượng đạt 690 tấn, nhiều hộ nuôi cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/ha. Vùng nuôi cá diêu hồng tập trung với sản lượng hàng hóa lớn ở Hải Châu (Hải Hậu) năm 2014 đạt trên 700 tấn cá, doanh thu 500 triệu đồng thu lãi 140-150 triệu đồng.
Sở dĩ NTTS năm 2014 phát triển và đạt hiệu quả cao, ngoài kỹ thuật nuôi được cải tiến, môi trường nuôi được cải thiện tích cực, trách nhiệm cộng đồng được nâng cao… thì công tác khuyến ngư và việc chủ động sản xuất giống tại địa phương góp phần rất lớn. Năm 2014, các cơ sở sản xuất giống hải sản đã sản xuất được 9.035 triệu con giống các loại, trong đó có: 136 triệu con tôm sú P15, 24 triệu con cua biển C1; 30 triệu con cá bống bớp hương, ngao giống (ngao cúc), 8.730 tấn sinh sản nhân tạo và một lượng nhỏ ngao giống khai thác tự nhiên.
Ở khu vực nuôi nước ngọt, các trại giống đã sản xuất được 1.500 triệu cá bột các loại. Các giống cá truyền thống đã chiếm lĩnh thị trường các tỉnh Bắc miền Trung và toàn bộ các tỉnh phía Bắc. Công nghệ sản xuất cá lăng chấm, rô đồng… cũng ngày càng hoàn thiện nhằm đáp ứng đủ con giống tốt cho người nuôi.
Chất lượng giống thủy sản (cả nước ngọt và mặn lợ) sản xuất trong tỉnh được người nuôi đánh giá chất lượng hơn hẳn giống nhập từ nơi khác về. Đối với các giống nhập từ nơi khác về cơ bản được kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc nên bảo đảm an toàn trong quá trình nuôi.
Để tạo ra bước đột phá mới trong khai thác thủy sản với mục tiêu rộng hơn, sâu hơn và xa hơn, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện ven biển tăng cường quản lý hoạt động nghề cá trên biển. Tổ chức hướng dẫn ngư dân thành lập các tổ, đội khai thác thủy sản với chủ trương phát huy tốt năng lực tàu khai thác theo hình thức tổ, đội, đoàn và liên kết với dịch vụ hậu cần nghề cá; kịp thời hỗ trợ nhau về giá nhiên liệu, vật tư, giá bán sản phẩm… trong sản xuất cũng như hoạt động cứu trợ khi gặp sự cố, thiên tai trên biển.
Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 41 đoàn, tổ, đội khai thác thủy sản với 1.185 tàu đang hoạt động, chiếm 61,24% tổng số tàu khai thác toàn tỉnh và 3.187 lao động trực tiếp đánh bắt.
Chính sự hợp tác sản xuất trên biển đã động viên và tạo ra khí thế thi đua giúp ngư dân tích cực bám biển khai thác cũng như tìm kiếm ngư trường mới… nên càng về cuối năm sản lượng khai thác càng cao. Việc đầu tư phát triển nghề khai thác cũng tạo ra sự thay đổi tích cực. Hiện, loại tàu công suất nhỏ dưới 20CV giảm xuống chỉ còn 1.311 chiếc; loại tàu công suất từ 50 đến dưới 90CV là 97 chiếc; tàu công suất lớn, loại 90CV trở lên tăng 357 chiếc tham gia đánh bắt xa bờ, khai thác trên biển dài ngày.
Cơ cấu nghề cũng có sự thay đổi, một số tàu, thuyền của huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu đã chuyển đổi sang đánh bắt kiêm nghề như: Tổ hợp tác nghề lưới rê kết hợp chụp mực của xã Hải Lý, Hải Chính, Hải Triều (Hải Hậu), mỗi chuyến biển có lãi từ 30 - 40 triệu đồng; cá biệt có tàu thu lãi 150 - 200 triệu đồng. Nghề lưới kéo đôi của xã Giao Phong, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy) lãi từ 8 - 15 triệu đồng/tháng/tàu. Sở NN và PTNT đã phối hợp với các địa phương ven biển, các đồn, trạm kiểm soát biên phòng bám sát địa bàn, tiến hành rà soát, thống kê, phân loại tàu cá.
Công tác đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản cũng đã đi vào nền nếp để thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ an toàn cho các tàu, thuyền đánh cá và phương tiện thủy hoạt động trên biển, gắn sản xuất với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển. Hiện nay, tỉnh có 1 cảng cá và khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão tại cửa Ninh Cơ, huyện Hải Hậu. Dự án Khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão tại cửa Ninh Cơ, huyện Nghĩa Hưng đã đưa âu thuyền số 1 vào sử dụng.
Năm 2014, tỉnh khởi công xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp bến cá tại cửa Hà Lạn, huyện Giao Thủy và 5 bến cá tại 3 huyện ven biển. Cùng với đó, 105 cơ sở thu mua, chế biến hải sản và 9 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá tại địa phương hoạt động tích cực tạo điều kiện cho khai thác phát triển.
Trong năm 2014, tổng số tàu, thuyền khai thác của toàn tỉnh là 1.964 chiếc, giảm 125 chiếc so với năm 2013 (chủ yếu là giảm số tàu công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ) sản lượng khai thác vẫn đạt 44.500 tấn, tăng 5,05% so với năm 2013 cho thấy hiệu quả rõ nét của đầu tư đánh bắt xa bờ.
Tuy đã có những khởi sắc tích cực song kinh tế thủy sản phát triển chưa đều. Đầu tư kết cấu hạ tầng chưa theo kịp với nhu cầu phát triển kinh tế biển trong tình hình mới. Một số địa phương vẫn đang trong tình trạng phát triển “nóng”: NTTS manh mún nhỏ lẻ, khai thác và chế biến thủy sản gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái tự nhiên.
Khai thác thủy, hải sản xa bờ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tìm kiếm ngư trường, nguồn vốn đầu tư cho khai thác và nuôi trồng còn nhiều hạn chế… chi phí sản xuất tăng do giá nguyên vật liệu tăng cao. NTTS tuy có những bước phát triển khá, song vẫn chưa thật sự ổn định vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng…
Sự phát triển tự phát dẫn đến khó khăn trong việc quản lý quy hoạch vùng nuôi khi nhiều hộ tự chuyển đổi nuôi cá, cua và làm muối sang nuôi tôm, chuyển từ nuôi tôm sú và các đối tượng khác sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Để phát triển kinh tế thủy sản ổn định, vững chắc, ngành NN và PTNT tiếp tục rà soát và bổ sung quy hoạch, quản lý cũng như thực hiện tốt quy hoạch. Nâng cao năng lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị trong công tác quan trắc, cảnh báo sớm môi trường và dịch bệnh.
Tăng cường theo dõi, giám sát và quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư đầu vào phục vụ NTTS; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn để cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng NTTS và các cơ sở sản xuất giống. Tạo cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển kinh tế thủy sản và xây dựng mô hình nuôi các đối tượng mới có giá trị kinh tế cao.
Chuyển đổi diện tích trồng lúa, sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi các đối tượng thủy hải sản phù hợp với quy hoạch của từng địa phương. Nâng cao năng lực và hiệu quả khai thác đẩy mạnh khai thác xa bờ, giảm dần khai thác ven bờ và tổ chức có hiệu quả các dịch vụ phát triển khai thác.
Có thể bạn quan tâm
Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Hà Tĩnh hiện có trên 100.000 hộ chăn nuôi lợn có số lượng từ 5 con/lứa trở lên.
Vịt xiêm (ngan) là loài thủy cầm tương đối dễ nuôi hơn các loại vịt khác. Vịt xiêm ta (vịt bản địa) và vịt xiêm Pháp đều là giống vịt kháng bệnh tốt, tăng trưởng nhanh.
Cần thường xuyên giữ ẩm 70 - 80% độ ẩm đất, gió bấc hanh khô cần tưới nhiều, không tưới đẫm khi gió đông để hạn chế bệnh hại.
Một số hồ có mực nước đạt tỷ lệ cao so với dung tích toàn bộ như: hồ Tiên Du, Hoa Sơn. Tuy nhiên, so với thời điểm này hàng năm thì mực nước hiện tại ở các hồ chứa vẫn còn rất thấp.
Vụ ĐX 2015-2016, Cty TNHH Thương mại phát triển nông nghiệp sạch Tháp Mười sẽ tổ chức bao tiêu trọn gói SX lúa sạch của nông dân huyện Hồng Ngự và Tháp Mười (Đồng Tháp).