Giá Heo Giống Tăng Đột Biến Vui Trước, Lo Sau

Giá con giống tăng cao, người chăn nuôi vì thế cũng chỉ thích bán heo sữa để giảm chi phí. Tuy nhiên, phía sau niềm vui ấy sẽ là nỗi lo “khát” con giống một khi người chăn nuôi có nhu cầu tái đàn nuôi heo thịt…
Trong khi giá heo thịt đang ở mức 47.000 - 48.000 đồng/kg hơi, thì heo giống (còn gọi là heo con, heo sữa) lại dao động từ 600.000 - gần 1 triệu đồng/con 30 - 40 ngày tuổi. Với mức giá trên, người chăn nuôi thích bán heo giống cũng là điều dễ hiểu.
Chỉ vào đàn heo sữa 14 con vừa được 32 ngày tuổi, bà Nguyễn Thị Xanh ở xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành) cho biết: “Mấy hôm nay thương lái cứ ra vào ngắm heo, rồi hỏi mua với giá 750.000 đồng/con nhưng tôi chưa chịu bán. Tôi tính để thêm một tuần nữa, thế nào nó cũng được trên 800 ngàn đồng/con”.
Lý giải điều này, bà Xanh cho rằng, heo giống đã, đang và sẽ còn tiếp tục tăng nên cứ để đó…đợi! Với lại do heo có giá, thương lái sẽ “dễ tính” hơn khi mua nên người chăn nuôi như bà Xanh cũng không phải lo bị họ chèn ép. Còn bà Trần Thị Thanh, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa) cũng không giấu được niềm vui khi đang sở hữu đến 25 con heo giống 20 - 35 ngày tuổi. Và dù thương lái đã đến dạm trả 700.000 đồng/con nhưng bà Thanh vẫn từ chối với lý do “giá heo sẽ còn tăng nên đợi thêm vài ngày xem sao”!
Không riêng gì bà Xanh, bà Thanh mà hiện giờ, người chăn nuôi trong tỉnh cũng đang rất phấn khởi vì giá heo giống tăng đột biến. Tuy nhiên bà Xanh cũng thừa nhận “cũng tiếc nếu bán hết cả đàn 14 con”. Lý do là lâu nay bà Xanh thường để lại một nửa lượng heo giống có sẵn để xoay vòng tái đàn nuôi thịt, rồi bán vào dịp trong và sau Tết. Bởi vào thời điểm này, giá heo thịt thường tăng cao. Tuy nhiên hiện giờ, giá heo giống quá lý tưởng nên bà Xanh rơi vào cảnh “bán thì tiếc, không bán cũng…tiếc”!
Cùng tâm trạng trên, bà Trần Thị Thanh cũng cho rằng, nếu bán toàn bộ 25 con heo giống, bà phải “treo chuồng” trong thời gian đợi con nái tái sinh sản; nhưng nếu không bán thì lấy đâu tiền để lo chi phí nuôi thịt. Vì trận lũ hồi giữa tháng 11.2013 đã khiến bà gần như kiệt quệ. Nhưng điều khiến bà Thanh bận tâm là hiện giờ, giá heo thịt đang tăng dần lên với mức 47.000 - 48.000 đồng/kg hơi nên “nếu heo thịt liên tục tăng giá thì heo giống cũng sẽ theo đó mà tăng theo.
Rồi sau này muốn nuôi thịt, tôi sẽ phải mua lại heo giống với giá cao hơn bây giờ”. Dù biết trước điều này nhưng có lẽ với suy nghĩ “tới đâu hay tới đó”, cộng với việc chăn nuôi nhỏ lẻ nên những người như bà Thanh vẫn quyết định bán sạch đàn heo giống mà không để tái đàn.
Cách làm trên, theo nhận định của Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tư Nghĩa Trần Thiên Thanh thì “chẳng khác nào người chăn nuôi đang tự “trói” mình”. Bởi lâu nay, không chỉ heo giống mà rất nhiều sản phẩm nông sản bỗng dưng đột ngột tăng giá khiến nông dân rủ nhau gom hàng bán sạch. Đến khi có nhu cầu sản xuất, bà con lại phải đi mua cây, con giống với giá cao!
Thế nên dù người chăn nuôi vui vì heo giống đang được giá nhưng ông Thanh lại lo lắng “sẽ đến lúc xảy ra tình trạng thiếu cả heo giống và heo thịt, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế cũng như hiệu quả sản xuất của nông dân”.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201411/gia-heo-giong-tang-dot-bien-vui-truoc-lo-sau-2353245/
Có thể bạn quan tâm

“Nhất nước, nhì phân...”, xác định vai trò quan trọng của việc cung cấp nguồn nước để chủ động sản xuất mùa vụ; những năm qua, huyện Bắc Mê đã tăng cường công tác quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình thủy lợi (CTTL) sau đầu tư; đảm bảo sản xuất đúng thời vụ, chống hạn và tăng năng suất cho cây trồng.

Trong sản xuất nông, lâm nghiệp ở huyện Quang Bình; kinh tế tập thể và nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nhân dân. Hiện, cấp ủy, chính quyền huyện đang tích cực vận dụng các chính sách để hỗ trợ khuyến khích phát triển, mở rộng sản xuất của các HTX sao có thể khai thác được nhiều tiềm năng, thế mạnh, góp phần vào phát triển KT – XH, XĐGN, ở địa phương.

Hiện nay diện tích thả nuôi các mặt hàng thủy sản đang có dấu hiệu giảm sút, đặc biệt là đối với mặt hàng tôm.

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Lý Sơn - Quảng Ngãi) về tình trạng ngư dân bị “đầu nậu” ép giá, “trừ hao” trọng lượng. Nguyên nhân chính yếu là do Lý Sơn chưa phát triển được dịch vụ hậu cần nghề cá, chưa có doanh nghiệp nào uy tín đứng ra thu mua hải sản cho ngư dân.
Hiện nay, nhiều ngư dân trên địa bàn xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã chuyển sang nghề câu mực ốc thay cho nghề kéo lưới, câu mực truyền thống trước đây. Đây là một nghề khai thác mực vừa mới được ngư dân tỉnh Kiên Giang chuyển giao phương tiện và kỹ thuật khai thác, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao nên ngư dân hết sức phấn khởi.