Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Bưởi Diễn Trên Đất Việt Đoàn (Bắc Ninh)

Cây Bưởi Diễn Trên Đất Việt Đoàn (Bắc Ninh)
Ngày đăng: 23/01/2013

Tuy mới chỉ được người dân xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du - Bắc Ninh) đưa vào trồng khoảng 7 đến 8 năm nay nhưng cây bưởi Diễn đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân nơi đây.

Tiếp tôi trong căn nhà 3 tầng khang trang đầy đủ tiện nghi, anh Nguyễn Anh Tiệp (thôn Đông Sơn, xã Việt Đoàn) hồ hởi giới thiệu: “Tất cả là nhờ vào cây bưởi Diễn đấy anh ạ, loại cây này cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn những cây trước đây tôi đã trồng. Hơn 1.000 gốc bưởi 5 năm tuổi hiện tại mang lại cho gia đình tôi thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm, tất cả số bưởi trong vườn đã được khách đặt hàng từ nhiều tháng trước”.

Trước đây anh Tiệp theo học trường trung cấp Điện ở Hà Nội, sau đó bôn ba theo những chuyến tàu biển chở hàng đi khắp mọi miền Tổ quốc. Ngày trở về quê hương, anh nhận thấy cây trồng chủ yếu là vải thiều cho hiệu quả không cao, liên tục bị rớt giá, anh xác định cần phải có một giống cây ăn quả khác thay thế cây vải để cải thiện đời sống gia đình. Anh đã tự tìm tòi, học hỏi các mô hình ở các địa phương cả trong và ngoài tỉnh và nhận thấy cây bưởi Diễn có giá trị cao, nhiều ưu điểm, phù hợp với vùng đất đồi quê hương.

Năm 2007, anh đã chặt bỏ 7 sào vải thiều, đưa hơn 1.000 cây bưởi Diễn lấy giống từ Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao (trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) vào trồng. Gia đình anh thuê nhân công đào hơn 1.000 hố với kích thước 3 chiều dài, rộng, sâu mỗi chiều 1m, sau đó rắc mùn và phân bón vào hố để giữ độ ẩm và bổ sung chất dinh dưỡng cho đất, rồi mới đặt cây giống vào. Anh còn nuôi thêm lợn, bò, gà... vừa lấy phân để làm hệ thống biogas, vừa tận dụng để bón cho cây.

Sau 3 năm, vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch, cây nhiều nhất có tới 100 quả. Là loài cây dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, chỉ cần chăm sóc chu đáo là đã cho thu hoạch khá. Bưởi Diễn còn có nhiều ưu điểm như mẫu mã đẹp, khi chín vỏ màu vàng, tôm đều, vị ngọt mát thanh khiết, có thể để trong thời gian nhiều tháng kể từ khi hái mà chất lượng vẫn không bị ảnh hưởng. Theo những người ăn sành đánh giá, quả bưởi to không ngon bằng quả nhỡ nên quả loại 1 từ 5 - 7 lạng bao giờ cũng được giá cao hơn.

Trao đổi về kinh nghiệm trồng bưởi Diễn, anh Tiệp cho biết: từ khâu trồng đến chăm sóc cần phải đảm bảo kỹ thuật. Sau khi trồng tưới nước ấm cho cây bén rễ, cây bắt đầu nhú mầm, ra lá non thì bón phân đạm urê, để cây bưởi cho năng suất cao, chất lượng tốt, cần bón phân tổng hợp NPK, phân Kali vào đúng thời điểm cây chuẩn bị ra hoa và sau khi thu hoạch quả và thường xuyên phun thuốc trừ sâu để phòng trừ các loại sâu bệnh hay gặp phải như: sâu đục thân, sâu vẽ bùa... Đến khi cây ra quả thì phải đề phòng bệnh ruồi vàng, không để châm vào quả làm quả bị đốm đen, ảnh hưởng tới mẫu mã và chất lượng.

Tiếng lành đồn xa, những đơn đặt hàng từ khắp mọi nơi đổ về, anh đã phải hủy một số đơn đặt hàng vì số lượng không đủ để cung cấp. Giá bưởi bán tại vườn vào thời điểm này là 20.000 đồng/quả và đang có xu hướng tăng, dự kiến vụ sau, gia đình anh sẽ thuê thêm 5 sào đất để mở rộng diện tích trồng bưởi.

Bên cạnh việc chăm sóc vườn bưởi, gia đình anh còn thường xuyên nghiên cứu cải tạo đất, sao cho phù hợp với quá trình sinh trưởng, cho năng suất cao và chín đúng thời điểm Tết Nguyên đán để nâng cao giá thành sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều người dân trong vùng đã tìm đến nhà anh Tiệp học hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng, anh đã cung cấp giống và hướng dẫn nhiệt tình, chi tiết về kỹ thuật. Ông Trần Văn Chức, Chủ tịch UBND xã Việt Đoàn nhận xét: “Nguyễn Anh Tiệp là một người trẻ tuổi năng động, dám nghĩ, dám làm. Mô hình trồng bưởi Diễn của anh đã phát huy hiệu quả trên vùng đồi của Việt Đoàn đang được nhiều người học tập và làm theo”.

Hiệu quả ban đầu của cây bưởi Diễn đã được khẳng định, song để tránh việc trồng dàn trải, không đem lại hiệu quả như các loại cây trồng khác thì rất cần sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương và các ngành chức năng từ khâu quy hoạch cũng như tìm đầu mối tiêu thụ, phát triển cây bưởi Diễn thành vùng sản xuất hàng hoá tập trung, cho nguồn thu nhập ổn định, tạo sự phát triển bền vững.

 


Có thể bạn quan tâm

“Chè VietGap” Ở Quang Bình (Hà Giang) “Chè VietGap” Ở Quang Bình (Hà Giang)

Là huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây chè sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là giống chè Shan tuyết; những năm qua, cây chè được huyện Quang Bình (Hà Giang) xác định là cây kinh tế mũi nhọn, không chỉ xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực.

09/08/2014
Sản Xuất An Toàn Con Đường Đưa Nông Sản Việt Nam Ra Thế Giới Sản Xuất An Toàn Con Đường Đưa Nông Sản Việt Nam Ra Thế Giới

Theo một thống kê của JICA, có tới 90% nông dân Việt Nam đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và có thu nhập thấp. Hầu hết những sản phẩm nông sản của họ được tiêu thụ bởi thị trường nội địa. Và trên thực tế, những nông dân này rất khó có thể áp dụng VietGAP hoặc những tiêu chuẩn GAP khác có yêu cầu cao hơn.

29/07/2014
Cây Giống Trồng Rừng Chịu Mặn Trên Ruột Bầu Hữu Cơ Nhẹ Cây Giống Trồng Rừng Chịu Mặn Trên Ruột Bầu Hữu Cơ Nhẹ

Trong thời gian qua, Quảng Ninh đã rất nỗ lực trong việc trồng mới và hồi sinh những cánh rừng ngập mặn (RNM). Tuy nhiên, trước những biến đổi của khí hậu ngày càng trở nên phức tạp, ô nhiễm môi trường... thì việc khôi phục và trồng lại RNM là vô cùng khó khăn, tốn kém.

09/08/2014
Thịt Ngoại Đè Chăn Nuôi Nội Thịt Ngoại Đè Chăn Nuôi Nội

Chị B.T (ngụ ở Q.7, TP.HCM) than phiền, gần đây các siêu thị gần nhà hầu như không bán thịt bò truyền thống nữa mà chỉ có thịt bò Úc. “Thịt bò Úc nhìn đẹp, ngọt và mềm, tuy nhiên giá hơi cao, chỉ thích hợp cho người có thu nhập khá. Người thu nhập thấp như tôi ít có khả năng mua.

29/07/2014
Xử Lý Sầu Riêng Nghịch Vụ Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao Xử Lý Sầu Riêng Nghịch Vụ Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa sang chuyên canh sầu riêng, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, xử lý sầu riêng ra hoa trái vụ đem lại hiệu quả kinh tế cao, đó là tinh thần dám nghĩ, dám làm của nông dân Hàng Văn Phúc (sinh năm 1955), ở ấp 1, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang).

09/08/2014