Giá Gà Giảm Mạnh, Người Chăn Nuôi Lao Đao
Trong hai tháng trở lại đây, giá gà thịt, gà giống trên địa bàn tỉnh Bình Định liên tục giảm mạnh làm cho người chăn nuôi bị thua lỗ nặng; nhiều trang trại, gia trại phải bỏ trống chuồng nuôi vì không còn vốn để tái đàn.
Giá gà “lao dốc” từng ngày
Ông Bùi Văn Tám, một hộ chăn nuôi gà nhiều năm ở thôn Công Chánh, thị trấn Tuy Phước (huyện Tuy Phước), than thở: “Tôi nuôi gà đã hơn 15 năm nay nhưng chưa bao giờ thấy giá gà hạ thấp như bây giờ. Trong 10 ngày gần đây, tôi xuất 3 lứa gà Lương Phượng, đợt đầu còn bán được giá 40.000 đồng/kg, đợt sau còn 38.000 đồng/kg, đợt mới xuất ngày 2.6 vừa qua chỉ còn 36.000 đồng/kg. Với mức giá trên, lứa gà 300 con (trọng lượng từ 1,2 - 2 kg/con), tôi phải chịu lỗ hơn 4 triệu đồng tiền thức ăn, chưa tính chi phí thuốc thú y, công chăm sóc...”.
Theo khảo sát, không chỉ gà Lương Phượng bị rớt giá, giống gà ta thả vườn cũng giảm giá mạnh, từ 85.000 đồng/kg hiện chỉ còn 52.000 đồng/kg. Gà siêu thịt lông trắng, giá chỉ còn từ 16.000 - 18.000 đồng/kg, giảm một nửa so với trước đây vài tháng. Với mức giá này, người chăn nuôi đang phải chịu lỗ ở mức từ 10.000 - 20.000 đồng/kg gà.
Giá các loại gà thịt giảm mạnh làm cho nhiều trang trại, gia trại không tiếp tục nhập gà giống để nuôi tái đàn, làm cho gà giống cũng rơi vào cảnh ế ẩm và giá giống cũng tuột gần một nửa. Gà giống thả vườn từ 22.000 đồng/con hiện chỉ còn 12.000 đồng/con; giá gà Lương Phượng từ 13.500 đồng/con hạ còn 6.000 đồng/con.
Ông Cao Văn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Tuy Phước), cho biết: “Với giá bán 12.000 đồng/con gà ta giống, sau khi trừ chi phí sản xuất, cơ sở của tôi đang phải chịu lỗ ở mức từ 4.000 - 5.000 đồng/con. Với năng lực sản xuất giống mỗi ngày cho ra lò từ 15.000 - 20.000 con gà giống, mỗi ngày cơ sở đang phải gánh lỗ từ 60 - 80 triệu đồng”.
Theo lý giải của ông Khanh, do giá gà thịt xuống quá thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, người chăn nuôi bị thua lỗ nên rất ít trang trại, gia trại nhập gà giống để nuôi tái đàn, càng làm cho giá gà giống giảm mạnh. Thêm vào đó, theo tính toán của người chăn nuôi, nếu bây giờ thả gà giống, lứa gà xuất chuồng sẽ rơi vào tháng 7 Âm lịch, đây là thời điểm người dân ăn chay nhiều, đầu ra của gà thịt sẽ rất khó khăn. Do đó, khả năng giá gà thịt sẽ tiếp tục ở mức thấp, vì thế, hầu hết các trang trại, gia trại chẳng mấy ai dám tái đàn.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Theo ghi nhận của chúng tôi tại các địa phương có phong trào chăn nuôi mạnh như Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, dù giá gà đã giảm mạnh nhưng đầu ra rất khó khăn, chưa năm nào sức mua của thị trường yếu như năm nay. Thông tin về dịch cúm A/H5N1 và H7N9 trong thời gian qua đã khiến người tiêu dùng e ngại tiêu thụ thịt gà. Quả thật là khó khăn chồng chất cho người chăn nuôi.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Giá gia cầm trên địa bàn tỉnh giảm mạnh là do ảnh hưởng tình hình chung cả nước, nguồn cung thịt gia cầm đang vượt cầu. Để chia sẻ một phần khó khăn đối với người chăn nuôi, ngành Nông nghiệp tỉnh đã tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia cầm, hỗ trợ việc tiêm phòng các loại dịch bệnh nguy hiểm, thường xuyên tiêu độc sát trùng chuồng trại, đảm bảo không để dịch bệnh gia cầm bùng phát, lây lan.
Về giải pháp căn cơ và lâu dài, ông Hổ đề xuất, Bộ NN-PTNT cần có biện pháp cơ cấu lại ngành chăn nuôi gà, tiến hành quy hoạch lại các khu chăn nuôi tập trung, áp dụng các tiến bộ KHKT, chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, đảm bảo sản phẩm chăn nuôi sạch bệnh. Các Bộ ngành chức năng cần tăng cường công tác dự báo thông tin thị trường, tăng cường việc kiểm soát gia cầm nhập lậu, kiểm soát tốt dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Related news
Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2015 có từ 40-60 sản phẩm địa phương được thương mại hóa, đáp ứng yêu cầu của quá trình xây dựng “Mỗi làng một sản phẩm”. Theo đó, rất nhiều địa phương trong tỉnh đã khai thác các tiềm năng, thế mạnh để phát triển các nghề nuôi, trồng đưa những loại đặc sản trở thành thương phẩm trên thị trường. Trong số đó, có nghề nuôi rắn ở xã Thống Nhất (Hoành Bồ).
Tận dụng trong mùa lũ nguồn cua đồng ngoài tự nhiên dễ tìm và giá thấp, nhiều nông dân ở ấp Khánh Nhơn và Khánh An, xã Tân Khánh Trung đầu tư mua cua và nuôi giữ đợi đến thời điểm giá cua lên cao mới thu hoạch. Hầu hết những nông dân thực hiện mô hình này đều có kinh nghiệm nuôi cua từ một vài năm trước nên có sự chuẩn bị tương đối tốt cho vụ nuôi năm nay.
Vụ bí đỏ năm nay, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) được mùa, nhưng người trồng bí lại lỗ nặng vì giá quá rẻ. Hàng chục nghìn tấn bí đã thu hoạch từ hơn nửa tháng nay đang nằm chất đống, một lượng không nhỏ có nguy cơ bị thối…
Đến thăm trang trại chăn nuôi lợn ngoại thuộc quy mô nhất huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) của anh Trịnh Quốc Huy, sinh năm 1958, ở thôn 1 Bình Hòa, xã Cẩm Bình, mới thấy rõ được tiềm năng to lớn của đất đai vùng sơn cước khi được đầu tư đúng hướng.
Với ý chí làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương, anh Trần Văn Lãng ở xóm 12, xã Kim Định (huyện Kim Sơn - Ninh Bình) đã đầu tư xây dựng mô hình trồng nấm linh chi đem lại hiệu quả kinh tế cao với trên 200 triệu đồng/vụ.