Giá Điều Giảm Mạnh Doanh Nghiệp Đóng Cửa Kho Ép Giá Nông Dân?
Khi các vườn điều chín rộ thì giá hạt điều xuống từng ngày và hiện chỉ còn 21,7 ngàn đồng/kg ở 2 xã Bù Gia Mập, Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), ở khu vực khác còn 19,5 ngàn đồng/kg. Dự báo được mùa, những “ông lớn” ngành điều đang âm thầm đóng cửa kho không “ăn hàng” để ép nông dân và kéo giá điều tươi xuống!
Bài toán cho phát triển ngành điều vẫn còn xa vời khi nông dân không còn sức để níu giữ mảnh vườn đượm mồ hôi của họ mà làm giỏi cũng chỉ thu về khoảng 20 triệu đồng/ha/năm.
GIÁ GIẢM TỪNG NGÀY
Cuối tháng 2, chúng tôi đến vùng trồng điều trọng điểm ở Đắk Ơ, Bù Gia Mập. Những vườn điều trĩu quả mang theo hy vọng được mùa - nhưng chưa chín rộ. Người trồng điều thấp thỏm mừng vì giá điều tươi được đại lý, tiểu thương kê bảng 27 ngàn đồng/kg.
Trên con đường nhựa vừa làm xong theo chương trình nông thôn mới năm 2013, nối trung tâm xã Bù Gia Mập với thôn Bù Rên, chúng tôi dừng lại bên vườn điều 3 ha của vợ chồng anh Điểu Thắng và chị Thị Thúy ở tổ 1. Đang quét lá dọn vườn chuẩn bị vụ thu hoạch, anh Thắng phấn khởi: “Năm trước, vườn điều nhà tôi mất trắng. Nếu không nhờ xã cho mua gạo trả tiền dần và ngân hàng khoanh nợ thì phải bán đứt vườn điều. Năm nay, mùa điều đến chậm hơn nhưng trĩu quả, nếu giá 27 ngàn đồng/kg thì vợ chồng tôi sẽ có tiền đáo nợ ngân hàng và giữ được vườn điều”.
Tuần đầu tiên của tháng Ba, chúng tôi trở lại Đắk Ơ, Bù Gia Mập. Nơi đây ngập tràn mùi thơm ngọt ngào trái điều chín. Dọc hai bên đường, trái điều rụng trải thảm vàng trên đất. 50km từ thị xã Phước Long qua các xã Phú Văn, Phú Nghĩa, Đắk Ơ, Bù Gia Mập mới sáng tinh sương các đại lý thu mua nông sản đã tranh thủ phơi điều. Nhưng trên khuôn mặt của người nông dân, chỉ sau mươi ngày, nụ cười mang bao hy vọng đã tắt.
Bởi khi giá điều 27 ngàn đồng/kg thì điều chưa cho thu hoạch. Khi bắt đầu vào vụ, giá rớt đều mỗi ngày từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Ngày 6-3, giá điều tươi ở Bù Gia Mập, Đắk Ơ 22,5 ngàn đồng/kg, tới ngày 8-3 giá chỉ còn 21,5-21,7 ngàn đồng/kg ở Bù Gia Mập và 21,2 ngàn đồng/kg tại Phú Nghĩa. Giá điều tươi ở Bù Gia Mập, Đắk Ơ thường cao hơn các xã khác trong huyện 1.000 đồng/kg, cao hơn thị xã Đồng Xoài, huyện Đồng Phú và cao hơn bình quân cả tỉnh 2.000 đồng/kg.
NÔNG DÂN VẪN PHẢI “NẮM ĐẰNG LƯỠI”
Chúng tôi ghé thăm trang trại của “vua” trồng điều Võ Hùng Chiến ở thôn Khắc Khoan, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập). Ông Chiến có 115 ha và hơn 10 năm gắn bó với cây điều. Ông nói nhờ trời thương không mưa trái mùa nên năng suất vườn điều của gia đình tăng khoảng 15-20% so năm 2013. Tuy nhiên, sản lượng điều tăng không bù được giá điều giảm.
Ông Chiến bức xúc: “Không phải mùa điều này mà năm nào vào chính vụ giá điều cũng rớt 3.000-4.500 đồng/kg so với đầu vụ. Nhưng năm nay giá rớt sâu hơn và hầu như nông dân không ai có điều để bán ở mức giá 27 ngàn đồng/kg”.
Năm 2013, đầu mùa điều gia đình ông bán được 24-25 ngàn đồng/kg, chính vụ 23 ngàn đồng/kg, cuối vụ 21 ngàn đồng/kg. Những năm trước giá giảm doanh nghiệp (DN) lấy lý do có mưa trái mùa nên điều xuống màu, tỷ lệ nhân giảm, và không còn sáng, chắc như đầu mùa.
Riêng năm nay, mùa điều đến muộn hơn 1 tháng, không có mưa trái mùa, chính vụ cũng là lứa bông đầu tiên nên chất lượng hạt sáng đẹp, tròn đầy, nhưng DN lại cho giá rớt nhanh, rớt mạnh. Các đại lý giải thích: Do DN lớn chưa “ăn hàng”. Điều tươi hằng ngày do DN niêm yết giá và đại lý thu mua theo giá đó.
Đã vào chính vụ, nhưng khác với những năm trước, mùa điều này trên suốt tuyến đường ĐT.741 từ Phú Văn, Đức Hạnh, Phú Nghĩa đến Bù Gia Mập, chỉ thấy xe trọng tải 1,5-3,5 tấn đi mua điều. Ông Chiến cho biết đây là xe của các DN nhỏ và đại lý. Các DN lớn thường dùng xe trên 30 tấn hoặc xe container thu gom điều. Và năm nay cũng như nhiều năm gần đây không hề xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán.
Vào mùa thu hoạch, đa số nông dân thu đến đâu bán đến đó để trang trải cuộc sống và trả tiền ứng trước phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tiêu dùng trong năm, dù giá cao hay thấp. Hơn nữa, trong 3 năm liên tiếp, những hộ có điều kiện kinh tế khá nhờ cao su được giá, cất trữ điều đều bị lỗ nên ít ai “liều” phơi điều chờ giá.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng chiến lược phát triển ngành điều bền vững. Thế nhưng, DN và nông dân chưa xích lại gần nhau. Đặc biệt, nông dân luôn trong tình trạng “nắm đằng lưỡi” thì khó giữ được vùng nguyên liệu cho ngành điều.
Ông Võ Hùng Chiến:
Bình Phước là vùng trọng điểm cây điều nhưng chưa có DN nào hợp đồng mua điều thô trực tiếp với nông dân.
DN luôn cho rằng có gian lận thương mại pha trộn điều tạp... để ép giá điều thô, điều tươi của nông dân Bình Phước. Thế nhưng 10 năm qua, chỉ thấy DN kêu giảm giá thu mua, còn các cơ quan chức năng chưa bắt được vụ gian lận thương mại nào để công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng!
Kỹ sư Trần Ngọc Kinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết:
Năng suất bình quân hạt điều tươi của Bình Phước năm 2013 là 0,97 tấn/ha. Năm 2014 khả năng sản lượng tăng khoảng 10-15%. Tuy nhiên, với giá hiện nay, trừ chi phí, người trồng điều giỏi và được mùa cũng chỉ thu về khoảng 20 triệu đồng/ha.
GIÁ ĐIỀU THÔ BAO NHIÊU THÌ PHÙ HỢP?
Dự báo năm 2014, sản lượng điều cả nước có thể tăng 10-15% so năm 2013. Theo tính toán của Hiệp hội Điều Việt Nam, với giá điều nhân xuất khẩu hiện nay, thì giá điều tươi thu mua của nông dân khoảng 25 ngàn đồng/kg là phù hợp.
Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 264 ngàn tấn điều nhân, kim ngạch 1,66 tỷ USD, tăng hơn 19% về lượng và gần 13% về giá trị so năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điều gần 1,9 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm
Cua đồng có giá trị dinh dưỡng cao, là món ăn phổ biến dân dã. Hiện nay, do khai thác quá mức và không có ý thức bảo vệ, tái tạo nên cua đồng trong tự nhiên ngày càng khan hiếm.
Theo thống kê, hiện toàn xã Nâm N’đir (Krông Nô) có 1.590 hộ dân, với trên 7.000 khẩu, trong đó người Dao chiếm hơn một nửa. Với bản chất cần cù, lại chịu khó học hỏi nên nhiều hộ gia đình sớm ổn định sản xuất, đời sống ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.
Thay vì bán cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, nhiều nông dân tại ĐBSCL hiện đang chuyển sang nuôi cá tra để cung ứng cho thị trường nội địa với lợi nhuận ổn định và thu được “tiền tươi thóc thật”.
Trong khi tại các chợ ở trung tâm thành phố Long Xuyên (An Giang), cá linh đầu mùa giá cao, hút hàng thì tại các địa phương đầu nguồn, người nghèo đánh bắt nhỏ lẻ không tiêu thụ dễ dàng nguồn lợi "trời cho" này.
Ngày 29/7/2014, Công ty Điện lực Trà Vinh phối kết hợp với Phòng Công thương huyện Duyên Hải, UBND xã Long Vĩnh, Ngũ Lạc, Dân Thành và xã Đông Hải tiến hành bàn giao hướng tuyến và cọc mốc công trình cấp điện khu vực huyện Duyên Hải năm 2014.