Mối lo suy kiệt nguồn lợi thủy sản
Xu hướng trầm trọng hơn
Không phải cho tới bây giờ, vấn đề suy giảm NLTS mới được bàn thảo mà tình trạng này đã được nêu ra từ nhiều năm nay. Thế nhưng, mối lo về suy kiệt nguồn lợi tôm cá trong tự nhiên vẫn tiếp diễn và ngày càng có xu hướng trầm trọng hơn. Ông Phạm Văn Tình - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Dương than thở, khó khăn lớn nhất hiện nay trong quản lý, bảo vệ NLTS là tình trạng sử dụng xung điện đánh bắt cá vẫn còn tiếp diễn. Ngành thủy sản Hải Dương đã phối hợp với Cục Cảnh sát đường thủy tổ chức kiểm tra, rà soát thường xuyên các tuyến sông trên địa bàn nhưng hiệu quả chưa cao. Các đối tượng chủ yếu đánh bắt vào ban đêm, lại là hộ nghèo nên việc xử lý rất khó khăn. "Không chỉ thế, lác đác vẫn có trường hợp sử dụng hóa chất độc hại của Trung Quốc để đánh bắt, gây suy giảm NLTS nghiêm trọng" - ông Tình cho hay.
Tại Hà Nội, với diện tích hơn 30.000ha mặt nước nuôi trồng thủy sản và nhiều tuyến sông lớn chảy qua, việc bảo vệ NLTS càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Thách thức đầu tiên đến từ tình trạng ô nhiễm các tuyến sông như sông Đáy, Nhuệ, Tích... do chất thải từ các khu công nghiệp, làng nghề và nước thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, nhận thức của người nuôi trồng thủy sản trong bảo vệ môi trường ao nuôi cũng còn hạn chế. Một vấn nạn khác là các hình thức khai thác thủy sản trái phép như sử dụng kích điện vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Trong năm 2014, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 10 xã trên địa bàn TP và đều phát hiện tình trạng này. Một số xã đã bắt được 19 đối tượng sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản tại các vùng nước tự nhiên.
Thực tế, hiện nay, NLTS nội đồng và trên các tuyến sông, suối tự nhiên của Hà Nội, nhất là loài cá đặc sản như cá chày mắt đỏ đã bị giảm mạnh. Ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) đã phải thốt lên lo lắng: "Với mức suy giảm NLTS, nhất là thủy sản nội đồng như hiện nay, có thể 10 hoặc 20 năm nữa, con cháu chúng ta chỉ có thể nhìn thấy cá anh vũ trên tranh ảnh".
Thiếu kế hoạch dài hơi
Tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang thực sự là vấn đề nhức nhối tại nhiều vùng nuôi trồng thủy sản trọng điểm của TP vài năm trở lại đây. Dù vậy, điều mà người dân băn khoăn là cho tới nay, các ngành, cấp vẫn chưa có giải pháp đồng bộ, lâu dài để khắc phục tình trạng này. Ông Nguyễn Tiến Khánh - Bí thư Đảng ủy xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức đề nghị, T.Ư và TP cần có biện pháp xử lý mạnh hơn nữa đối với các cơ sở xả chất thải gây ô nhiễm môi trường sông, hồ. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ NLTS.
Ngoài ra, các địa phương cần có kế hoạch dài hơi từ công tác quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, tuyên truyền nâng cao nhận thức và xử lý dứt điểm các hành vi xâm hại tới NLTS.
Cùng với những hoạt động trên, việc thả cá giống ra môi trường tự nhiên, nhất là sông, suối, hồ nhằm bổ sung, tái tạo NLTS cũng là một trong những biện pháp quan trọng cần được duy trì thường xuyên. Thực hiện mục tiêu này, năm 2014, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã thả 1 tấn cá giống gồm các loại cá chày mắt đỏ, cá chép, cá trôi ra các sông, hồ tự nhiên. Tiếp đó, đầu tháng 6 này, Chi cục cũng đã tổ chức thả trên 13.200 con cá giống ra sông Đáy. Tuy nhiên để số cá giống này có thể sinh sôi phát triển, ông Hoàng Tiến Minh - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội đề nghị, UBND TP, Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ công tác tái tạo NLTS và chế phẩm sinh học để xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Có thể bạn quan tâm
Nhiều người dân ở các huyện Triệu Phong, Gio Linh và Cam Lộ (Quảng Trị) phản ánh về việc, trước đây họ ký kết hợp đồng với Công ty CP Tín Đạt Thành, có trụ sở tại TP Đông Hà trồng giống ngô Sugar 75 (người dân gọi là "ngô ngọt") sẽ được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Trong 30 năm trở lại đây, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã cho ra đời nhiều giống lúa cao sản ngắn ngày có phẩm chất tốt, năng suất cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo kết quả điều tra bước đầu, tại 13 tỉnh ĐBSCL có trên 60 công ty đang tổ chức sản xuất, kinh doanh các giống lúa OM của Viện Lúa ĐBSCL, góp phần thương mại hóa khâu giống, đưa giống lúa đến tay nông dân.
Ngày 26/5, tại xã An Hải (huyện Tuy An), Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên phối hợp với địa phương tiến hành tiêu hủy 5 sào sắn nhiễm rệp sáp bột hồng. Theo kế hoạch, từ nay đến ngày 29/5, ngành chức năng tiếp tục tiêu hủy 10 sào sắn tại xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa), Krông Pa (huyện Sơn Hòa).
Vụ ĐX 2014 - 2015, Trung tâm KN-KN Quảng Nam phối hợp với Cty TNHH Hạt giống CP Việt Nam và Trạm KN-KN huyện Nông Sơn triển khai mô hình trình diễn giống ngô lai CP 888 và CP 333.