Giá cau tươi nhảy vọt
Mua bán cả cau non
Đến các miền quê xứ Quảng vào những ngày này rất dễ chứng kiến cảnh nhộn nhịp thu mua cau tươi.
Ở TP.Hội An, việc thu mua trái cau diễn ra từ sáng sớm đến tối mịt, nhiều nhất là ở các xã Cẩm Thanh và phường Cẩm Nam.
Ông Ngô Rí (khối phố Xuyên Trung, phường Cẩm Nam) cho biết, năm nay cau tươi rất được giá, tăng hơn 10 lần so với mọi năm.
Do có nhu cầu lớn nên thương lái lùng sục đến các thôn, xóm trên địa bàn để thu mua cau tươi.
“Nếu như năm trước, gia đình tôi bán 1kg cau tươi chỉ được 2 nghìn đồng thì nay đã tăng lên 24 nghìn đồng.
Nhiều người hỏi mua cả cau non nhưng chúng tôi không bán vì sợ ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây cau” - ông Rí nói.
Người dân bán cau tươi.
Ở các huyện, thành phố phía bắc của tỉnh, việc thu mua cau diễn ra rầm rộ ở các thị xã Điện Bàn, Duy Xuyên. Người mua cau chạy xe máy khắp khu phố cũng như thôn xóm, lùng sục mua cau tươi.
Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết, cây cau được trồng các vùng nông thôn trên địa bàn, từ Duy Nghĩa, Duy Hải cho đến Duy Vinh, Duy Thu, Duy Phú.
Mặc dù phát triển tự phát theo kiểu nhà nào có vườn rộng thì tận dụng trồng.
Theo ghi nhận, trái cau loại tốt (không già cũng không non) có giá 24 nghìn đồng/kg, còn với cau non người dân bán được giá 13 nghìn đồng/kg.
“Cây cau chủ yếu được trồng trong vườn nhà nên không ảnh hưởng xấu đến các cây trồng chủ lực như lúa, bắp hay rau, hoa màu khác. Huyện khuyến khích trồng cau trên địa bàn vì tạo cảnh quan thân thiện vừa có thêm nguồn thu nhập cho các nông hộ” - ông Văn Bá Năm nói.
Ở huyện miền núi Tiên Phước, người dân phấn khởi vì năm nay cau được mùa lại được giá. “Rất may là gia đình chúng tôi đã không chạy theo “phong trào” chặt bỏ cây cau để trồng keo lai diễn ra rầm rộ từ 5 năm nay. Năm nay cau được mùa lại rất được giá, mình bán vài trăm ký thu được hơn 10 triệu đồng” - bà Ngô Thị Thuận (thôn 5, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước) nói.
Nhu cầu xuất khẩu
Khuyến khích trồng cau
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Sự - Chủ tịch HĐND TP.Hội An cho biết, địa phương rất khuyến khích người dân trên địa bàn trồng cây cau.
“Chủ trương của Hội An là xây dựng thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. Cây cau trong vườn sẽ là điểm nhấn của thành phố sinh thái. Hiện tại, phường Cẩm Nam đã được định hướng xây dựng điểm vườn sinh thái với cây cau là chủ đạo.
Qua phổ biến, tôi nhận thấy người dân rất hưởng ứng. Xã Cẩm Thanh cũng đã tuyên truyền rộng rãi trong người dân về việc sắp xếp các khu vườn sinh thái với đối tượng chủ lực là cây cau. Các homestay, khách sạn cũng phải bố trí trồng cau, dừa tạo cảm giác thu hút, yên lành cho du khách” - ông Nguyễn Sự nói.
Bà Nguyễn Thị Sáu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết, do đầu ra không đảm bảo, cau rớt giá nên diện tích trồng cau trên địa bàn đã giảm xuống quá nhiều trong vòng 5 năm qua, từ 90ha xuống còn khoảng 50ha. Bởi vậy, địa phương đang khuyến khích người dân trồng cau bằng cách hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.
Để tìm hiểu rõ hơn vì sao trái cau tươi lại được giá đột ngột ở thời điểm này, chúng tôi có mặt ở cơ sở chế biến cau tươi của gia đình ông Lê Minh Thuận (thôn 6, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước).
Đây là “đầu não” thu mua cau tươi, không chỉ ở riêng huyện Tiên Phước mà cả khắp huyện, thành trong cả tỉnh. Ông Thuận cho biết, cau tươi được giá vì có nhu cầu rất lớn.
“Từ giữa năm đến nay, trung bình mỗi tháng gia đình chúng tôi xuất sang thị trường Trung Quốc 60 tấn cau khô. Để có khối lượng hàng như vậy, chúng tôi phải thu mua được 20 tấn cau tươi mỗi ngày.
Cau tươi sau khi luộc 3 tiếng đồng hồ sẽ được vớt ra để đưa vào lò hấp. Sau 5 ngày hấp, khi cau có độ săn chắc ổn định sẽ được vớt ra, đóng gói, xuất thẳng sang thị trường Trung Quốc” - ông Thuận nói.
Hiện tại, cơ sở sơ chế cau của gia đình ông Thuận có 30 lao động thường trực trong ngày để thực hiện các công đoạn kể trên.
Cách đây khoảng 5 năm, xuất khẩu cau tươi gặp khó do những rào cản phía Trung Quốc đặt ra, cơ sở này hoạt động cầm chừng. Thời điểm này, Trung Quốc rất cần cau để chế biến kẹo nên nghề này ăn nên làm ra.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) và một số ít nơi khác của TP.Đà Nẵng cũng tồn tại nghề hấp cau để xuất bán trực tiếp sang Trung Quốc.
Chủ các cơ sở này là người từ các tỉnh, thành phía Bắc vào thuê lại đất, mở cơ sở sản xuất. Tính cạnh tranh cao do nguồn cung khan hiếm trong thời gian gần đây đã khiến giá cau tươi nhích dần từng ngày.
Hiện tại, giá “đỉnh” của cau tươi là 30 nghìn đồng/kg (cau có cỡ 42 trái/kg). Khi được hỏi tại sao có sự chênh lệch khá lớn giữa cau non và cau thường thì ông Thuận cho biết:
“Sở dĩ cau non được thu mua vì khối lượng cau thường không đủ cung ứng. Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ chỉ thu mua cau non khi đã hết nguồn cung cau bình thường. Giá cả chênh lệch của 2 loại cau tươi này trung bình là 17 nghìn đồng/kg”.
Ông Thuận cho biết, cau non rất khó bảo quản trong quá trình vận chuyển từ Quảng Nam sang Trung Quốc.
Tuy vậy, cau non khi được chế biến thành kẹo có vị ngon ngọt không hề thua kém so với loại cau bình thường.
“Chúng tôi kinh doanh thu lợi thì cũng phải chú ý đến quyền lợi của nông dân. Các chủ sơ chế cau từ các tỉnh, thành phía Bắc đến thu mua tại đây có nhiều thuận lợi hơn mình về đầu ra nên đã nhiều lần hạ giá mua cau tươi.
Bây giờ tình thế đã có chuyển biến khác nên chúng tôi chủ động nâng giá cau tươi để có lợi hơn cho người dân địa phương” - ông Thuận nói.
Còn khi được hỏi liệu cau tươi có còn là nhu cầu lớn trong thời gian đến và giá cau có thể sẽ tăng thêm không thì ông Thuận cho biết, giá cau tươi đã đạt đỉnh vào thời điểm hiện tại, giá cau có tăng thêm hay không lại phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tuy vậy, gia đình sẽ tiếp tục mở rộng xuất khẩu cau khô và sẽ thu mua cau tươi với giá ổn định, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho các nông hộ trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 14/1/2015, UBND tỉnh Quảng Trị ra Quyết định số 65/QĐ-UB về việc công nhận 3 xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Thạch và Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới năm 2014. Đây cũng là 3 đơn vị đầu tiên của tỉnh Quảng Trị về đích sớm hơn so với lộ trình đăng ký thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (CT MTQG XD NTM).
Từ một nước nghèo đói, không đủ gạo ăn, hơn 20 năm qua, với những quyết sách mạnh mẽ và thuận lợi về thị trường, “hạt ngọc Việt” đã chuyển mình, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mang lại giá trị gia tăng lớn cho nền kinh tế.
Trước những biến động bất lợi của thị trường toàn cầu, CLB G20 vừa tổ chức cuộc họp “khẩn” nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường XK, nâng giá trị cho hạt cà phê VN.
Hiện nay nông dân các xã Mỹ Qúy, Đốc Binh Kiều và Phú Điền, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) đang thu hoạch mè vụ hè thu, với giá bán khá cao.
Từ đầu năm 2015 đến nay, giá tôm ở ĐBSCL liên tục sụt giảm, đặc biệt tôm thẻ chân trắng (TCT), hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.