Gia Cầm Chết Hàng Loạt Ở Phú Yên
Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, ở các xã Xuân Phước, Xuân Quang 3 (Đồng Xuân - Phú Yên) liên tục xảy ra tình trạng gà, vịt chết hàng loạt. Khác với các đợt dịch trước, đợt này nhiều gia đình bị sạch chuồng, thiệt hại kinh tế không nhỏ.
Đầu giờ buổi sáng, khi cho vịt ăn, bà Huỳnh Thị Ngọ ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) sững người khi thấy 2.000 con vịt ăn không hết một nửa trong số 4 bao cám như thường lệ. Đến chiều, khi 20 con vịt lăn ra chết, bà vội đi mua thuốc rồi gọi cán bộ thú y đến tiêm, nhưng mấy ngày sau đó, đàn vịt vẫn có trên 100 con chết. “Tiền mua thuốc ngốn hết 30 triệu đồng, đã vậy ngày đầu đàn vịt đẻ giảm xuống chỉ còn 1.000 trứng (bình quân đàn vịt 2.000 con, đẻ 1.800 trứng), sau đó ngưng bặt. Tính ra đợt dịch này, gia đình lỗ gần 80 triệu đồng”, bà Ngọ nói.
Trước đó, đàn vịt gần 2.000 con của ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng ở thôn Phước Nhuận đang nuôi thả ở xã Xuân Phước (Đồng Xuân) bị bệnh chết sạch. Thời điểm áp Tết Giáp Ngọ, hồ chứa nước Phú Xuân cắt nước nên xác vịt nằm lại dưới lòng kênh. Đàn vịt của bà Ngọ ở cạnh đó nên bị lây bệnh.
Trại gà của ông Mạnh Văn Hòa ở thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3) chuyên nuôi gà nòi lai cũng bị dịch tấn công. Chưa đầy nửa tháng, đàn gà gần 100 con của ông chết không còn một con. Ông Hòa than vãn: “Khi phát hiện gà bệnh, tôi lấy rượu rít (con rít ngâm rượu) cho gà uống, trước đây qua khỏi nhưng lần này thì không.
Gà liên tục chết nên tôi vội đem số còn lại lên nhà ngoại ở xã Xuân Phước gửi, nhưng gà vẫn lăn ra chết. Mấy lần dịch trước, gà rừng lai không ảnh hưởng, thế nhưng lần này trong đàn gà của tôi có 2 con gà rừng cũng không còn”. Cũng theo ông Hòa, trung bình mỗi con gà nòi lai nặng gần 2kg, giá bán hiện nay trên 100.000 đồng/con, đợt dịch vừa qua ông mất gần 10 triệu đồng.
Dịch bệnh trên đàn gà còn lây lan qua thôn Phước Nhuận. Nhà bà Trương Thị Hương nuôi gần 20 con gà thả vườn, trước tết số gà đi ăn bỗng lăn ra chết, gà mái ấp trong ổ cũng nằm gục đầu chết tại chỗ, gà con mới nở cũng chết theo. “Khi gà bị bệnh, tôi tính đi mua thuốc về tiêm nhưng chai thuốc 100 liều thì phải mua nguyên chai, trong khi đàn gà chỉ có 20 con, mua lẻ họ không bán nên thôi. Cả xóm này, gà nhà ai cũng chết sạch”, bà Hương cho biết.
Ông Phạm An Vương, cán bộ thú y xã Xuân Quang 3 cho hay: “Bệnh xảy ra trên đàn gà là bệnh gà rù, còn bệnh trên đàn vịt vừa qua chúng tôi đã kiểm tra là bệnh đường ruột. Cả 2 loại bệnh này là do vi rút nên lây lan rất nhanh, nhưng chỉ có thuốc tiêm phòng, không có thuốc trị.
Công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm ở đây gặp rất nhiều khó khăn do người dân không chịu tiêm phòng. Các đợt tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng… cho bò, heo cán bộ thú y đến tận nhà để chủng ngừa nhưng người chăn nuôi không cho tiêm. Chúng tôi đã lập danh sách bảo họ ký xác nhận để sau này có bùng phát dịch không đổ thừa cho cán bộ thú y thì họ không ký mà còn bảo: bò tôi bệnh, tôi chịu!”.
Sở NN-PTNT vừa chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường công tác kiểm dịch giết mổ gia cầm và kiểm dịch vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đơn vị này phải phối hợp với UBND các địa phương thực hiện thật tốt đợt tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Có thể bạn quan tâm
Vườn của ông Quảng rộng 1 mẫu, với khoảng 200 gốc ổi và 100 gốc nhãn. Điều đặc biệt là ông chỉ trồng cây cho quả trái vụ. Theo ông Quảng, “quả trái vụ luôn được giá và không bao giờ lo ế”.
Đó là khuyến cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT Bình Tân (Vĩnh Long) sau khi tìm hiểu nguyên nhân làm năng suất vụ khoai lang năm 2013 đã giảm từ 10 - 15 tạ/công là do nông dân thường chọn khoai giống không đạt tiêu chuẩn và không xử lý dây giống trước khi trồng.
Sáng ngày 7/5 tại Nông trường Suối Giai thuộc 2 xã Phước Sang, Tân Hiệp, huyện Phú Giáo, Công ty Cổ phần Đường Bình Dương đã làm lễ động thổ Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung ứng dụng công nghệ cao với tổng mức đầu tư 215,4 tỷ đồng, trên diện tích 471,86 ha.
Từ trồng 3 vụ lúa nếp/năm, mấy năm gần đây, Hiệp Xương (huyện Phú Tân, An Giang) đã chuyển hơn 150ha sang trồng 2 vụ lúa nếp và 1 vụ trồng rau muống lấy hạt.
Cũng như nhiều người nuôi tôm khác ở đồng bằng sông Cửu Long, anh Huỳnh Chí Thanh ngụ tại xã Tân Dân, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau rất lo lắng trước tình hình dịch bệnh trên tôm bùng phát và gây thiệt hại. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến do ngành nông nghiệp tỉnh triển khai thì những lo lắng đó không còn nữa.