Gia Cầm Chết Hàng Loạt Ở Phú Yên

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, ở các xã Xuân Phước, Xuân Quang 3 (Đồng Xuân - Phú Yên) liên tục xảy ra tình trạng gà, vịt chết hàng loạt. Khác với các đợt dịch trước, đợt này nhiều gia đình bị sạch chuồng, thiệt hại kinh tế không nhỏ.
Đầu giờ buổi sáng, khi cho vịt ăn, bà Huỳnh Thị Ngọ ở thôn Phước Nhuận, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân) sững người khi thấy 2.000 con vịt ăn không hết một nửa trong số 4 bao cám như thường lệ. Đến chiều, khi 20 con vịt lăn ra chết, bà vội đi mua thuốc rồi gọi cán bộ thú y đến tiêm, nhưng mấy ngày sau đó, đàn vịt vẫn có trên 100 con chết. “Tiền mua thuốc ngốn hết 30 triệu đồng, đã vậy ngày đầu đàn vịt đẻ giảm xuống chỉ còn 1.000 trứng (bình quân đàn vịt 2.000 con, đẻ 1.800 trứng), sau đó ngưng bặt. Tính ra đợt dịch này, gia đình lỗ gần 80 triệu đồng”, bà Ngọ nói.
Trước đó, đàn vịt gần 2.000 con của ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng ở thôn Phước Nhuận đang nuôi thả ở xã Xuân Phước (Đồng Xuân) bị bệnh chết sạch. Thời điểm áp Tết Giáp Ngọ, hồ chứa nước Phú Xuân cắt nước nên xác vịt nằm lại dưới lòng kênh. Đàn vịt của bà Ngọ ở cạnh đó nên bị lây bệnh.
Trại gà của ông Mạnh Văn Hòa ở thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3) chuyên nuôi gà nòi lai cũng bị dịch tấn công. Chưa đầy nửa tháng, đàn gà gần 100 con của ông chết không còn một con. Ông Hòa than vãn: “Khi phát hiện gà bệnh, tôi lấy rượu rít (con rít ngâm rượu) cho gà uống, trước đây qua khỏi nhưng lần này thì không.
Gà liên tục chết nên tôi vội đem số còn lại lên nhà ngoại ở xã Xuân Phước gửi, nhưng gà vẫn lăn ra chết. Mấy lần dịch trước, gà rừng lai không ảnh hưởng, thế nhưng lần này trong đàn gà của tôi có 2 con gà rừng cũng không còn”. Cũng theo ông Hòa, trung bình mỗi con gà nòi lai nặng gần 2kg, giá bán hiện nay trên 100.000 đồng/con, đợt dịch vừa qua ông mất gần 10 triệu đồng.
Dịch bệnh trên đàn gà còn lây lan qua thôn Phước Nhuận. Nhà bà Trương Thị Hương nuôi gần 20 con gà thả vườn, trước tết số gà đi ăn bỗng lăn ra chết, gà mái ấp trong ổ cũng nằm gục đầu chết tại chỗ, gà con mới nở cũng chết theo. “Khi gà bị bệnh, tôi tính đi mua thuốc về tiêm nhưng chai thuốc 100 liều thì phải mua nguyên chai, trong khi đàn gà chỉ có 20 con, mua lẻ họ không bán nên thôi. Cả xóm này, gà nhà ai cũng chết sạch”, bà Hương cho biết.
Ông Phạm An Vương, cán bộ thú y xã Xuân Quang 3 cho hay: “Bệnh xảy ra trên đàn gà là bệnh gà rù, còn bệnh trên đàn vịt vừa qua chúng tôi đã kiểm tra là bệnh đường ruột. Cả 2 loại bệnh này là do vi rút nên lây lan rất nhanh, nhưng chỉ có thuốc tiêm phòng, không có thuốc trị.
Công tác tiêm phòng trên đàn gia súc, gia cầm ở đây gặp rất nhiều khó khăn do người dân không chịu tiêm phòng. Các đợt tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng… cho bò, heo cán bộ thú y đến tận nhà để chủng ngừa nhưng người chăn nuôi không cho tiêm. Chúng tôi đã lập danh sách bảo họ ký xác nhận để sau này có bùng phát dịch không đổ thừa cho cán bộ thú y thì họ không ký mà còn bảo: bò tôi bệnh, tôi chịu!”.
Sở NN-PTNT vừa chỉ đạo Chi cục Thú y tăng cường công tác kiểm dịch giết mổ gia cầm và kiểm dịch vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đơn vị này phải phối hợp với UBND các địa phương thực hiện thật tốt đợt tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Related news

Nghiệp đoàn sẽ giúp các ngư dân yên tâm kiên trì bám biển, tạo nên sức mạnh giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau mỗi khi gặp khó khăn trên biển và góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Nhằm đẩy mạnh công tác sản xuất giống, tuần qua, Sở NNPTNT TP.HCM đã mời 15 doanh nghiệp sản xuất giống hàng đầu lên trao đổi về việc thành phố sẽ tổ chức chuyến tham quan cho các doanh nghiệp sang Hà Lan học tập các mô hình công nghệ sinh học và nghiên cứu giống.

Các hoạt động kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất và đơn vị tiêu thụ đã trở thành thế mạnh của TP.HCM khi sau 3 năm thực hiện, chương trình được nhiều tỉnh, thành ủng hộ, cùng tham gia.

Đặc biệt, Big C đã chấp nhận bù lỗ phí vận chuyển giúp giảm giá thành bán ra, mở rộng cơ hội mua hàng đến với đông đảo người tiêu dùng cũng như giúp gia tăng lượng tiêu thụ. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía người tiêu dùng, mang lại lợi ích thiết thực giúp nông dân Đà Lạt vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Tính chung trong vòng 10 tháng, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã đạt 1,49 triệu tấn thu về hơn 3,1 tỷ USD tăng 37,1% về khối lượng và và 33,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là các quốc gia nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với thị phần lần lượt là 13,6% và 9,8%.