Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ghi Nhận Ở Một Gia Trại Nuôi Thỏ

Ghi Nhận Ở Một Gia Trại Nuôi Thỏ
Ngày đăng: 13/10/2014

Trước khi đến với nghề nuôi thỏ, ông Nguyễn Hồng Phú, ở thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn (Bình Định) từng lăn lộn với nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Khi được giới thiệu mô hình nuôi thỏ, ông đã bỏ công sức tìm hiểu thị trường, nghiên cứu kỹ thuật nuôi và quyết định làm giàu từ thỏ.

Tính đến nay, ông Phú đã trải qua hơn 7 năm gắn bó với thỏ và cũng nhờ nuôi thỏ mà gia đình ông đã hết khó khăn, có thu nhập khá.

Ông Phú kể: “Ban đầu tôi chỉ đóng 2 chuồng, mua 2 cặp thỏ giống để nuôi thử. Sau một thời gian, thấy thỏ phát triển tốt, ít dịch bệnh, khâu chăm sóc tương đối nhẹ nhàng và thị trường đang chuộng nên tôi quyết định đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, nuôi với số lượng lớn hơn”.

Hiện tại, quy mô gia trại nuôi thỏ của ông có diện tích gần 200 m2, nuôi 80 con thỏ cái đẻ, 8 con thỏ đực giống. Mỗi tháng ông xuất chuồng khoảng 80 - 100 con thỏ giống và gần 250 kg thỏ thịt, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 15 triệu đồng.

Chia sẻ về những khó khăn ban đầu, ông Phú cho biết: Do chưa nắm vững kỹ thuật nên những lứa đầu tiên thỏ hơi chậm lớn, sinh sản không đều và hay mắc bệnh tiêu chảy. Trong quá trình vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, tôi nhận thấy quan trọng nhất là phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tiêm phòng dịch bệnh, cho ăn đúng bữa, đủ chất dinh dưỡng, ngoài các loại rau thì cho thỏ ăn thêm gạo lứt trộn thêm ít cám, cung cấp nước uống đầy đủ.

Nếu đảm bảo được các khâu này, thỏ con sẽ lớn nhanh còn thỏ mẹ thì sinh sản đều đặn. Ngoài ra, việc cất chuồng trại cũng phải đúng kỹ thuật, nền bằng xi măng, cách mặt đất khoảng 50 cm, các dãy chuồng cách nhau 1 m để thuận tiện trong việc chăm sóc và làm vệ sinh.

Những năm gần đây, thị trường tiêu thụ thịt thỏ ngày càng mở rộng, bên cạnh bán con giống, ông Phú còn tận tình truyền đạt kinh nghiệm cho bà con có nhu cầu nuôi thỏ. Ông cho biết thêm: Nuôi thỏ là một công việc không tốn nhiều sức lao động nhưng thu nhập lại cao, phù hợp với nhiều người.

Thỏ là loài vật ưa sạch sẽ, nên để thỏ phát triển tốt, không bị dịch bệnh, hàng ngày phải thường xuyên dọn vệ sinh, phun thuốc khử độc sát trùng định kỳ 1 lần/tuần, tiêm phòng bệnh và theo dõi phân thỏ thải ra để phát hiện bệnh tiêu chảy, điều trị kịp thời.

Ông Phạm Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Tân, chia sẻ: Gia trại nuôi thỏ của ông Phú là một trong những mô hình làm kinh tế nông thôn đạt hiệu quả cao và phù hợp với điều kiện của địa phương. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tổ chức cho hội viên tham quan, học hỏi mô hình này để nhân rộng, nhằm giúp bà con tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.


Có thể bạn quan tâm

Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Ong Lấy Mật Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Ong Lấy Mật

Xã Tân Công Sính (huyện Tam Nông - Đồng Tháp) có kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Ngoài việc đồng áng, nhiều phụ nữ còn thời gian nhàn rỗi. Nhằm tạo thêm việc làm, năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tư vấn giới thiệu mô hình nuôi ong cho các chị phụ nữ trong xã.

11/04/2013
Cơ Hội Để Nông Dân Nâng Cao Thu Nhập Cơ Hội Để Nông Dân Nâng Cao Thu Nhập

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp (GĐLH) đã giúp nông dân nâng cao chất lượng lúa gạo, tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí trong khâu thu hoạch. Song, do máy gặt đập liên hợp phun rơm ra đồng ruộng trên diện rộng, khó thu gom sử dụng cho các mục đích sản xuất khác nên nguồn rơm này hầu như bị bà con nông dân bỏ phí hoặc đốt bỏ tại đồng gây ô nhiễm môi trường. Cách làm gây lãng phí này đang được ngành nông nghiệp TP Cần Thơ quan tâm tìm cách giải quyết.

30/10/2013
Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Tôm Sinh Thái, Bền Vững Ở Đông Hải (Bạc Liêu) Nhân Rộng Mô Hình Nuôi Tôm Sinh Thái, Bền Vững Ở Đông Hải (Bạc Liêu)

Để chủ động ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của một huyện vùng ven biển, năm 2012, Đông Hải (Bạc Liêu) đã tập trung phát triển nhiều mô hình sản xuất trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến kết hợp. Đồng thời, thực hiện phương châm nuôi trồng đa con gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

12/04/2013
Thanh Long Ruột Đỏ Bén Rễ Trên Đất Thủ Đô Thanh Long Ruột Đỏ Bén Rễ Trên Đất Thủ Đô

Từ một hộ trồng thanh long ruột đỏ (TLRĐ), đến nay Hà Nội đã có hàng chục hộ trồng, với diện tích hơn 30ha, thu nhập đạt gần 200 triệu đồng/ha/năm. Cây TLRĐ đã và đang dần khẳng định thế đứng trên đất Thủ đô.

12/04/2013
Chủ Động Dập Dịch Lợn Tai Xanh Ở Thái Bình Chủ Động Dập Dịch Lợn Tai Xanh Ở Thái Bình

Tỉnh Thái Bình đang tập trung chỉ đạo dập dịch lợn tai xanh tại 2 xã Vũ Hòa (huyện Kiến Xương) và Vũ Vân (huyện Vũ Thư). Hiện tình hình dịch bệnh tai xanh trên địa bàn 2 xã này bước đầu được khống chế, số lợn bị ốm cơ bản đã được chữa trị kịp thời và đang dần hồi phục.

13/04/2013