GĐ trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi bịt mặt tiếp đoàn thanh tra
Giám đốc công ty Trường Phú bịt kín mặt khi bị phát hiện và công bố sử dụng chất cấm.
Ngày 16.11, ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NNPTNT) cho biết, sau khi lấy 8 mẫu sản phẩm thức ăn chăn nuôi (TACN) của Công ty TNHH TACN Trường Phú ở 28/60 Nguyễn Lương Bằng (TP.Hải Dương) đã có 7 mẫu nhiễm chất cấm Salbutamol, trong đó có mẫu vượt ngưỡng tới 60 lần (3.703 ppb).
Cũng trong ngày 16.11, đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ NNPTNT, Cục Cảnh sát môi trường (C49) đã đọc kết quả kiểm nghiệm cho doanh nghiệp, đồng thời tiến hành niêm phong toàn bộ các sản phẩm tại Cơ sở sản xuất của công ty Trường Phú.
“Theo quy định tại Thông tư mới nhất vừa được ban hành trong ngày 16.11 của Bộ NNPTNT thì doanh nghiệp Trường Phú sẽ bị xử lý với hai hành vi vi phạm, mỗi hành vi bị xử phạt 140 triệu đồng và tổng tiền phạt là 280 triệu đồng.
Ngoài ra, công ty này còn phải chịu mức xử phạt bổ sung, đình chỉ sản xuất 1 tháng.
Các cơ quan quản lý cũng yêu cầu Công ty Trường Phú phải có trách nhiệm thu hồi toàn bộ các sản phẩm đã cung ứng ra thị trường trong thời gian qua để tiến hành tiêu hủy”, ông Phạm Tiến Dũng nói.
Trước đó như PV đã thông tin, Công ty Trường Phú bị các cơ quan chức năng phát hiện sử dụng chất vàng ô (nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc) vào ngày 12.11.
Khi bị bắt quả tang trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi, Công ty Trường Phú đã trộn vào TACN chất vàng ô tỉ lệ 200g/tấn và khai nhận mua ở phố Hàng Buồm (Hà Nội).
Tại đây hiện vẫn còn 2 thùng chất vàng ô đang dùng chưa hết, và một thùng chất tạo màu vàng khác là Auramine, mỗi thùng chứa được 30kg. Tuy nhiên, Công ty Trường Phú đã sử dụng gần hết 2 thùng, số lượng còn lại là 14kg chất vàng ô.
Cơ sở sản xuất của ông Thênh đã hoạt động từ tháng 6.2015 và không có biển hiệu, không có phòng lạnh, phòng phân tích, không có kho chứa sản phẩm đầu vào, đầu ra, mùi ẩm mốc nồng nặc…
Đại diện C49 nhận định cơ sở không đảm bảo điều kiện sản xuất TACN. Tuy nhiên, cơ sở này vẫn sản xuất khoảng hơn 100 tấn/tháng cung ứng cho các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Giang…
Ngày 12.11, các cơ quan chức năng đã lấy 8 mẫu TACN (trong đó có 3 mẫu tại doanh nghiệp Trường Phú, 5 mẫu tại đại lý của công ty này) đi kiểm nghiệm và kết quả cho thấy, có 7 mẫu TACN nhiễm chất cấm Salbutamol, trong đó lần đầu tiên phát hiện mẫu TACN nhiễm chất cấm gấp 75 lần cho phép là 3.703ppb (theo quy định tại Thông tư 57 của Bộ NNPTNT đối với TACN là 50ppb và với nước tiểu lợn là 2ppb).
“Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Bộ NNPTNT đã phối hợp với C49 tiến hành kiểm tra 15 doanh nghiệp sản xuất TACN trên toàn quốc, trong đó phát hiện 7 doanh nghiệp vi phạm về sử dụng chất cấm và chất vàng ô trong sản xuất TACN, xử phạt gần 2 tỷ đồng.
Riêng khu vực phía Bắc có 3 doanh nghiệp là Công ty Thiên Tôn (Hải Dương) sử dụng phẩm màu công nghiệp bị xử phạt 120 triệu đồng;
Công ty Vinmak (Bắc Giang) sử dụng cả chất Salbutamol và vàng ô bị xử phạt 170 triệu đồng; công ty Đại An Tín (Hải Dương) đang sử dụng và cất giữ 15kg chất Salbutamol bị xử phạt 140 triệu đồng” - ông Phạm Tiến Dũng thông tin thêm.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình nuôi cá lồng trên sông là phương thức chăn nuôi mới, cho giá trị và hiệu quả kinh tế cao được xã Vũ Ðoài (Vũ Thư - Thái Bình) chú trọng phát triển từ năm 2012. Vũ Ðoài có sông Hồng chảy qua, với đặc tính nước ngọt, lợ rất phù hợp và thuận lợi cho việc nuôi cá lồng, chủ yếu là giống cá diêu hồng, cá lăng và cá chép V1.
Ông Đặng Ngọc Giao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: “Việc đánh bắt thủy sản bằng xung điện là một cách khai thác phản khoa học, phá hủy sinh cảnh lâu dài, gây ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sản. Hệ quả của việc đánh bắt đó là phải mất nhiều năm mới phục hồi lại được môi trường thủy sinh”.
Việc nuôi vịt trong hồ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vì nước trong hồ Dầu Tiếng không chỉ dùng để cung cấp cho sản xuất nông nghiệp mà còn là nguồn nước tiêu dùng cho TP.Tây Ninh và một phần TP.Hồ Chí Minh.
Nhằm cung cấp thêm nguồn nguyên liệu sữa tươi cho các nhà máy của Vinamilk, cũng như nâng cao chất lượng đàn bò sữa, Công ty TNHH một thành viên Sữa Lam Sơn, thuộc Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk phấn đấu năm 2015 nhập khẩu thêm khoảng 900 con bò sữa về trang trại bò sữa Thanh Hóa 2 tại xã Phú Nhuận (Như Thanh), nâng quy mô đàn bò vắt sữa của trang trại lên hơn 2.000 con.
Từ tháng 10.2014 đến nay, giá heo ở Hoài Ân (Bình Định) bắt đầu sụt giảm nghiêm trọng. Hiện giá heo loại đẹp, nạc nhiều, trọng lượng từ 60kg - 70kg/con chỉ còn 42 ngàn đồng đến 43 ngàn đồng/kg; heo từ 80kg đến 1 tạ/con chỉ bán được với giá từ 34 ngàn đồng đến 35 ngàn đồng/kg.