Gầy Dựng Lại Mô Hình Nuôi Heo An Toàn Sinh Học
Đầu tư trang trại nuôi heo lớn kết hợp xây dựng hầm chứa biogas, rồi lại dùng gas chạy máy phát điện nghiền thức ăn, chiếu sáng, tắm heo… giúp tiết kiệm chi phí. Đó là cách làm của anh Lê Tấn Hải (thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn, An Giang) với mô hình nuôi heo an toàn sinh học (ATSH).
Năm 2007, do có nuôi heo từ trước, lại học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi khác, anh Hải đã mạnh dạn đầu tư làm trang trại nuôi heo ATSH. Thời điểm này, trang trại heo của anh Hải lớn nhất nhì tại thị trấn Ba Chúc, một năm xuất hai lứa heo gần 300 con. Trang trại heo được đầu tư khá kỹ lưỡng, phân thành hai khu riêng biệt, một bên nuôi heo lứa và một bên nuôi heo nái để bán heo con, cũng như chuẩn bị đàn heo dự phòng cho lứa kế tiếp.
Anh Hải trầm ngâm nhớ lại: “Khi heo có giá cao, trừ chi phí tôi lời vài trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng sau đó heo liên tục rớt giá, chi phí đầu tư cao nên chỉ phá huề đến lỗ chứ không lời”. Theo anh Hải, do không có kinh nghiệm nhiều, lại phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp, giá thức ăn cứ biến động liên tục, nên chuyện thua lỗ là không tránh khỏi.
Đến năm 2011, anh quyết định treo chuồng, bỏ nghề, nhưng có lẽ cái “duyên” với nghề vẫn theo anh nên đến đầu năm 2013, anh đã quyết định bắt đầu lại sự nghiệp của mình. Anh Hải cho biết, trong chuồng đang có hơn 80 con heo đang vào lứa xuất, 13 heo nái chuẩn bị sinh heo con, nguồn thức ăn dồi dào, không sợ thiếu và ảnh hưởng giá lên xuống vì anh trữ gần 50 tấn cám và bột cá, đủ để cung cấp cho hàng trăm con heo.
Anh Hải chia sẻ: “Mô hình nuôi heo ATSH là đầu tư hầm chứa biogas, tuân thủ quy trình tiêm chủng nghiêm ngặt, nên heo ít bệnh, ăn khỏe, chóng lớn. Đồng thời, không sử dụng kháng sinh, chất tạo nạc…”. Hệ thống chuồng trại được xây dựng thông thoáng, hệ thống biogas khép kín nên không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế mùi hôi. Hằng tháng, nhờ nguồn biogas dồi dào mà anh Hải tiết kiệm điện vận hành máy trộn thức ăn, hệ thống đèn chiếu sáng…
Anh Hải đang đầu tư mua thêm 6 chuồng nái CP (kiểu chuồng heo của Thái Lan, bên dưới có lỗ và hộc nhỏ, giúp heo con lọt xuống hộc khi được sinh ra) để chuẩn bị đàn heo nái tiếp theo. Ưu điểm của chuồng CP là heo con sinh ra không bị heo mẹ đè, độ ẩm thông thoáng nên heo con khỏe mạnh, ít bệnh. Ngoài ra, anh Hải còn hỗ trợ kỹ thuật cho những hộ chăn nuôi xung quanh, lúc thì chia liều thuốc, chia thức ăn với giá “hữu nghị”…
Tuy bước đầu còn nhiều khó khăn, nhưng với lứa heo đang phát triển tốt, giá heo ổn định, anh Hải kỳ vọng sẽ gầy dựng lại thành công với mô hình nuôi heo ATSH này.
Có thể bạn quan tâm
Tiêu biểu trong phong trào này là hộ bà Phan Thị No và bà Phan Thị Phơ. Hai bà không chỉ trồng các loại rau màu theo thời vụ mà còn trồng dưa hấu trên bờ bao vuông tôm. Mô hình này đã mang lại hiệu quả, giúp gia đình đón những mùa xuân sung túc.
Thực hiện Nghị quyết số 52 của HĐND tỉnh, tháng 4/2014, Chi cục Thủy sản tỉnh triển khai mô hình nuôi cá giống mới cho 50 hộ dân trên địa bàn, với tổng diện tích 40ha. Mô hình nuôi cá giống mới hỗ trợ 1,2 triệu con cá rô phi đơn tính giống Đường nghiệp và 40 nghìn cá chép lai ba máu cho các hộ nuôi.
Giống như mọi ngày, hôm nay, khi mặt trời vừa ló dạng, ông Bảy Khắc (Thái Văn Khắc, ấp Rạch Bần B, xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) thong thả tập kết thức ăn lên xuồng, bơi trên đầm cho tôm ăn. Vừa cho tôm ăn, ông đưa mắt nhìn những cánh quạt đang quay đều mà lòng đầy phấn khởi, hy vọng vụ tôm này sẽ thắng lợi như năm trước.
Trước yêu cầu này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá không liên quan đến đánh bắt, khai thác hải sản nên vẫn khuyến khích bà con, doanh nghiệp đầu tư, còn tàu đánh bắt xa bờ thì phải phát triển đúng quy hoạch để bảo tồn nguồn lợi thủy sản.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2014, vùng ĐBSCL có hơn 230 cơ sở sản xuất cá tra giống, trên 4.000 hộ ương dưỡng với diện tích hơn 2.250ha, sản lượng sản xuất được hơn 2,0 tỷ con cá giống. Ngoài ra, tính đến nay, tổng số cá tra bố mẹ chất lượng cao do viện II cung cấp cho các tỉnh đạt 105.423 con tuy nhiên tỷ lệ hao hụt khá cao lên đến 22%, một số địa phương tỷ lệ thất thoát cao như Vĩnh Long, An Giang.