Mô Hình Nuôi Chồn Lông Nhung
Thực hiện Đề án phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM xã Quang Lộc ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã tăng cường vận động nhân dân du nhập thêm những đối tượng nuôi mới. Nuôi chồn nhung là mô hình đang có triển vọng và đạt hiệu quả kinh tế cao người dân.
Qua các phương tiện thông tin đại chúng và phổ biến của cán bộ địa phương, gia đình anh Trần Chí Dũng xóm Yên Bình, xã Quang Lộc hiểu được rằng để xây dựng NTM thì trước hết phải tăng cường phát triển kinh tế gia đình, vì vậy ngoài việc chăn nuôi các vật nuôi truyền thống, anh đã chọn chồn lông nhung du nhập để nuôi thử nghiệm.
Đầu năm 2012 anh đi ra tận Hoà Bình “tầm sư, học đạo” kỹ thuật nuôi chồn nhung. Sau khi có kỹ thuật, anh Dũng mạnh dạn đầu tư trên 70 triệu đồng để mua về 16 cặp chồn lông nhung nuôi trong 3 chuồng tại gia đình, mỗi cặp trị giá 4 triệu đồng, cùng với chi phí 2,5 triệu đồng/chuồng nuôi trại. Mặc dù là đối tượng nuôi mới lần đầu tiên đưa nuôi song nhờ được học hỏi về kỹ thuật nuôi nhím nên đàn chồn lông nhung đã thể hiện sự thích nghi trên vùng quê mới. Anh Dũng cho biết: “Nuôi chồn nhung chỉ đầu tư một khoản tiền ban đầu để mua giống, thức ăn rất phong phú có thể là thức ăn xanh, thức ăn tinh hoặc củ quả, phế phụ phẩm nông nghiệp”.
Theo kinh nghiệm của anh Dũng, chồn nhung là động vật hoang dã nên nuôi rất dễ, hàng ngày cần phải dọn vệ sinh chuồng sạch sẽ, đảm bảo chuồng luôn khô, thoáng, thì chồn rất ít khi bị bệnh, chỉ có bị bệnh tiêu chảy trị được bằng thuốc đi ngoài dạng viên của người. Khi chồn cái có biểu hiện kêu, phá chuồng, bỏ ăn phải bắt chồn ra ô khác để cho giao phối, giai đoạn mang bầu lại bắt trở lại vào chuồng ban đầu. Chồn lông nhung có khả năng sinh sản khá cao, mỗi năm trung bình đẻ khoảng 4 lứa; mỗi lứa trung bình từ 3 - 4 con.
Thời gian mang thai của chồn là 65 ngày, thời gian cai sữa cho chồn con là 20 - 21 ngày. Thường sau khi cai sữa xong từ 1 - 3 ngày, chồn cái lại động dục, đây là thời điểm người chăn nuôi có thể cho giao phối lần tiếp theo. Đối với chồn hậu bị chuẩn bị bước sang giai đoạn sinh sản, vào khoảng 50 - 60 ngày chúng có những biểu hiện động dục đầu tiên. Tuy nhiên, không nên để chồn tự do ghép đôi giao phối ở thời điểm này mà nên để chồn khoảng 70 - 80 ngày tuổi đối với con cái, 90 - 100 ngày tuổi đối với con đực mới cho giao phối vì thời điểm đó chồn mới phát triển thành thục các cơ quan sinh dục. Tỷ lệ ghép phối, đối với chồn được nuôi theo nhóm quần thể có thể ghép phối theo tỷ lệ 1 đực 4 cái.
Hiện nay, trên địa bàn xã Quang Lộc không riêng gia đình anh Dũng mà còn nhiều hộ đã tham gia mô hình này. Toàn bộ đầu ra của sản phẩm các gia đình đều được Công ty Hoà Bình đến tận nơi thu mua chồn giống và chồn thịt, với giá từ 800 nghìn - 1 triệu đồng/con (0,8 - 1 kg), sau khi trừ các khoản chi phí lợi nhuận từ 500 - 600 ngàn đồng/con. Từ những kết quả bước đầu đó có thể nói nuôi chồn lông nhung là hướng đi mới giúp người nông dân Quang Lộc xoá đói giảm nghèo, hướng tới làm giàu.
Mạnh dạn với một hướng đi mới như nuôi chồn nhung của những hộ gia đình ở xã Quang Lộc không chỉ thể hiện khát vọng làm giàu chính đáng trên quê hương mình mà đây còn là cũng đã thể hiện quyết tâm cao góp sức mình trong bước đường đi đến thành công xây dựng NTM tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Vốn là loại cây dễ trồng, đầu tư ít, thích hợp với nông dân ít vốn nên dù năm được, năm mất, cây sắn (mì) vẫn gắn bó với người dân Tây Nguyên như một cây xóa nghèo. Tuy nhiên trong 5 năm trở lại đây, diện tích trồng sắn tăng khá nhanh, đang phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng và phát triển thiếu bền vững.
Theo tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), vụ xuân năm nay, toàn tỉnh Quảng Ninh trồng trên 3.000ha ngô tập trung chủ yếu tại các huyện, thị miền Đông như: Bình Liêu, Tiên Yên, Hải Hà, Đầm Hà, Móng Cái…
Giá mía liên tục giảm trong nhiều năm, người thu mua thì ép cấp ép giá, cộng với những rủi ro về sâu bệnh, hạn hán… khiến đời sống của người trồng mía lâm vào cảnh lao đao.
Chúng tôi cùng đoàn cán bộ Hội Nông dân xã Tân Hòa (Đồng Phú - Bình Phước) tham quan tại trồng nấm linh chi tại Công ty TNHH linh chi Trường Thọ thuộc ấp 4, xã Tân Lập. Anh Nguyễn Chí Thành (28 tuổi), Giám đốc công ty cho biết: “Gia đình tôi trồng và nhân giống các loại nấm từ rất lâu rồi. Do tiếp cận với nghề trồng nấm từ nhỏ nên quá trình sinh trưởng, quy trình chăm sóc nấm tôi nắm rất rõ”.
Cây cà tím được trồng phổ biến tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng), chỉ gần 2 tháng cho thu hoạch, thậm chí ăn gần cả năm.