Gặp Vua Rắn Tuổi Tỵ
Anh là Nguyễn Đức Động, sinh 1977, quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mở trang trại nuôi rắn hổ mang đen tại xã Phước Tiến (Bác Ái). Mô hình kinh tế nuôi rắn hổ mang đen lần đầu tiên xuất hiện tại tỉnh ta. Còn anh được người dân địa phương ví là “Vua rắn”.
Hẹn mãi, “vua rắn” mới sắp xếp công việc ở TP. Hồ Chí Minh về Ninh Thuận để gặp chúng tôi. Là con út trong một gia đình có nghề truyền thống nuôi rắn ở Vĩnh Phúc, một lần Nguyễn Đức Động đến huyện Bác Ái và bằng kinh nghiệm nuôi rắn từ nhỏ, anh phát hiện ra nơi đây rất thích hợp để lập trang trại rắn. Nghĩ là làm, năm 2010, sau khi xin phép Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp phép mở trang trại nuôi rắn tại thôn Trà Co II, xã Phước Tiến, anh đã đầu tư mua 230 con giống hổ mang đen từ miền Bắc đem vào đây nuôi.
Anh chọn cả con đực và con cái để tiện việc phối giống và đẻ trứng sau này. Sau thời gian, đàn rắn sinh trưởng tốt. Anh Động cho biết: Nhờ thời tiết, khí hậu ở Ninh Thuận mà cụ thể là ở Bác Ái rất phù hợp, như: độ ẩm thấp, trung bình khoảng 60% thích ứng với môi trường sống và khả năng phát triển của loài rắn hổ mang đen. Một vài dịch bệnh thường thấy trên rắn như: bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa, viêm da, ký sinh… đều không thấy xuất hiện trong bầy. Thời điểm cao đàn, khoảng tháng 4 đến tháng 6 trong năm, trong trại có đến hơn 400 con rắn trung, chưa kể 2 chuồng nuôi rất nhiều rắn con.
Theo anh vào chuồng rắn, dưới chân chúng tôi vang lên những tiếng thở phì phò đặc trưng của loài hổ mang. Ở trại này, có 250 hang, mỗi hang được xây hình hộp với kích thước 60x30x30cm. Anh Động bắt đầu mở cửa chuồng và kéo đuôi ra 1 con. “Chú hổ mang đen” này có độ dài khoảng 1,2m, toàn thân màu đen tuyền, mỗi lần bạnh cổ ra mới thấy hai chấm sáng (còn gọi là gọng kính). Loài này rất độc, thuốc chữa thì chỉ có xác suất trị độc khoảng 55-60%. Thế nên, chúng tôi chỉ dám đứng cách xa từ 5m để xem “vua rắn” trình diễn cách chăm sóc, thuần phục con rắn độc một cách dễ dàng.
Theo anh Động, trong đàn chỉ chọn được khoảng từ 40 – 50% cá thể có thể phối giống, chủ yếu là những con đẹp. Mỗi lần rắn đẻ khoảng 20 quả trứng, tỷ lệ ấp nở ở đây đạt hơn 95%. Mỗi rắn con để giống (từ 1 ngày đến 1 tuần tuổi) có giá từ 150 – 170 ngàn đồng/con, còn riêng theo giá như lúc vừa nhập về, rắn trung (cỡ từ 7 lạng trở lên) có giá khoảng 700 ngàn đồng/kg. Ở đây, anh chủ động ấp trứng bằng cát và thùng các-tông, thùng xốp.
Sau khi trứng nở, rắn con được đưa đến các ô tập thể có diện tích khoảng 4 -6 m2. Thời kỳ này, thức ăn được băm nhỏ và rắn con được phủ chuồng bằng lá cây, tán dừa để làm chỗ ẩn nấp. Anh Động cho biết, thông thường cứ 3 ngày là cho rắn ăn 1 lần, rắn dưới 1 năm tuổi cho ăn khoảng 20% trọng lượng cơ thể, trên 1 năm tuổi thì cho ăn 10% trọng lượng cơ thể. Nhưng trong thời điểm này, theo tập tính của loài, rắn ngủ đông nên ít hoạt động, lượng thức ăn và thời gian cho ăn cũng giãn ra. Để chủ động nguồn thức ăn, anh đã chủ động nuôi ếch ở bể riêng để làm thức ăn cho rắn.
Tính đến nay, “vua rắn” đã xuất bán trên 450kg rắn thịt cho các đầu mối thu mua ở các tỉnh như Tây Ninh, Bình Dương hoặc phải vận chuyển ra miền Bắc thu hơn 380 triệu đồng. Anh Động cho biết, sau thời điểm nuôi thử nghiệm, thấy môi trường ở địa phương Bác Ái khá phù hợp, anh sẽ nhân rộng tổng đàn.
Tuy nhiên sẽ phải nhập một số loài rắn có kinh tế cao và không độc mới truyền nghề mở rộng mô hình cho các hộ khác nuôi được. Chia tay Bác Ái một chiều lộng gió, tôi cũng hy vọng mùa xuân năm sau, khi về thăm lại nơi đây thì mô hình trại rắn sẽ xuất hiện rộng khắp và mang lại thu nhập cho bà con miền núi nơi đây.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, thực hiện chương trình đưa cây màu xuống ruộng lúa, nông dân nhiều nơi từ Bắc vào Nam đã đưa cây ớt vào trồng mang lại hiệu quả cao, lợi nhuận từ 150 – 200 triệu đồng/ha, cao hơn trồng lúa gấp 3 – 5 lần.
Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) cho biết, những ngày qua do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích tôm, cá của bà con ngư dân trên địa bàn huyện bị ngạt và chết.
Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, diện mạo xã Đăk Djrăng (huyện Mang Yang, Gia Lai) đã hoàn toàn thay đổi. Đổi thay đó có sự góp sức không nhỏ của Hội ND xã mà người đứng đầu là anh Đỗ Văn Thinh…
Vài năm gần đây nhiều nông dân xã Phú An (Cai Lậy) thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ trồng chanh bông tím, trong đó có ông Nguyễn Văn Tám ở ấp 6.
Giữa rừng đước xanh um, tôm giống được thả xuống. Không cần cho ăn, không dùng thức ăn tăng trưởng, không thuốc kháng sinh trị bệnh, người nuôi chỉ dọn dẹp xung quanh thật sạch và đảm bảo 50-60% rừng trên tổng diện tích nuôi tôm là có tôm sạch.