GAP Vẫn Còn Là Mô Hình
Qua 10 năm, ngành nông nghiệp khu vực Nam bộ triển khai thực hiện mô hình “Thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn GAP” thì đến nay mới có 29 mô hình được chứng nhận. Và tất cả những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP đã đạt thì vẫn chưa thể nhân rộng.
TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết: Qua 10 năm bắt tay tư vấn sản xuất GAP, Viện Cây ăn quả miền Nam đã tư vấn cho các địa phương thực hiện thành công 10 mô hình sản xuất GlobalGAP và 19 mô hình đạt chứng nhận VietGAP.
Trong đó, có nhiều mô hình liên kết sản xuất và đóng gói, tiêu thụ, xuất khẩu rất hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay những mô hình sản xuất theo GAP vẫn là mô hình vì nó quá nhỏ, sản lượng không nhiều, khi đưa ra thị trường người tiêu dùng chưa phân biệt được sản phẩm GAP và không GAP.
Trong số 29 mô hình đạt GAP thì chỉ có GAP trên cây Thanh Long là đạt được diện tích lớn với khoảng 7.300ha. Còn GAP trên cây ăn trái thì diện tích mới được khoảng 400ha trên tổng số hơn 288.000ha được nhà vườn trồng. Các giống ngon được chứng nhận GAP như: bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, chôm chôm, cam sành, vú sữa, sầu riêng, nhãn…
Chính diện tích nhỏ nên không đủ sản lượng và ổn định đáp ứng nhu cầu đối tác nhập khẩu. Các tỉnh có tập trung đầu tư phát triển mạnh mô hình GAP là Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang… nhưng tỷ lệ vẫn chưa cao.
Trái GAP nhà vườn tất yếu phải hướng đến.
Bà Phạm Thị Thu Sương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre, cho biết: Bến Tre đã phát triển được 10 mô hình sản xuất trái cây được cấp chứng nhận GAP. Tất cả các mô hình đạt GAP đã được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn không GAP từ 10-15%.
Hiện tại, sản phẩm nhãn VietGAP Long Hòa và 3 tổ liên kết sản xuất chôm chôm GlobalGAP tại các địa phương đã được Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, thị trấn Chợ Lách (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) bao tiêu và thu mua hơn 30% sản phẩm của nhà vườn.
Còn cơ sở Hương Miền Tây (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) qua 12 năm làm đầu mối tiêu thụ bưởi da xanh đã góp phần không nhỏ trong việc mở rộng diện tích và xây dựng vùng nguyên liệu theo tiêu chuẩn GAP. Đầu ra của trái bưởi da xanh được Hương Miền Tây thu mua và tiêu thụ trên 12.000 tấn trái/năm.
Đặc biệt, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt giữa Hương Miền Tây với tất cả tổ hợp tác rất hiệu quả. Hương Miền Tây đã thu mua đúng theo cam kết hợp đồng với các tổ hợp tác đạt trên 90% sản lượng với giá cao hơn giá thị trường 3-5%.
Ông Đàm Văn Hưng, chủ cơ sở Hương Miền Tây, cho biết: Nhà vườn trồng cây ăn trái sản xuất theo cách truyền thống, nhỏ lẻ, ít quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, dư lượng thuốc BVTV, thiếu thông tin về bảo quản sau thu hoạch… sẽ làm thất thoát và hư hỏng khoảng 15-20% sản lượng trong mùa chính vụ.
Chính vì vậy, giải pháp nâng cao giá trị cho trái bưởi da xanh trong thời gian tới là cần tổ chức lại sản xuất, nhà vườn nên thay đổi nhận thức sản xuất cũ, phải hướng đến sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn GAP thì doanh nghiệp sẽ luôn gắn bó với nhà vườn trong khâu tiêu thụ.
Đặc biệt, trái bưởi da xanh tiêu thụ thị trường nội địa tốt hơn xuất khẩu nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro do người tiêu dùng trong nước ngày càng khó tính đòi hỏi chất lượng ngon, mẫu mã đẹp, an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng giá cả phải phù hợp theo từng thời điểm.
Như vậy, nhà vườn muốn sản xuất và tiêu thụ trái bưởi da xanh bền vững thì buộc phải liên kết sản xuất sao cho đạt GAP. Nhà nước cần tạo ra cơ chế phù hợp cho nhà vườn và Hương Miền Tây luôn đồng hành cùng nhà vườn trong quá trình thực hiện.
Ở Hậu Giang, hiện đã phát triển hơn 27.300ha vườn cây ăn trái, sản lượng khoảng 217.400 tấn/năm. Với lợi thế trên, Hậu Giang đang xây dựng 6 vùng nguyên liệu cho 6 sản phẩm cây ăn trái chủ lực gồm: bưởi Năm Roi, cam sành, quýt đường, chanh, khóm, xoài có quy mô tập trung sản xuất theo hướng GAP gắn với chuỗi liên kết 4 nhà.
Trong các sản phẩm trên thì tỉnh đã có 5 sản phẩm trái gồm: khóm Cầu Đúc, bưởi Năm Roi, canh sành, quýt đường Long Trị, chanh không hạt được công nhận VietGAP, GlobalGAP... với tổng diện tích gần 200ha.
Ông Nguyễn Văn Măng, Trưởng phòng tư vấn và dịch vụ khuyến nông thuộc Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Hậu Giang, cho biết: “Các mô hình GAP đã và đang giúp nhà vườn hưởng lợi khá tốt.
Trên nền này, Hậu Giang đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 toàn tỉnh sẽ có 10-15% trên tổng số diện tích cây ăn trái đạt tiêu chuẩn GAP, 70-80% diện tích sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với liên kết 4 nhà”.
Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang, chia sẻ: Diện tích cây ăn trái của Tiền Giang lớn nhất cả nước với hơn 72.000ha, sản lượng khoảng 1 triệu tấn/năm.
Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu, trong những năm qua, Tiền Giang đã tập trung xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.
Kết quả đến nay đã có 9 chủng loại cây ăn trái được chứng nhận GAP với hơn 220ha. Mô hình GAP đã làm được, nhưng việc tìm kiếm công ty tiêu thụ quả GAP còn gặp nhiều khó khăn.
Khi được công ty ký kết hợp đồng thu mua thì hiệu lực hợp đồng ngắn và mua với số lượng ít, lượng sản phẩm còn lại phải bán như trái không GAP. Chi phí chứng nhận GAP còn cao và chưa thống nhất giữa các đơn vị chứng nhận, gây khó khăn cho việc tổ chức sản xuất GAP.
Ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Diện tích cây ăn trái khu vực Nam bộ khoảng 466.428ha, chiếm khoảng 56% diện tích cây ăn trái cả nước, trong đó vùng ĐBSCL chiếm 228.268ha.
Để đáp ứng yêu cầu thị trường và phù hợp với tình hình thực tế sản xuất tại các địa phương, trước mắt cần căn cứ vào quy hoạch và từng bước chỉ đạo thực hiện tốt quy trình sản xuất theo GlobalGAP và các loại GAP khác.
Chứng nhận VietGAP theo tiêu chuẩn Việt Nam tiến tới hòa nhập quốc tế thì trước mắt áp dụng đầy đủ các tiêu chuẩn để làm nền tảng nâng cấp VietGAP tương đương các GAP khác để thừa nhận trên thị trường quốc tế.
Mức độ tối thiểu cũng theo quy chuẩn GAP, nhưng trước mắt thực hiện quy chuẩn kỹ thuật so với một số chỉ tiêu chủ yếu nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, không bắt buộc phải thuê chứng nhận, người sản xuất có thể tự công bố sản phẩm an toàn với chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Tại xã Vĩnh Xương, Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu (An Giang) tổ chức hội thảo “Sử dụng thức ăn công nghiệp trong mô hình nuôi lươn thương phẩm”. Theo đánh giá của Trạm Khuyến nông TX. Tân Châu, quy trình nuôi lươn thương phẩm trên địa bàn phần lớn sử dụng thức ăn tươi sống, như: Ốc, cua, cá...
Hiện có một nghịch lý đang diễn ra là trong khi giá các loại thực phẩm từ thịt lợn, gà, trứng… xuất chuồng đều giảm mạnh nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua giá cao. Nguyên nhân là các loại thực phẩm đã qua rất nhiều khâu trung gian mới có mặt trên thị trường.
Theo UBND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, từ tháng 2-2013 đến nay, nghêu nuôi ở khu vực biển Tân Thành có hiện tượng chết bất thường trên diện rộng, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho người dân nuôi nghêu. Theo nhiều người dân nuôi nghêu ở huyện Gò Công Đông, năm 2013, hoạt động nuôi nghêu của bà con ven biển Tân Thành gặp nhiều khó khăn do nghêu ốm, nhiều cát, giá nghêu sụt giảm mạnh trong khi nghêu nuôi các tỉnh phía Bắc liên tục đổ vào Nam với giá cả rẻ hơn cả nghêu nuôi tại địa phương. Trong vài tháng nay, giá nghêu thương phẩm chỉ ở mức 19.000-21.000 đồng/kg, giảm 10.000-12.000 đồng/kg so với thời điểm này năm ngoái. Đến khi nghêu chết, thương lái không mua hoặc mua với số lượng ít, nên người nuôi nghêu khó có thể thu hoạch để chạy bệnh.
Năm ngoái, nghêu nuôi khu vực ven biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) không có tình trạng chết hàng loạt như năm 2010 và 2011 nhưng niềm vui đó chưa trọn vẹn do nghêu giá thấp, khó tiêu thụ. Giờ đây, nghêu nuôi lại chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân khiến hàng trăm tỷ đồng của nông dân trôi theo bọt nước.
Huyện Bá Thước (Thanh Hóa) có diện tích đất tự nhiên 77.500 ha, chủ yếu là rừng và đất rừng, chỉ có hơn 10.000 ha đất sản xuất nông nghiệp. Hầu hết diện tích đất đều có độ dốc lớn, việc canh tác và cải tạo đất gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến hàng nghìn hộ dân trong việc phát triển kinh tế.