Gặp gỡ cha đẻ giống bưởi Đào Chuyên
Khi quả chín không cần dùng thuốc bảo quản mà có thể để lâu từ 3 - 5 tháng...
Ít ai biết được cái tên bưởi Đào Chuyên là do người dân ở thôn Ngô Xuyên (thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm) đặt theo tên người lai ghép ra nó: anh Đào Minh Chuyên- một nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm và là gương điển hình trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh Hưng Yên.
Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng
Đào Minh Chuyên sinh năm 1967, đến năm 1990 anh xây dựng gia đình. Hai vợ chồng anh ra ở riêng với số vốn ban đầu chỉ là vài chục kg thóc và hơn 2 sào ruộng do bố mẹ hai bên cho. Bắt tay vào cuộc sống tự lập, vợ chồng anh gặp vô vàn khó khăn.
Đào Minh Chuyên tâm sự:
"Được gia đình cho 60kg thóc để xây dựng cuộc sống mới, vợ chồng tôi đã đầu tư số thóc đó vào nấu rượu, nuôi lợn để bước đầu duy trì cuộc sống trước mắt.
Phần ruộng canh tác, do không có tiền để thuê cày, không có trâu bò nên đến mùa vụ, hai vợ chồng phải tự cuốc đất, tự san để cấy lúa.
Hai vợ chồng phải tranh thủ đi khắp các ngả đường trong thôn, đường ra đồng gom phân trâu, bò bón cho lúa để tiết kiệm tiền mua phân bón.
Đêm xuống, khi người dân trong thôn chìm vào giấc ngủ cũng là lúc tôi phải lênh đênh trên các dòng sông trong huyện và các huyện lân cận để đánh lưới bén, sáng về cho vợ ra chợ bán cá tăng thu nhập..."
Anh Đào Minh Chuyên (bên trái) bên vườn ươm giống bưởi Đào Chuyên của mình.
Đến năm 1993, sau khi đã có được một số vốn trong tay, tận dụng thế mạnh của địa phương có sản phẩm nổi tiếng như nhãn lồng, cam, quýt... hai vợ chồng anh quyết định đi buôn hoa quả, long nhãn ra chợ Long Biên (Hà Nội)... Đến năm 1997, sau nhiều năm nỗ lực, vợ chồng anh tích được số tiền 300 triệu đồng, cùng với số tiền vay thêm 200 triệu đồng để xây lò sấy long nhãn.
Thời điểm đó, khi giá là 110 nghìn đồng/kg, nhưng cuối năm, giá xuống còn 40 nghìn đồng/kg. Không thể cứ giữ hàng lâu ngày, anh đành bán với giá rẻ, chấp nhận lỗ nặng.
“Sau chuyến ấy nhà tôi bị lỗ hơn 400 triệu đồng, cả tháng sau vụ thua lỗ đó, vợ chồng tôi mất ăn, mất ngủ vì tiếc của, rồi nghĩ tìm ra hướng làm ăn mới"- anh Chuyên chia sẻ thất bại cay đắng gần 10 năm trước...
"Vấp ngã ở đâu, đứng lên ở đó"- anh Chuyên nghĩ như vậy và quyết vực dậy sau thua lỗ, vợ chồng anh tiếp tục đi buôn hoa quả đồng thời với việc chăn nuôi và trồng cây ăn quả nhằm gây dựng lại sự nghiệp.
Trong quá trình đi đến các nhà vườn mua hoa quả, anh Chuyên để ý đến các mô hình trồng cây ăn quả cho năng suất cao, tìm hiểu cách cải tạo, quy hoạch ruộng, vườn, kỹ thuật lai ghép cây ăn quả... để quyết chí thực hiện hoài bão làm giàu của mình.
Những năm sau đó, anh Chuyên cải tạo đất ruộng trồng cam đường canh. Cam được mùa với giá bán khá cao, cộng với thu nhập từ chăn nuôi lợn, đánh lưới bén... nhờ vậy kinh tế của gia đình cũng khấm khá dần lên. “Trồng cam đường canh có lãi khá cao, tuy nhiên năng suất và chất lượng của quả giảm dần theo các năm.
Vì vậy tôi lại tiếp tục mày mò, học hỏi để tìm ra loại quả mới cho chất lượng và năng suất cao hơn, ổn định, lâu dài hơn...” – đây là tiền đề cho việc đột phá, tạo ra giống bưởi có tên Đào Chuyên, mà theo anh "có phần may mắn" - anh Chuyên vui vẻ chia sẻ.
Đến giống bưởi Đào Chuyên ra đời
Không hề được đào tạo qua trường lớp nào về kỹ thuật trồng và ghép cây ăn quả- đó là cái khó lớn nhất của anh Chuyên trong mơ ước tạo ra loại cây ăn quả có chất lượng, năng suất cao, ổn định, lâu dài của mình.
Không nản chí trước hoài bão, năm 2010, qua tìm hiểu sách báo, trên mạng internet, tham gia thêm các buổi tập huấn chuyển giao KHKT do hội nông dân các cấp tổ chức, đi tham quan các mô hình, quy trình trồng trọt cùng với những gì học hỏi, theo dõi các nhà vườn nổi tiếng trong khu vực khi mua hoa quả, anh quyết định thử ghép 2 giống bưởi cổ với nhau, rồi tiếp tục ghép với một số giống khác.
Sau nhiều tháng mày mò tập ghép mắt, ghép chồi với nhiều phương pháp ghép khác nhau, anh Chuyên đã ghép thành công giống bưởi mới. Hai năm sau, cây bắt đầu cho quả.
Lứa quả này, mỗi quả nặng khoảng 1,6kg, hình thức đẹp, quả chín có màu vàng tươi, vỏ mỏng, chỉ có 12 múi, nhiều nước, ngọt mát, không he ngăm đắng khi ăn, không bị “cơm nguội” và không nát tép, thời gian để lâu từ 3 - 5 tháng mà không dùng thuốc bảo quản.
Bưởi cho quả thành từng chùm, có chùm lên tới 5 - 6 quả. Bộ lá dầy và to, che được ánh nắng mặt chời chiếu vào quả nên mã quả khá đẹp.
"Trước thu hoạch gần 2 tháng, tôi không hề phun bất cứ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào vì giống bưởi này có sức kháng sâu bệnh rất tốt"- anh Chuyên cho biết.
Sau khi tạo được giống bưởi có chất lượng cao hơn, cho quả sai hơn những giống bưởi khác, vợ chồng anh Chuyên quyết định vay mượn vốn để chuyển nhượng thêm ruộng trồng giống bưởi này.
Đến năm 2013, trên 400 cây bưởi của anh cho thu hoạch trên 6 nghìn quả chất lượng tốt được cung cấp ra thị trường.
Năm đó, giá bán tại vườn trung bình đạt 45 - 60 nghìn đồng/quả đã mang lại thu nhập cho gia đình trên 300 triệu đồng.
Đồng thời, anh tiếp tục ươm, ghép được trên 5000 cây giống cung cấp cho bà con trong thôn và khu vực. Kể từ đây, bà con trong thôn đã lấy luôn tên anh Chuyên để đặt cho giống bưởi mà anh tự lai ghép được.
Do quả có chất lượng tốt, lại chín vào thời điểm cuối năm, dịp chuẩn bị tết Nguyên đán, khách hàng tự bảo nhau và anh biết cách quảng bá, giới thiệu sản phẩm bưởi của mình trên mạng internet qua các trang mạng nhà nông làm giàu, trang giới thiệu sản phẩm hoa quả, facebook... nên bưởi mang tên Đào Chuyên được biết nhiều hơn tại nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, từ đó nhu cầu tiêu thụ loại bưởi này ngày càng cao.
Minh chứng rõ nhất là năm 2014 vừa qua, vườn bưởi diện tích gần một mẫu của gia đình anh Chuyên cho năng suất cao, đạt trên 15 nghìn quả chất lượng tốt, thương lái các tỉnh về thu mua hết ngay tại vườn với giá bán ổn định từ 45 - 60 nghìn đồng/quả, trừ các loại chi phí, gia đình anh thu lãi trên 500 triệu đồng.
Bước sang vụ thứ 3 này, khi những cây bưởi đang trĩu quả với số lượng trung bình từ 50 - 100 quả/ cây, dự kiến khoảng 25 - 30 nghìn quả bưởi Đào Chuyên nhà anh sẽ được cung cấp ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán 2016.
Hiện các thương lãi đã đăng ký mua gần hết số bưởi này với giá ổn định như những năm trước.
Ngoài diện tích trồng bưởi, anh Chuyên còn nhận thầu thêm 1,5 mẫu để ươm bưởi giống, và trồng các loại cây ăn quả khác như nhãn, mít, xoài...
Cũng trong năm 2014, anh thu được trên 150 triệu đồng tiền bán nhãn, khoảng 250 triệu đồng từ bán cây bưởi giống. Nâng tổng thu nhập năm 2014 của gia đình (trừ chi phí) đạt trên 600 triệu đồng.
"Những ngày này nhiều người ở các tỉnh như Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Nguyên... luôn tục điện cho tôi liên hệ hỏi mua cây bưởi giống, ngay sáng nay tôi bán được 500 cây giống cho một khách hàng ở Bắc Giang với giá từ 45 -70 nghìn đồng/cây.
Hỏi ra mới biết khách hàng này được Phòng trồng trọt, Sở NN và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang giới thiệu, khi năm ngoái tôi cung cấp gần 1000 quả bưởi cho họ". - anh Chuyên vui vẻ cho biết.
Hiện nay, vườn ươm giống của gia đình có 15 nghìn cây giống và anh tiếp tục nhân giống với số lượng lớn hơn nữa vì nhu cầu khách hàng ngày càng tăng.
Không chỉ thành công trong làm giàu, anh Chuyên còn sẵn sàng cung cấp cây giống, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bưởi cho bà con trong thôn và những người có nhu cầu trồng loại bưởi này.
Theo anh Chuyên, với một cây giống được anh cung cấp ra, thời gian trồng chỉ từ 2 đến 3 năm là cho thu hoạch lứa đầu, kỹ thuật trồng đơn giản, ít sâu bệnh, giá bán cao và ổn định.
Anh mong muốn sẽ có nhiều hộ, nhiều diện tích đất trên địa bàn chuyển đổi để trồng giống bưởi anh lai ghép được thành một vùng chuyên canh, đưa giống bưởi này nổi tiếng hơn nữa, được nhiều người biết đến như các giống bưởi Năm Roi, bưởi Da Xanh...
Thành công, hy vọng là vậy, nhưng anh Chuyên còn một việc tâm tư, đó là mong muốn được đăng ký thương hiệu, đến nay cây bưởi của anh còn thiếu một năm mới đủ điều kiện để làm hồ sơ đăng ký, trong khi rất nhiều doanh nghiệp và cơ quan nhà nước muốn đặt hàng mua giống bưởi Đào Chuyên này với số lượng lớn nhưng họ yêu cầu phải đăng ký thương hiệu...
Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV, giai đoạn 2010 - 2015 được tổ chức đầu tháng 9 vừa qua tại Hà Nội, Đào Minh Chuyên là một trong năm nông dân xuất sắc nhất tỉnh Hưng Yên được tham dự.
Báo cáo thành tích của anh trước đại hội đã gây được sự chú ý của các đại biểu với tư cách là một nông dân đã lai ghép thành công một giống bưởi có chất lượng, đồng thời mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Anh Chuyên được vinh dự nhận Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vì đã thành tích xuất sắc trong việc trong phong trào thi đua yêu nước của Hội Nông dân Việt Nam
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay, trên địa bàn huyện Lai Vung (Đồng Tháp) có khoảng 50 hộ chăn nuôi heo áp dụng mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh thái (còn gọi là công nghệ nuôi heo không phân), bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường.
Nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh của vùng ĐBSCL, song nghề cá đang lâm vào ngõ cụt khi khó khăn chồng chất, đặc biệt giá cá tra nguyên liệu khoảng 2 năm nay ở mức thấp khiến người nuôi lỗ nặng buộc phải bỏ nghề hàng loạt. Vực dậy nghề cá tra đang là vấn đề cấp bách đặt ra.
Hiện nay có một số nhà máy phản ánh thiếu cá tra nguyên liệu chế biến và phải tạm ngưng sản xuất nhưng thực chất chỉ là thiếu cá đạt “size” (kích cỡ chế biến) như yêu cầu của khách hàng, theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep).
Ngày 24/4/2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh phối hợp với Trường đại học Kaettart (Vương quốc Thái Lan) tổ chức tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, hộ nông dân về kỹ thuật chăn nuôi bò thịt chất lượng cao Charolaise. Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Phó giám đốc thường trực Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến dự và chỉ đạo lớp tập huấn.
Trong 10 tháng đầu năm 2012, phần lớn thời gian giá cá điêu hồng nuôi bè ở Tiền Giang nằm ở mức thấp hơn giá thành sản xuất nên người nuôi cá bị lỗ nặng. Đến nay, khi giá cá điêu hồng tăng mạnh trở lại với mức 3.000 - 4.000 đồng/kg so với tháng trước, thì các chủ bè lại không có cá để bán, bởi nhiều người nuôi cá điêu hồng đã phải treo bè hoặc bán bè từ những tháng trước...