Ngăn Ngừa Lây Lan Cúm Gia Cầm
Tại các tỉnh phía Nam gần đây liên tiếp xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm kèm cảnh báo nguy cơ lây nhiễm qua người khiến nhiều người hoang mang. Các trang trại gà ở Đồng Nai hiện đang khốn đốn vì giá liên tục giảm do thông tin về cúm.
Tin từ Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cho hay, các ổ dịch cúm gia cầm tại các tỉnh phía Nam gần đây đều là ổ dịch nhỏ và đều được cơ quan chức năng nhanh chóng khoanh vùng dập dịch. Riêng 2 bệnh nhân tử vong do cúm gia cầm vào tháng 1-2014 là do tiếp xúc và sử dụng thịt gia cầm bị bệnh chết.
* Gia cầm sống không kiểm dịch: Cấm vẫn bán
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đồng Nai, trước nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại nhưng hoạt động mua bán gia cầm tại các khu chợ tạm, chợ tự phát trên địa bàn TP. Biên Hòa vẫn diễn ra khá công khai.
Vịt, gà sống được chở trên xe gắn máy hoặc bày bán cố định nơi góc chợ hoặc lề đường có đông người qua lại, tập trung đông ở khu công nhân, lao động. Những điểm bán gia cầm sống đã tồn tại từ nhiều năm nay ngay trong nội ô TP. Biên Hòa, như: dọc vỉa hè đường Đồng Khởi và khu chợ tạm cây xăng 26 (phường Tân Phong); chợ tạm cổng 10 (phường Long Bình), gần chợ Hóa An… vẫn hoạt động khá nhộn nhịp.
Cụ thể, khu chợ cổng 10 hiện có gần chục điểm buôn bán gia cầm sống. Nhiều điểm có quy mô lớn với cả trăm con gà, vịt được bày bán. Các điểm này đều giết mổ gia cầm ngay tại gian hàng chật hẹp trên lề đường, nơi đông đúc người, xe qua lại. Nước làm gà, vịt hòa với máu, phân được đổ trực tiếp chảy tràn trên vỉa hè, lan xuống lòng đường.
Sau nhiều đợt ra quân của cơ quan chức năng, hoạt động buôn bán gia cầm sống dọc tuyến đường Đồng Khởi và khu vực chợ cây xăng 26 được tổ chức kín đáo hơn. Nhiều điểm bán ở đây xây hẳn một ki-ốt chứa hàng, cửa chỉ mở một nửa để sẵn sàng đóng kín khi có “động tĩnh”; có nơi chỉ để vài con gà, vịt trên vỉa hè nhưng khách hỏi mua bao nhiêu người bán cũng đáp ứng. Gia cầm sống ở khu vực này cũng được giết mổ ngay tại điểm bán.
Tương tự, dọc vỉa hè đường Bùi Văn Hòa (phường Long Bình), gia cầm sống không còn được bày bán công khai mà chỉ để tấm bảng nhỏ ghi bán gà, vịt. Khi khách hỏi mua, người bán đem hàng ra giới thiệu.
* Khổ vì tin cúm gia cầm
Hiện nay, có hai loại cúm gia cầm khiến nhiều người dân lo lắng là A/H5N1 và A/H7N9. Riêng cúm A/H7N9 mới chỉ ghi nhận xuất hiện ở Trung Quốc, còn Việt Nam chưa phát hiện. Những thông tin này trong mấy ngày qua đã làm các trại trong tỉnh khốn đốn vì giá gà theo đó liên tục giảm.
Bà Nguyễn Thị Trang, chủ trang trại gà ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất), than: “Hơn tuần nay, giá gà tam hoàng giảm 4-5 ngàn đồng/kg, xuống còn 32-33 ngàn đồng/kg. Dịch cúm gia cầm xuất hiện nhiều năm nay nên hầu hết các chủ trang trại rất cẩn thận trong công tác phòng, chống dịch, không đợi có cảnh báo dịch cúm rồi mới làm”.
Giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh Dương Anh Tuấn nói: “Nhiều năm nay, đầu năm luôn là thời điểm dịch cúm dễ bùng phát. Vì vậy, truyền thông không nên chỉ đưa thông tin một phía tạo lo lắng cho người dân, còn người chăn nuôi lao đao vì giá giảm”.
Trong khi đó, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai Trần Văn Quang khẳng định: “Nguy cơ bùng phát và lây lan dịch cúm lớn nhất là việc kinh doanh, mua bán gia cầm sống không kiểm dịch. Vì thế các địa phương, đặc biệt là TP.Biên Hòa phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, xử lý các điểm buôn bán gia cầm sống trái phép”.
Ông Quang cũng lưu ý, để phòng tránh cúm gia cầm lây lan sang người, người tiêu dùng không nên sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm dịch.
Theo ông Bùi Thế Nam, Chủ tịch UBND phường Long Bình (TP.Biên Hòa), tuy đã tăng cường công tác dẹp nạn buôn bán gia cầm lậu, nhưng hoạt động này vẫn tồn tại nhiều năm nay, tập trung tại các chợ tự phát, vỉa hè. Rất nhiều cử tri của phường đã lên tiếng về mối lo mất an toàn, vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh từ các chợ tự phát nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết.
Công tác quản lý tại các chợ tự phát vẫn đang bỏ ngỏ, tuy phường thường xuyên tổ chức lực lượng kiểm tra, xử lý nhưng do lực lượng mỏng, chế tài xử lý chưa nghiêm nên tình trạng tái phạm vẫn còn phổ biến.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, đã có những chuyển biến tích cực. Kinh tế vườn, nhất là cây cam sành cho thu nhập cao.
Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của nông nghiệp vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển các mô hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như bị dịch bệnh, thiên tai, giá thức ăn tăng cao, trong khi thị trường tiêu thụ không ổn định... Phát triển bền vững sản xuất chăn nuôi đang là vấn đề mà các địa phương tập trung tái cơ cấu.
Hơn nửa năm làm quen với loài cây lạ, tính năng nổi trội dễ nhận thấy là khả năng chịu lạnh và sương muối tốt vào mùa đông; chống chọi vô tư với nắng và hạn vào mùa hè. Đã thế lãi to lại hứa hẹn chỉ sau năm đầu tiên cây giống cắm rễ./ Sachi - vua của các loại hạt
Ngày 31 – 7, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Công ty Cổ phần Him Lam (TP. Hồ Chí Minh) đã ký kết hợp tác phát triển dự án mắc-ca tại Tây Nguyên theo mô hình kết nối "4 nhà": Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp.
Đây là một trong những nội dung được đề cập tới tại Quy hoạch phát triển sản xuất lúa trên địa bàn TP Hà Nội theo hướng bền vững giai đoạn đến năm 2020 vừa được UBND TP phê duyệt.