Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gập Ghềnh Đường Đến Với GAP

Gập Ghềnh Đường Đến Với GAP
Ngày đăng: 22/04/2014

Cần phải khẳng định rằng: Muốn nâng cao chất lượng và giá trị nông sản thì không có con đường nào khác là phải sản xuất nông sản sạch (theo tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP). Tuy nhiên, rất nhiều lý do khác nhau khiến việc xây dựng mô hình GAP trở nên “sống dở chết dở”, nông dân cảm thấy chán ngán và đã trở lại sản xuất theo kiểu truyền thống.

“Sống dở, chết dở"

Như bao nông dân trồng vú sữa Lò Rèn khác, gia đình bà Phạm Thị Tươi, ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng, huyện Châu Thành phấn khởi tham gia trồng vú sữa theo mô hình GlobalGAP, với mong muốn đưa trái vú sữa nhà mình đi “Tây”. Được khuyến khích, năm 2009 gia đình bà Tươi tự nguyện đưa 0,3 ha trồng vú sữa đang cho trái vào canh tác theo mô hình này và là xã viên của Hợp tác xã (HTX) vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.

Đến năm 2010, bà Tươi lại “tự nguyện” rút ra khỏi HTX và quay về với cách canh tác truyền thống như trước đây. Nguyên nhân, sau khi thu hoạch, HTX chỉ lựa được 20-30% sản lượng đẹp, số còn lại gia đình phải bán giá rẻ cho thương lái. Theo bà Tươi, sản xuất theo GAP cực nhọc lắm nhưng chẳng thấy lợi ích gì.

Vú sữa GAP nhà bà làm ra đạt chất lượng theo yêu cầu mà không xuất khẩu được, đành đem bán cho thương lái, bán bằng giá với vú sữa không GAP. “Từ khi không tham gia vào HTX, gia đình tôi kêu thương lái vào bán mão cả vườn vú sữa với giá từ 30-50 triệu đồng/0,3 ha. Họ tự hái trái xong rồi bón phân, xịt thuốc cho mình khỏe chứ không như thời tôi làm theo GAP” - bà Tươi nói.

Tương tự, ông Đoàn Văn Mỹ, ấp Thới, xã Đông Hòa, huyện Châu Thành tham gia trồng 0,9 ha vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Khoảng năm 2010, gia đình ông không tham gia trồng vú sữa GlobalGAP nữa do không thấy được lợi ích gì.

Ông Mỹ cho biết: “ Lúc ấy, tôi là Phó Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim mà sau khi thu hoạch, nhà tôi bán không được thì hỏi các xã viên khác làm sao bán”. Thấy vậy, ông không tham gia vào Ban Chủ nhiệm HTX và cũng không trồng vú sữa theo GlobalGAP nữa.

Khoảng 2-3 năm nay, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã ngưng hoạt động, hầu hết các xã viên trước đây đều trở lại sản xuất theo kiểu truyền thống. “Chúng tôi vào HTX để mong bán sản phẩm được giá cao, không bị tư thương ép giá nhưng thực chất HTX còn ép giá hơn cả tư thương nữa” - ông Mỹ tâm tư.

Một thời, HTX Mỹ Thành đã tạo nên tiếng vang lớn cho ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Vậy mà sau khoảng vài năm thì nông dân không còn trồng theo mô hình này nữa, đa số họ đã xin ra khỏi HTX và trở lại sản xuất theo kiểu truyền thống. Giấy chứng nhận lúa gạo GlobalGAP của HTX cũng đã hết hạn năm 2011 và từ đó đến nay chưa được cấp lại bởi thiếu kinh phí.

Nguyên nhân do đầu ra của lúa GlobalGAP bế tắc, mà cụ thể là Công ty TNHH ADC, một doanh nghiệp từng gắn bó và đỡ đầu HTX trong suốt quá trình trồng lúa GlobalGAP thời gian dài không tiếp tục bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, rất nhiều xã viên bức xúc việc điều hành của Ban Chủ nhiệm HTX, thu hoạch lúa xong thì phải neo lại, tiền trả chậm…

Ông Lê Văn Thoại, ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, xã viên HTX Mỹ Thành cho biết: “Để sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn GlobalGAP, chúng tôi phải tuân thủ đến 370 điểm kiểm soát, trong đó có 206 điểm phải tuân thủ tuyệt đối 100%. Tất cả các điểm kiểm soát không chỉ thực hiện đầy đủ mà phải thể hiện trên văn bản và được lưu hồ sơ ít nhất 2 năm. Cực nhọc là vậy nhưng lợi ích mang lại thì không thấy đâu. Quá bức xúc, chúng tôi đành phải xin không tham gia nữa và trở về cách thức sản xuất truyền thống”.

Ngoài ra, hàng loạt nông sản khác đạt tiêu chuẩn VietGAP cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Đa số sản phẩm đều bán trôi nổi cho thương lái bên ngoài, giá cả cũng chẳng cao hơn sản xuất truyền thống bao nhiêu. Nhiều người đặt câu hỏi: Sự phát triển ồ ạt và theo phong trào đã đẩy mô hình đi đến những khó khăn. Và đó là “cái giá” của GAP mà nhiều người phải “sống dở chết dở”.

“Cái giá” của GAP

Hiện chi phí để chứng nhận lại GlobalGAP cho HTX Mỹ Thành và vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim khoảng 2.500-5.000 USD. Theo bà Trần Thị Nguyên, Quyền Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cai Lậy, HTX Mỹ Thành đang ráo riết tìm kiếm nguồn tài trợ để chứng nhận lại GlobalGAP. Bởi giấy chứng nhận trước đó đã hết hạn từ lâu. Hiện tại, Công ty Tân Thành đã đầu tư vào HTX này và đang làm các thủ tục để chứng nhận lại cho nông dân.

Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 6 tổ chức, đơn vị được quyền chứng nhận GlobalGAP cho các loại nông sản như Công ty TNHH SGS Việt Nam, Công ty TUV SUD PSB Việt Nam, Tổ chức chứng nhận IMO (Thụy Sĩ), Trung tâm Chứng nhận Phù hợp QUACERT và Công ty cổ phần giám định cà phê và hàng hóa xuất khẩu…

Riêng việc chứng nhận VietGAP thì hiện nay có đến 11 tổ chức được quyền cấp giấy cho nông dân. Giá cả của quá trình từ việc khảo sát, tư vấn, tập huấn, xét nghiệm mẫu…cho đến khi lấy được giấy chứng nhận GlobalGAP và VietGap hiện nay mỗi nơi, mỗi đơn vị lấy một mức khác nhau.

Bà Vương Thị Mỹ Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ), người trực tiếp phụ trách tiến hành làm chứng nhận GAP cho biết, phí chứng nhận Global GAP hay VietGAP tùy thuộc vào đơn vị xét và cấp giấy chứng nhận. Nếu chứng nhận cho khoảng 50 ha vườn cây ăn trái thì phí chứng nhận dao động ở mức từ 2.500 - 5.000USD. Riêng phí chứng nhận cho VietGAP có rẻ hơn, ở vào khoảng 30-40 triệu đồng/20 ha.

Ngoài việc mất một số tiền khá lớn, người nông dân còn phải “trả giá” cho hơn 1 năm để thực hiện được khoảng 70 tiêu chí đánh giá mới có thể lấy được chứng nhận VietGAP và 234 tiêu chí đánh giá cho GlobalGAP.

Thời gian qua, đa số diện tích trái cây được chứng nhận VietGAP và GlobalGAP tại các tỉnh, thành Nam bộ hầu hết các dự án do chính quyền địa phương và doanh nghiệp bỏ tiền ra làm chứng nhận cho nông dân. Thế nhưng, giấy chứng nhận GAP ấy chỉ có giá trị trong vòng 1 năm. Năm sau muốn tái chứng nhận lại thì người nông dân phải tự bỏ tiền ra để làm.

“Chi phí cho lần tái chứng nhận cũng bằng với lần chứng nhận ban đầu. Do đó rất nhiều nông dân trong các mô hình, tổ hợp tác (THT) sản xuất hay HTX không có tiền để tái chứng nhận GAP nên họ đành buông xuôi” - bà Thanh nêu thực tế.

Phân tích nguyên nhân vì sao các mô hình GAP phải “sống dở chết dở”, TS. Nguyễn Văn Hòa cho biết, các mô hình đạt GAP còn quá nhỏ, sản lượng không nhiều nên không thể ký hợp đồng với đối tác; quy hoạch của trung ương còn chung chung, nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm đến những mô hình này; chính sách hỗ trợ cho sản xuất GAP đã có nhưng ở tầm vĩ mô. Các THT, HTX sản xuất và doanh nghiệp về cây ăn trái còn ít, mang tính hình thức…

Canh tác nông nghiệp theo quy trình GAP là hướng đi cho nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Thế nhưng, theo các chuyên gia trong ngành Nông nghiệp, nếu chỉ dừng ở cách làm hiện tại là hô hào nông dân làm GAP, những diện tích cây trồng đạt GAP chỉ mới dừng lại ở dạng mô hình… thì nông dân sẽ tiếp tục chán GAP như thực tế ở một số nơi.


Có thể bạn quan tâm

Vùng Triều Hồi Sinh Vùng Triều Hồi Sinh

Trên cánh đồng ngày xưa, người nuôi tôm Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi) từng khánh kiệt vì nguồn nước ô nhiễm, tôm chết hàng loạt. Nhưng rồi, trong cái khó người dân đã mạnh dạn đầu tư kiên cố trại, hồ thả nuôi cá, tôm kết hợp cua ở ba tầng nước và nhiều hộ đã thành công. Nay họ đang chăm cho cá, cua để kịp xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi.

16/01/2015
Cá Bớp Chết Chưa Rõ Nguyên Nhân Cá Bớp Chết Chưa Rõ Nguyên Nhân

Nhưng giờ đã lỗ gần 50 triệu đồng. Ông Vũ cho biết thêm, ông đầu tư vốn thả nuôi 860 con cá bớp giống từ tháng 8-2014. Nhờ chăm sóc kỹ nên cá nuôi phát triển rất tốt. Tuy nhiên, khi cá có trọng lượng từ 4 - 5kg thì bắt đầu có dấu hiệu bỏ ăn và chết từ từ. Mỗi ngày có từ 4 đến 5 con chết, thậm chí có ngày lên đến chục con.

16/01/2015
Giảm 50% Thiệt Hại Về Tôm So Với 2014 Giảm 50% Thiệt Hại Về Tôm So Với 2014

Để tổ chức kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ, giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm và giảm thiểu tồn dư kháng sinh trong sản phẩm thủy sản, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo tăng cường công tác thú y thủy sản với mục tiêu trong năm 2015 sẽ tập trung phòng, chống bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp trên nuôi tôm nước lợ.

16/01/2015
Nuôi Con “Mình Bạc Vây Vàng” Nuôi Con “Mình Bạc Vây Vàng”

Bãi biển Kim Sơn những ngày đầu năm 2015 khá trầm lắng. Vụ tôm năm trước, dịch bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy “làm mưa làm gió” vùng thủy sản. Làm ăn thua lỗ, chủ ao, đầm sợ mầm bệnh vẫn luẩn quẩn trong nước nên chẳng mặn mà đầu tư thả tôm giống.

16/01/2015
Nghệ An Kiểm Soát Con Giống Trong Nuôi Trồng Thủy Sản Nghệ An Kiểm Soát Con Giống Trong Nuôi Trồng Thủy Sản

Năm 2014, ngành nuôi trồng thủy sản (NTTS) tỉnh Nghệ An được đánh giá thắng lợi với tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt: Sản lượng nuôi trồng đạt gần 45.500 tấn, diện tích NTTS đạt trên 23.600 tấn, tổng giá trị sản xuất đạt khoảng 1.950 tỷ đồng. để phát huy tiềm năng lợi thế hơn nữa, ngành xác định cần chú trọng hơn nữa khâu sản xuất, kiểm soát con giống.

16/01/2015
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.