Mở Đường Cho Con Cá Tra
Con cá tra Việt Nam hiện đã có mặt ở 149 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng thêm 9 quốc gia so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ lại sụt giảm, sản phẩm đơn điệu, giá xuất khẩu liên tục tuột dốc, rào cản thương mại ngày càng khó khăn… là những thách thức ngăn bước phát triển của con cá tra.
Do đó, việc cần phải có nhiều giải pháp để giữ chân được khách hàng truyền thống, đồng thời mở rộng kênh tiêu thụ ra các thị trường mới, tiềm năng… đang được ngành chức năng, chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm.
Tiềm năng lớn
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2013, con cá tra vẫn duy trì vị trí thứ 2 sau con tôm, chiếm 26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra 10 tháng đầu năm đạt 1,4 tỉ USD, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm 2012.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), cho biết: "Từ năm 2010 đến nay, diện tích nuôi cá tra giảm 1,8%/năm, nhưng sản lượng tăng 2%, xuất khẩu tăng 5,8%. Dù cá tra Việt Nam đã có mặt ở 149 thị trường nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào 2 thị trường chính là EU và Mỹ, hiện chiếm gần 50% sản lượng xuất khẩu của cả nước".
Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu cá tra của 2 thị trường này vẫn chưa hồi phục. Trong đó, nhập khẩu cá tra của EU giảm 10,7%, Mỹ tăng 5,1%. ASEAN là thị trường có giá trị nhập khẩu cá tra thấp nhất trong 4 thị trường (Mỹ, EU, Trung Đông), nhưng lại có mức tăng trưởng cao nhất (tăng 12,4%) so với năm 2012. Xuất khẩu cá tra sang Trung Đông (Arap Xeut, Iran, Iraq, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập…) giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2012…
Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại, cần có chiến lược đa dạng hóa, khác biệt hóa sản phẩm để con cá tra có thể mặc cả trên thị trường thế giới.
Nhìn lại chặng đường xuất khẩu cá tra năm qua, bà Vũ Thị Thùy Ninh, Công ty Phân tích và Dự báo thị trường Việt Nam AgroMonitor, phân tích: Mặc dù bị áp thuế chống bán phá giá trong đợt POR8 và POR9 nhưng lượng nhập khẩu cá tra sang Mỹ vẫn đạt tăng trưởng dương, cho thấy sản phẩm cá tra vẫn được ưa chuộng tại thị trường Mỹ.
Theo dự báo của Bank of America, năm 2014, kinh tế Mỹ có tốc độ tăng trưởng vượt bậc (2,6%). Điều này có tác động tích cực tới nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cá tra tại đất nước này. Kinh tế khu vực châu Âu sẽ đạt mức tăng trưởng 0,8% và do đó cũng mở ra triển vọng tăng nhu cầu nhập khẩu cá tra trong năm 2014. Không những thế, lượng cá tra xuất khẩu sang Brazil và Colombia tăng trưởng dương liên tục từ năm 2010 đến nay. Từ vị trí thứ 12 trong năm 2010, Brazil vượt lên vị trí thứ 4 trong năm 2011, 2012 và vượt lên vị trí thứ 2 trong năm 2013.
Tương tự, Colombia từ vị trí thứ 13 trong năm 2010 vượt lên vị trí thứ 9 và 8 trong năm 2011 và 2012 và lên vị trí thứ 5 trong năm 2013. Như vậy, cho thấy nhu cầu sử dụng sản phẩm cá tra Brazil và Colombia đang ngày càng tăng cao và có thể tiếp tục tăng trong năm tới khi mà kinh tế thế giới được dự báo sẽ khởi sắc hơn.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, khuynh hướng giá xuất khẩu có khả năng tăng nhẹ trong năm 2014. Bởi nguồn cá nguyên liệu trong nước tiếp tục sụt giảm do chính sách thắt chặt tín dụng, doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư vùng nuôi, trong khi số hộ nông dân rơi vào cảnh lỗ lã ngày một nhiều hơn.
Trong năm tới, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến giảm khoảng 5% so năm 2013. Song, do có mức giá phải chăng nên cá tra vẫn là sự lựa chọn của người tiêu dùng nước ngoài. Nhu cầu tại thị trường các nước châu Á, Mỹ Latin sẽ không thay đổi. Trung Quốc có thể sẽ trở thành thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp khi đã có mức tăng trưởng đáng kể trong năm 2013, đạt 6% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, độ an toàn trong thanh toán ở thị trường này còn thấp, chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch nên có thể chưa tăng đột biến trong năm 2014...
* Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Theo ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), để duy trì đà tăng trưởng của ngành cá tra, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án đẩy mạnh xúc tiến thương mại cá tra. Mục tiêu nhằm nâng cao giá xuất khẩu và giá trị gia tăng các mặt hàng sản phẩm cá tra; quảng bá chất lượng và thương hiệu cá tra Việt Nam; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra, nâng cao thu nhập, hiệu quả cho người nuôi và doanh nghiệp.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2015, sản lượng cá tra tiêu thụ nội địa tăng 100%, đến năm 2020 tăng 300% so với năm 2012. Phấn đấu giá trị kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt 2,2 tỉ USD/năm và đạt 3 tỉ USD/năm trong năm 2020… Ngành nông nghiệp từng bước hoàn thiện bộ máy, chính sách; nâng cao năng lực xúc tiến thương mại; giữ vững thị trường; nâng cao giá trị, hình ảnh con cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế...
Tại Hội thảo "Phát triển thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cá tra tại ĐBSCL" vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, nhiều ý kiến cho rằng, phát triển thị trường phải gắn liền với nâng cao giá trị gia tăng của con cá tra trên thị trường quốc tế. Lâu nay, khi nói đến con cá tra, người ta chỉ chú ý đến xuất khẩu phần thịt cá phi-lê, các phần còn lại (xương, da, mỡ, bao tử, thịt vụn…) thường bị lãng quên. Trong khi đó, các phần này là nguồn nguyên liệu quý để chế tạo nhiên liệu sinh học, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...
Phó Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Phú Son, Trường Đại học Cần Thơ, đề nghị Hiệp hội Cá tra Việt Nam nên chú trọng vào 3 hoạt động: Nghiên cứu và dự báo thị trường thông qua việc liên kết với các Viện trường và Chi cục Thủy sản của các tỉnh; tư vấn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho đối tượng hộ nuôi cung cấp phần nguyên liệu còn thiếu của doanh nghiệp; tăng cường hoạt động nối kết thị trường giữa doanh nghiệp và nông dân.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Phó Chủ Tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: Thông tin yếu kém là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong bài toán cung cầu. Vì vậy, phải xây dựng hệ thống thông tin đủ sức cung cấp những thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ và minh bạch. Phát triển thị trường nước ngoài, thị trường trong nước phải xem là mục tiêu xuyên suốt.
Ngoài ra, các bộ, ngành hữu quan cần thực hiện các giải pháp thúc đẩy nhu cầu như: Xây dựng hình ảnh, thương hiệu, quảng bá hình ảnh con cá tra, đồng thời đề xuất những chính sách hỗ trợ, giải pháp làm tăng cầu, sản phẩm giá trị gia tăng, xây dựng các kênh tiêu thụ mới…
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty VietEuro (Công ty môi giới xuất khẩu hàng Việt Nam sang thị trường châu Âu), nhấn mạnh: "Bên cạnh chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, chiến lược khác biệt hóa cũng cần được thực hiện cho sản phẩm cá tra.
"Same, same but different – giống, giống nhau mà khác biệt" là một cách xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp cần đề cập thật rõ lợi ích của sản phẩm trên bao bì sao cho vừa bắt mắt, vừa dễ nhìn và viết bằng ngôn ngữ của vùng tiêu thụ. Song song đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh cá tra cần được quan tâm. Đã đến lúc cái tên TRA và BASA cần được nhắc đến nhiều hơn tại các hội chợ ngành thủy sản…".
Có thể bạn quan tâm
Theo Bộ NNPTNT, thời gian qua lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, hộ nuôi chỉ bị phạt hành chính, còn lợn ăn chất cấm vẫn được tiếp tục nuôi. Nhiều ý kiến cho rằng, khi phát hiện vật nuôi có chất cấm nhất thiết phải thực hiện tiêu hủy.
Đến giữa tháng 10/2015, huyện Phú Tân khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt gần 47.000 tấn, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm trước.
Trong nuôi thủy sản ta chú ý đến màu giả của nước nhiều hơn, vì qua đó có thể đánh giá sơ bộ môi trường nước đó giàu hay nghèo dinh dưỡng.
Qua hơn 10 tháng thực hiện mô hình nuôi tôm nước tĩnh từ sự liên kết của Hội Thuỷ sản TP Cà Mau với Công ty Tôm giống Dương Hùng, trung bình mỗi hộ thu nhập trên 30 triệu đồng/ha, một số hộ thu trên 50 triệu đồng/ha.
Quyết định 24/QÐ-UBND, năm 2014 của UBND tỉnh Cà Mau, cho sên vét đất, bùn thải cải tạo ao, đầm nuôi tôm quanh năm, làm mâu thuẫn giữa các hộ nuôi tôm quảng canh cải tiến và hộ nuôi công nghiệp ngày càng gay gắt.