Gạo Việt Không Lo Bị Mỹ Kiện
Giá thành sản xuất lúa thấp nhưng thực tế nông dân không có lời. Nếu có, chẳng qua chỉ kiếm được ở khâu lao động, đất đai, tiền vốn
Khi được hỏi về thông tin có thể phía Mỹ sẽ nộp đơn kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với gạo Việt Nam (đang được loan đi những ngày qua), ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, nói: “Chúng tôi đang chờ thông tin chính thức từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Nếu việc này xảy ra thì cơ quan quản lý nhà nước cần vào cuộc để hỗ trợ doanh nghiệp”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch VFA, tỏ thái độ không mấy quan tâm đến sự kiện này. Bởi theo ông Linh, gạo Việt Nam xuất sang Mỹ rất ít, mỗi lần chỉ vào trăm tấn gạo thơm và mỗi năm cũng xuất chỉ 5-10 container với tổng sản lượng chỉ vài ngàn tấn.
Chính vì vậy mà VFA không quá lo lắng khi Mỹ kiện chống bán phá giá. Cũng như vậy, ông Trần Thanh Vân, Phó Giám đốc Công ty CP Gentraco, cho rằng Việt Nam xuất khẩu gạo sang Mỹ rất ít nên không đáng ngại.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Đệ, Phó Khoa Phát triển nông thôn - Trường ĐH Cần Thơ, cho rằng Việt Nam chủ yếu xuất gạo thơm cho người Mỹ gốc châu Á dùng.
Do vậy, việc Mỹ áp dụng chống bán phá giá đối với gạo và có thể kiện Việt Nam là điều không đáng lo nhưng qua đó cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam. Điều này bắt nguồn từ việc cách tính giá thành sản xuất lúa.
Theo ông Đệ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là mỗi mùa vụ phải bảo đảm cho nông dân có lời 30% nhưng khi Bộ Tài chính và Bộ Công Thương điều tra thông tin về giá thành sản xuất thì chỉ tính chi phí tiền mặt (thuê mướn nhân công, cày bừa, phân thuốc…) trong khi những chi phí cố định (máy bơm nước, sân phơi, nhà kho…) không được đưa vào; cũng không tính tới phí cơ hội sử dụng đất và sử dụng tiền mặt.
Nếu nông dân đi thuê đất trồng lúa bình quân khoảng 30 triệu đồng/ha/3 vụ, mỗi vụ phải mất 10 triệu đồng. Bình quân mỗi hộ phải chi từ 15-20 triệu đồng trong mùa vụ, đến thu hoạch mới lấy lại thay vì số tiền này đem gửi ngân hàng cũng sinh lợi.
Người lao động trong các ngành nghề khác khi thất nghiệp có bảo hiểm thất nghiệp, nông dân đang làm ngoài đồng bị sét đánh hay nhiễm phân, thuốc trừ sâu… thì tự chịu.
Ông Đệ phân tích thêm: “Do không tính những phí kể trên nên giá thành sản xuất lúa thấp nhưng thực tế nông dân không có lời. Gạo Việt Nam chưa có tiền lệ bị áp thuế chống bán phá giá. Phần lớn gạo Việt Nam chỉ xuất sang những thị trường không đòi hỏi chất lượng cao nên doanh nghiệp pha trộn, giống không đồng nhất và bán giá rẻ.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang - cho biết tỉnh này có khoảng 5 doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao vào thị trường Mỹ nhưng sản lượng không đáng là bao so với các thị trường truyền thống khác.
“Nhờ các doanh nghiệp xây dựng vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao nên giá gạo xuất khẩu sang Mỹ luôn cao hơn các thị trường khác từ 20% đến 30%. Vấn đề còn lại là các bộ, ngành liên quan cần sớm có lộ trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam để có cơ sở bảo vệ quyền lợi cho các đơn vị xuất khẩu khi tranh chấp xảy ra”.
Trong nguy có cơ
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho rằng việc bán gạo với giá thấp cũng giống như đang thực hiện bao cấp cho các thị trường xuất khẩu trong khi đời sống nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Việt Nam vẫn chưa có giá sàn xuất khẩu gạo nên dễ dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp bỏ thầu với giá thấp để trúng thầu.
Việc gạo Việt Nam đương đầu với các biện pháp bảo hộ thương mại của Mỹ trong thời gian tới là khó tránh khỏi nhưng đây là cơ hội tốt nhất để nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam vốn bị bỏ ngỏ từ bấy lâu nay.
Gạo Việt Nam phải được bán với giá tương đương với Thái Lan ở thị trường khó tính này để doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân đều hưởng lợi. Lúc đó, nhà nước cũng có thể dễ dàng thu lại khoản vay làm thủy lợi phí với số vốn lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Trong hơn 10 năm trở lại đây, các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong xuất khẩu, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.
Tiếp tục đà sụt giảm từ đầu năm đến nay, tính chung 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 3,53 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014.
Viện Nghiên cứu và phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐH Cần Thơ) đã nghiên cứu lai tạo và khôi phục nhiều giống lúa chịu mặn, chịu phèn giỏi.
Nhanh tay cấy nốt diện tích lúa của gia đình, chị Nguyễn Thị Minh, xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) cho biết: Ngay sau khi thu hoạch lúa xuân, gia đình tôi tiến hành làm đất, vì vậy có thể cấy lúa mùa sớm nhằm tạo quỹ đất cho sản xuất cây vụ đông ưa ấm. Cũng như gia đình chị Minh, đến thời điểm này, gia đình anh Vũ Văn Hải, xã Hải Tây (Hải Hậu) cũng đã hoàn thành việc gieo cấy lúa mùa.
"Sáng cấy, chiều gặt” là câu nói vui của diêm dân về nghề sản xuất muối nhưng ẩn giấu trong đó bao nỗi nhọc nhằn.