Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mùa Mía Đắng Ở Gia Lai

Mùa Mía Đắng Ở Gia Lai
Ngày đăng: 09/03/2013

Mía trổ bông trắng ngoài đồng nhưng khó tiêu thụ, nguy cơ mía cháy dữ dội trên diện rộng… khiến người trồng mía lo lắng, đứng ngồi không yên. Người nông dân ở đây đang đối mặt với một “mùa mía đắng”.

Nguy cơ lỗ nặng

Đứng trầm ngâm trước đống mía được chặt đang chờ xe tải đến bốc, bà Nguyễn Thị Hương ở xã Thành An, thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), thở dài: “Năm nay nắng nóng kéo dài, năng suất mía rất kém, cộng với việc đốn mía chậm cũng khiến chữ đường trong mía giảm. Hơn nữa, với giá thu mua của Nhà máy đường An Khê (thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi), tính ra mỗi tấn mía của chúng tôi thu về chưa đến 700.000 đồng. Trong khi giá vật tư, phân bón, công thuê chặt bốc vác lại rất cao nên người trồng mía may mắn lắm thì huề, còn lại thì lỗ nặng”.

Gia đình anh Trần Xuân Huy, ở thôn 2, xã Nghĩa An, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai), có 2ha mía đã đến kỳ thu hoạch, trổ bông trắng xóa nhưng chờ mãi vẫn chưa được nhà máy cấp phiếu đốn. Không đành lòng nhìn công sức của mình bị “đổ sông, đổ biển”, anh đành bán cho các đại lý với giá chưa tới 3 triệu đồng/sào. Với giá mía như vậy, sau khi trừ chi phí, xem như hết. Đồng cảnh ngộ, ông Lê Hùng Tính ở xã Đăk Hlơ (huyện Kbang) cũng có 3ha mía chín nhưng vẫn đang nằm chờ ngoài ruộng, không biết đến khi nào mới được thu hoạch. “Cứ đà này nông dân chúng tôi sẽ thiệt hại nặng vì mía khô, thêm một ngày là thêm lo”, ông Tính lo lắng.

Không riêng gì vùng Đông Gia Lai (gồm thị xã An Khê, các huyện Đăk Pơ, Kông Chro, Kbang), mà ở vùng mía Đông Nam Gia Lai như: thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện, Ia Pa, người dân cũng đang kêu trời vì mía. Ông Lê Văn Vinh, ở xã Ia Yeng (huyện Phú Thiện) cho biết, nhà ông có 4,2ha mía. Ước tính sau khi thu hoạch sẽ thua lỗ vài chục triệu đồng vì năng suất giảm, vì Nhà máy đường Ayun Pa (thuộc Công ty CP Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai) áp dụng mức giá thấp. Theo phản ánh của người dân vùng này, chi phí đầu tư trồng 1ha mía mất xấp xỉ 30 triệu đồng, nếu trừ hết chi phí thì lỗ nặng.

Trong các nỗi lo, việc tìm xe chuyên chở mía cũng là bài toán khó. Vào chính vụ, do nhu cầu cao nên xe chở mía khan hiếm, giá chuyên chở vì vậy cũng tăng cao. Những người trồng mía đang hết sức lo lắng vì nếu việc thu hoạch kéo dài đến mùa mưa ở Tây Nguyên (bắt đầu từ tháng 4 hàng năm), nhân công sẽ rất khó kiếm và gặp rất nhiều khó khăn trong vận chuyển… Những ngày này, dọc hai bên quốc lộ 19, quốc lộ 25 (thuộc vùng chuyên canh cây mía vùng Đông Gia Lai, Đông Nam Gia Lai), những rẫy mía đã trổ cờ trắng phau vẫn đang đứng phơi cùng nắng hạn gay gắt.

Khó chồng khó

Đáng nói nhất là nguy cơ mía cháy trên diện rộng cũng đang làm người trồng mía “ăn không ngon, ngủ không yên”. Chỉ trong hai tuần qua, trên địa bàn các huyện Phú Thiện, Ia Pa và thị xã Ayun Pa đã có 41 ruộng mía bị cháy, làm thiệt hại gần 70ha mía đang kỳ thu hoạch. Vừa tham gia chữa cháy trở về, quần áo lấm lem bụi than, hớp vội ngụm nước, ông Nguyễn Trung Kiên ở xã Ia Sol (huyện Phú Thiện) cho biết: “Mía cháy khắp nơi. Các xã Ia Sol, Ia Peng, Chư A Thai, Choroh Pơnan, Ia Yeng (huyện Phú Thiện); xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa); xã Pờ Tó, Kim Tân (huyện Ia Pa)… chỗ nào cũng có đám cháy. Đang dập lửa ở ruộng mía này, ruộng mía khác lại bùng cháy không thể nào dập kịp được”. Tính từ tháng 1 đến nay, toàn vùng Đông Nam Gia Lai đã xảy ra gần 450 vụ cháy mía, thiệt hại gần 570ha, với trên 36.000 tấn mía. Tổng thiệt hại do các vụ cháy gây ra ước tính gần 35 tỷ đồng.

Ông Nay Loát ở xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) có gần 5ha mía vừa bị cháy rụi đêm 23-2. Sau một năm vất vả, giờ đây những gì nhà ông nhận được là những đám ruộng cháy đen kịt. Chỉ những cây mía bị cháy nham nhở, ông Nay Loát nói như khóc: “Cháy hết rồi, chỉ mong vớt vát chút ít để đầu tư cho vụ sau thôi”. Theo ông Nay Loát, mía bị cháy mất 30%-40% giá trị so với bán mía tươi, do nhà máy trừ hao hụt tạp chất đến hơn 10%. Chưa kể mất sản lượng vì mía bị khô, chi phí cho công đốn và vận chuyển mía từ ruộng ra xe tải cũng tăng, bình quân mỗi hécta mía cháy, nông dân thiệt hại khoảng 20 triệu đồng.

Theo thống kê của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến đầu tháng 3, lượng đường tồn kho tại các nhà máy đường trong nước là gần 350.000 tấn (kể cả đường thô). Đây là lượng tồn kho rất lớn. Dù vậy, các nhà máy vẫn đang cố gắng duy trì mức giá thu mua mía như đầu tháng 2. Giá mía miền Trung - Tây Nguyên được các nhà máy thu mua 900.000-970.000 đồng/tấn, khu vực ĐBSCL ở mức 855.000-940.000 đồng/tấn. Tuy nhiên, đại diện nhiều nhà máy cho rằng, nếu đầu ra xuất khẩu và tiêu thụ đường trong nước còn tiếp tục tắc như hiện nay thì giá thu mua mía cho nông dân sẽ giảm xuống nhiều.

Niên vụ sản xuất mía đường 2012- 2013, toàn tỉnh Gia Lai có hơn 30.000ha mía nguyên liệu. Vùng đất Gia Lai đầy nắng và gió, hiện được xem là trung tâm sản xuất mía đường của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chỉ tính riêng vùng nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê đã mở rộng lên khoảng 24.000ha. Với sản lượng đó, vùng nguyên liệu này hoàn toàn đảm bảo cung ứng đủ mía, phục vụ cho việc nâng công suất của nhà máy lên mức 10.000 tấn mía cây/ngày (kế hoạch đã được đặt ra trong niên vụ 2011-2012). Thế nhưng, vì một số lý do, niên vụ 2012-2013, Nhà máy đường An Khê chỉ nâng công suất lên được 7.000 - 7.500 tấn mía/ngày; cùng đó là việc lắp đặt máy móc chưa đồng bộ, lượng mía cây trong vùng tăng nhanh qua từng năm, một cách tự phát, vì thế, mía ứ đọng nhiều làm cho người nông dân càng thêm khó.

Trước tình hình này, Nhà máy đường An Khê đưa ra một số giải pháp, như chia sẻ nguyên liệu mía cho các nhà máy đường Bình Định, Kon Tum… Tuy nhiên, các giải pháp này không hữu hiệu. Để đưa mía lên Nhà máy đường Kon Tum hay xuống Nhà máy đường Bình Định tiêu thụ, nông dân phải chịu chi phí rất cao, khoảng 2 triệu đồng/chuyến xe. Đã thế, việc khủng hoảng thừa nguyên liệu mía khiến giá thu mua tại các nhà máy cũng chỉ dao động ở mức gần 1 triệu đồng/tấn 10 chữ đường. Trong khi chi phí đầu tư đã ở mức xấp xỉ 30 triệu đồng/ha. Việc tiêu thụ mía chậm như hiện nay ở các vùng nguyên liệu của Nhà máy đường Ayun Pa và Nhà máy đường An Khê cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy cho vụ mía sau. Nếu vụ năm nay thu hoạch muộn, tuổi thu hoạch mía của vụ sau sẽ ngắn lại, dẫn đến độ đường trong mía cũng thấp là điều đương nhiên. Tại Khánh Hòa, người dân vùng mía Ninh Hòa cũng đang như ngồi trên đống lửa, sốt ruột về những đống mía chất ngoài ruộng, bên lề đường chờ xe vận chuyển. Vẫn chuyện năm trước, giá cước vận chuyển thấp, lái xe chở quá tải để bù lại, và rồi thanh tra, công an “thổi còi”, lại ngồi “mặc cả” với nhau, và mía vẫn đang chờ vào nhà máy…

Trong buổi làm việc mới đây, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Giám Nhà máy đường An Khê, cho biết: “Đến thời điểm tháng 3, nhà máy đã tiêu thụ được khoảng 500.000 tấn mía cây trong dân. Nhà máy cố gắng kéo dài thời vụ thu mua trong thời gian cho phép, chậm nhất là đến cuối tháng 5, nhằm đảm bảo thu mua hết nguyên liệu cho các nông hộ vùng Đông Gia Lai. Nhà máy cũng đã lên lịch thu mua mía hợp lý đến từng chân ruộng, vùng nào có diện tích mía chín rộ hoặc ở những vùng có nguy cơ rủi ro thì hợp đồng mua trước, ở những vùng an toàn thì mua sau”.


Có thể bạn quan tâm

Kiếm Tiền Triệu Nhờ Tôm Gỗ, Bông Gòn Kiếm Tiền Triệu Nhờ Tôm Gỗ, Bông Gòn

Giữa sóng nước bao la, những ngư dân lão luyện của làng chài Châu Thuận Biển, Bình Châu (Bình Sơn - Quảng Ngãi) chỉ cần dăm con tôm gỗ, vài bao nilon đựng bông gòn… là đánh bắt được những con mực lá, mực nang trắng phau, nặng trịch. Kỹ thuật dùng mồi giả để “dụ” cá, mực... là sự đúc kết kinh nghiệm đi biển từ bao đời của ngư dân làng chài trù phú nhất nhì tỉnh.

26/12/2014
Khai Thác Cá Đồng Mùa Lũ Rút Dư Thừa Nguồn Nguyên Liệu Để Làm Mắm Cá Chốt! Khai Thác Cá Đồng Mùa Lũ Rút Dư Thừa Nguồn Nguyên Liệu Để Làm Mắm Cá Chốt!

Anh Nguyễn Mạnh Cường, chủ vựa cá ở phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc cho biết: Giá cá chốt từ đầu vụ bán cho người làm mắm được 10.000 đồng/kg. Nhưng do nguồn nguyên liệu ứ thừa, nên từ hai tháng nay, không còn người mua để chế biến các loại mắm, đành phải hạ giá xuống còn 7.000 đồng/kg bán làm thức ăn gia súc!

26/12/2014
Ninh Thuận Triển Khai Kế Hoạch Nuôi Tôm Nước Lợ Năm 2015 Ninh Thuận Triển Khai Kế Hoạch Nuôi Tôm Nước Lợ Năm 2015

Trong năm 2015, Chi cục Nuôi trồng thủy sản khuyến cáo bà con ổn định diện tích, thả giống đúng lịch thời vụ. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, thành lập các Tổ hợp tác nuôi tôm quy mô lớn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất; tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, đảm bảo lợi ích cho các hộ nuôi…

26/12/2014
Thanh Tân (Thái Bình) Ðẩy Mạnh Chăn Nuôi Theo Quy Trình VietGAP Thanh Tân (Thái Bình) Ðẩy Mạnh Chăn Nuôi Theo Quy Trình VietGAP

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Mạnh Hà, Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết: Ðể tạo điều kiện cho người dân phát triển chăn nuôi theo hướng VietGAP xã hỗ trợ 100% vỏ hầm biogas, thành lập câu lạc bộ chăn nuôi cho người dân tham gia học tập và chia sẻ kinh nghiệm.

26/12/2014
Hiệu Quả Từ Mô Hình Hợp Tác Xã Chăn Nuôi Gà Đồi Hiệu Quả Từ Mô Hình Hợp Tác Xã Chăn Nuôi Gà Đồi

Ông Thành cho biết: Con giống tự tìm nên không chuẩn, do nhiều giống gà khác nhau, nên khó khăn cho việc chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, việc tìm nguồn thức ăn chăn nuôi cũng gặp không ít khó khăn, giá thành khi mua lẻ các loại thức ăn gia cầm từ các cửa hàng cao, trừ chi phí, lãi thu về không nhiều.

26/12/2014