Gạo bao thai Dực Yên cơm bông đều, dẻo, thơm, bùi ngậy
Trên đường đến xã Dực Yên, anh Đoàn Văn Thành, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đầm Hà cùng đi, cho biết: Giống lúa bao thai được gieo trồng ở một số xã trong huyện nhưng ở Dực Yên là ngon nhất. Giống này có thời gian sinh trưởng dài hơn so với một số giống lúa khác, nhưng năng suất lại không cao, nên nhiều hộ không còn mặn mà như trước nữa, dẫn đến diện tích giảm dần…
Tiếp chúng tôi tại trụ sở, anh Tạ Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Tuấn Hùng, cho biết: Là một trong 4 HTX thành lập mới đầu năm nay trên địa bàn, để tham gia phát triển các sản phẩm OCOP của địa phương với hai sản phẩm chủ lực là gạo bao thai và lạc tím, hiện HTX đang gieo cấy 20ha giống lúa bao thai thuần chủng của địa phương.
Anh Tạ Ngọc Tuấn, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ và Sản xuất nông - lâm - thuỷ sản Tuấn Hùng, giới thiệu sản phẩm gạo bao thai Dực Yên của HTX.
Tuy thời gian sinh trưởng dài ngày (5 tháng) mới cho thu hoạch, nhưng giống lúa bao thai phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, gạo có chất lượng cao, khi thổi cơm, cơm bông đều, dẻo, thơm và có vị bùi ngậy. Đặc biệt, gạo bao thai là nguyên liệu chính để làm ra các thực phẩm như bánh phở, bánh gật gù. Với 20ha canh tác giống lúa bao thai, HTX thu hoạch được 60 tấn thóc, sau khi xay xát thu về trên 40 tấn gạo, giá bán 18.000 đồng/kg. Do ngày càng được nhiều người biết đến, nên sản phẩm gạo bao thai Dực Yên của HTX bán khá chạy. Vụ vừa qua, HTX đã thu mua trên 200 tấn thóc bao thai của bà con trong và ngoài xã để cung cấp ra thị trường.
Anh Tạ Ngọc Tuấn cho biết thêm, dịp Hội chợ OCOP được tổ chức tại TP Hạ Long vừa qua, do đường xa, lại bận bịu công việc chế biến xưởng gỗ của gia đình, nên anh chỉ mang được hơn 2,5 tạ gạo bao thai Dực Yên tham gia bày bán tại gian hàng của huyện. Với giá bán 20.000 đồng/kg, chỉ trong 2 ngày đã tiêu thụ hết, nhiều người hỏi mua mà không có bán. Sau hội chợ, đã có một số đơn vị đặt hàng, nhưng do hiện nay dây chuyền sản xuất theo mô hình khép kín của HTX chưa hoàn thiện nên chưa dám nhận lời. Hiện các cơ quan chức năng của huyện Đầm Hà đang hướng dẫn HTX Tuấn Hùng hoàn tất thủ tục để huyện hỗ trợ kinh phí lắp đặt dây chuyền xay xát, từ khâu xay xát, đến đánh bóng, đóng gói sản phẩm, bảo quản..., nhằm đảm bảo về vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng của gạo.
Cùng với sản phẩm gạo bao thai Dực Yên đang được nhiều người tiêu dùng biết đến, hiện HTX đang trồng 10ha lạc tím, mỗi năm cho thu hoạch trên 5 tấn lạc củ. Tuy sản lượng không cao, hạt lại nhỏ hơn so với giống lạc khác, nhưng lạc tím Dực Yên thơm, bùi, béo ngậy hơn. Giá bán từ 60.000-70.000 đồng/kg, nhưng vẫn được nhiều người tiêu dùng tìm mua, nhất là khách từ Hà Nội.
Tại hội chợ sắp tới được tổ chức tại Hà Nội, HTX sẽ mang 1 tấn củ lạc khô và 5 tạ gạo bao thai tham gia gian hàng bày bán.Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của huyện, đến nay các sản phẩm OCOP của huyện như: Củ cải khô, củ cải phên, rượu khoai Quảng Lâm, rượu khoai Quý Chuẩn, rượu sim Quý Chuẩn, ngan sao Đại Bình, trứng vịt biển Tân Bình, gạo bao thai Dực Yên, cá song Đức Thịnh, nấm linh chi Đầm Hà đã có logo, nhãn mác bao bì.
Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Đảng uỷ xã Dực Yên Vũ Quốc Hưng cho biết, thực hiện chương trình OCOP của tỉnh, của huyện, xã luôn tạo điều kiện khuyến khích các HTX, đơn vị, cá nhân tham gia đăng ký phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Qua đó, từng bước mở ra hướng sản xuất tập trung theo hướng hàng hoá, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động địa phương, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Đó là ông Nguyễn Tác Tân - Trưởng thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông Tân đã bàn bạc với 134 hộ nông dân trong thôn Vị Hạ xây dựng mô hình "Tổ hợp tác áp dụng cơ giới hoá tổng hợp trong sản xuất lúa". Mô hình có quy mô diện tích 26 ha.
Nuôi ba ba chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc, kỹ thuật nuôi đơn giản, ít dịch bệnh nhưng mang lại hiệu quả kinh tế lại khá cao. Đó là nhận định của những hộ dân nuôi ba ba xã Cần Đăng (Châu Thành – An Giang). Đây được xem là một trong những mô hình thoát nghèo hiệu quả của địa phương…
Từ năm 2010, hồ thủy điện Sơn La bắt đầu tích nước. Khai thác tiềm năng mặt nước lòng hồ này, bà con ven hồ xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã triển khai mô hình nuôi cá lồng, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Đây là tín hiệu tốt để nhân dân ven hồ, bao gồm bà con các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên phát huy lợi thế 214 km2 mặt nước hồ thủy điện Sơn La để phát triển kinh tế gia đình.
Vừa qua, một số ao nuôi tôm sú tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa - Thanh Hóa) xuất hiện tôm chết (khoảng 2 triệu con). Sau khi biết tin, các cán bộ phòng nông nghiệp huyện cùng Chi cục Thú y tỉnh đã xuống các đồng nuôi kiểm tra, lấy mẫu đi phân tích.
So với cấy lúa, trồng ngô, trồng sắn…thì trồng su su đạt hiệu quả gấp 6,7 lần. Đó là nhận định của bà con nông dân tại xóm Biệng, xã Quyết Chiến, huyện Tân Lạc (Hòa Bình), nhiều gia đình đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.