Gà Mỹ nhập vào Việt Nam người chăn nuôi điêu đứng
Dân điêu đứng
Là vùng chăn nuôi gà lớn nhất của cả nước với hơn 4 triệu con, nhưng từ đầu năm đến nay, người nuôi gà ở các tỉnh Đông Nam bộ đang điêu đứng vì chăn nuôi lỗ khi không cạnh tranh nổi với giá thịt gà ngoại nhập. Cũng là chủ trang trại nuôi gà lớn, ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho biết giá gà thịt trong nước xuống quá thấp trong thời gian qua đã làm người nuôi gà lỗ nặng. Nếu như bình thường, một năm nuôi 5 lứa gà thì hiện nay các trại chỉ nuôi cầm chừng 3 lứa/năm.
“Bây giờ chỉ nuôi để chờ thôi, chứ càng nuôi càng lỗ”- ông Quyết nói. Vì sao lỗ vẫn nuôi? Theo ông Quyết thì hiện 3.000 trang trại nuôi gà ở vùng Đông Nam bộ, người chăn nuôi đang nợ ngân hàng hàng ngàn tỷ đồng nên phải duy trì. Nhưng tình hình này kéo dài thì ngành chăn nuôi gà sẽ chết.
Nguyên nhân về tình trạng này, theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ là giá gà ngoại nhập với 70% từ Mỹ về Việt Nam được bán quá rẻ 20 nghìn đồng/kg. Một con số được hiệp hội này đưa ra cho thấy năm 2014, Việt Nam nhập khẩu hơn 80 ngàn tấn gà thịt, giá dao động từ 1,2-2,2 USD/kg, thì chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm nay, lượng gà nhập đã là 50 ngàn tấn với giá chỉ còn 0,65-1 USD/kg.
Giá gà nhập càng rẻ thì sản lượng nhập khẩu càng tăng. Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ đặt nghi vấn thịt gà ngoại đang được bán phá giá tại Việt Nam. Cơ sở này đã được Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ thực hiện khảo sát tại thị trường Mỹ cho thấy giá gà thịt được bán với khoảng 200 ngàn đồng, đùi gà khoảng 70 - 80 ngàn đồng. Trong khi nhập về Việt Nam, giá gà nguyên con chỉ khoảng 90 ngàn đồng/kg, đùi gà 20 ngàn đồng/kg.
Ông Quyết khẳng định, không thể có giá rẻ đến mức vô lý như vậy được và đặt nghi vấn gà nhập đang bán phá giá vào Việt Nam hoặc là nguồn gà cận date, gà nhập về từ vùng dịch bệnh. “Nếu điều này xảy ra thì hết sức nguy hiểm cho ngành chăn nuôi trong nước và sức khỏe người tiêu dùng”- ông Quyết cho hay.
“Phải xem Mỹ họ nuôi quy mô trang trại thế nào để so sánh. Việc so sánh phải áp dụng trên cùng giống gà, cùng thức ăn, cùng quy mô. Không thể so sánh một người nuôi một ngàn con với một người nuôi một con”.
Phó Cục trưởng Chăn nuôi Tống Xuân Chinh
Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề trên, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, dù lợi thế hơn Việt Nam một chút về thức ăn, nhưng nếu giá thịt gà Mỹ chỉ bán 20 nghìn đồng/kg là chuyện không thể. “Chẳng hạn Cty CP Chăn nuôi CP. Việt Nam là doanh nghiệp chăn nuôi rất lớn nhưng giá thành gà hơi công ty này cũng tới 29-30 nghìn đồng/kg. Nếu giá thịt gà Mỹ chỉ 20 nghìn đồng/kg thì sẽ biết chúng ta cạnh tranh thế nào”- ông Chinh nói.
Về ý kiến nói người Mỹ chỉ lấy ức gà, còn phần dùi, cánh, chân họ bán “rẻ như cho”. ông Chính cho rằng: “Nếu đúng rẻ thì người dân được hưởng, nhưng quan trọng là cơ quan chức năng Việt Nam phải khẳng định được nó chất lượng thế nào. Ở châu Âu, họ bán lườn gà giá cao gấp 9 -10 lần cánh gà, họ thu đủ từ lườn gà thì cánh bán rẻ đi”.
Thực tế, từ đầu tháng 5/2015, Bộ NN&PTNT đã tạm dừng nhập thịt gà từ Mỹ do có dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, gà Mỹ giá rẻ hiện vẫn bán tràn lan nhiều nơi. Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết: “Nếu có hợp đồng ký trước tháng 5 họ vẫn tiếp tục thực hiện. Mặt khác, ở Việt Nam không phải lúc nào cũng kiểm soát chặt được tạm nhập tái xuất”.
Theo ông Chinh, vài năm trước, khi gà loại thải được nhập nhiều về từ Hàn Quốc, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với các loại thịt nhập khẩu nằm trong thông tư 25. Hàng rào dựng lên chủ yếu liên quan đến an toàn thực phẩm, về vi sinh vật, chất cấm…
Thực tế, các lô hàng nguồn gốc chăn nuôi nhập khẩu về, đều có đáp ứng kiểm dịch, lấy mẫu phân tích trước khi cho nhập khẩu. Nghĩa là nếu hàng vào siêu thị, thì đều đáp ứng được các tiêu chuẩn.
Kiện không dễ
Từ việc khảo sát giá tại thị trường Mỹ, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ cho biết, sẽ khởi kiện chống bán phá giá với thịt gà Mỹ, vì gây thiệt hại lớn ngành chăn nuôi gia cầm trong nước, đặc biệt là vùng Đông Nam bộ.
Theo ông Lê Sỹ Giảng, nguyên Phó Trưởng phòng Điều tra Phòng vệ thương mại (Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương), nếu so sánh giá, phải so sánh giá bán thịt gà tại Việt Nam và giá bán ở Mỹ và cùng cấp độ, chẳng hạn như giá khi xuất xưởng, hay giá bán buôn cấp 1. Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ nêu được hiện tượng trên là điều kiện rất tốt, còn cụ thể, phải điều tra mới rõ và đây là trách nhiệm của cơ quan điều tra.
Tuy nhiên, theo ông Giảng, khi chuẩn bị hồ sơ, theo quy định, người đứng đơn kiện đó (và người ủng hộ kiện), phải có tỷ lệ đại diện nhất định (chiếm thị phần ít nhất 25% trong ngành). Khi phân tích thiệt hại, phải nói trên góc độ cả ngành, để tính toán, chứ không đơn lẻ. “Bản thân đơn kiện không bao giờ chuẩn xác 100%, nhưng phải có tính đại diện để chứng minh người ta đang bán phá giá”- ông Giảng nói.
Là người tham gia nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, ông Giảng khuyên các doanh nghiệp, hiệp hội, ngoài các dữ liệu chứng cứ từ các thành viên hiệp hội, cần kèm theo các báo cáo, đánh giá chính thức khác. Đồng thời sử dụng các thông tin đáng tin cậy, sẵn có như các thông tin trên tạp chí, hoặc trang web chuyên ngành từ Mỹ để tham khảo thêm.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 22-7, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật,cho hay dự kiến từ ngày 1-8 tới, Việt Nam chính thức mở cửa nhập khẩu trở lại ba loại quả là cam, quýt và nho từ Úc sau hơn nửa năm tạm dừng.
Theo ông Hoàng Trung, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự kiến từ ngày 1/8 tới, Việt Nam chính thức mở cửa nhập khẩu trở lại 3 loại quả cam, quýt và nho từ Úc sau hơn nửa năm tạm dừng.
Lâu nay, cụm từ “trông chờ, ỷ lại” thường được gán cho nông dân một cách áp đặt khi nói về nguyên nhân của tư duy sản xuất lạc hậu, trì trệ, kém phát triển; trong khi điều mà họ cần là một định hướng phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả để làm “điểm tựa” chứ không hoàn toàn là sự hỗ trợ mang tính “mùa vụ”. Khắc phục điểm yếu này, Hội Nông dân tỉnh đang triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ hội viên bằng phương pháp “Cầm tay chỉ việc”.
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp (NN) của huyện Hoàng Su Phì đạt được những kết quả đáng khích lệ. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất NN theo hướng hàng hóa; huyện đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực đưa máy móc vào sản xuất, chế biến nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao thu nhập cho người dân.
Ăn phải thịt heo có tồn dư chất tạo nạc sẽ bị ngộ độc, lâu dài có thể gây biến chứng ung thư.