Giá gà giảm mạnh, người chăn nuôi lỗ nặng

Giá gà nhập khẩu giá rẻ hơn so với giá gà trong nước khiến người chăn nuôi khó tiêu thụ sản phẩm và bị lỗ nặng. Trong ảnh: Chọn mua gà tại siêu thị Co.op Mart Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Hoài Nam, chủ trang trại chăn nuôi gà ở thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc (huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) cho biết, từ đầu tháng 7 trở lại đây, giá gà các loại “rớt” mạnh. Gà ta giảm 15.000 đồng/kg, chỉ còn 50.000 - 55.000 đồng/kg.
Gà tam hoàng hiện đã giảm thêm 10.000 đồng/kg, chỉ còn 27.000 - 28.000 đồng/kg. Riêng gà công nghiệp (gà trắng) từ mức giá 30.000 - 32.000 đồng/kg giảm xuống còn 25.000 đồng/kg. Theo ông Nam, hiện trang trại của ông đang có gần 2.000 con gà ta chưa bán được do không có nơi tiêu thụ. “Hiện người chăn nuôi gà đang phải chịu lỗ từ 5.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại” - ông Nam cho biết thêm.
Chủ các trang trại chăn nuôi gà tại huyện Châu Đức cho biết, hiện nhiều trại gà đã quá lứa (từ 2,5 - 2,8kg/con) nhưng vẫn không xuất chuồng được. Trong khi đó, mỗi ngày các trang trại vẫn phải bỏ ra hàng triệu đồng chi phí thức ăn và nhân công. Một số chủ trang trại đã phải chở gà đi bán lẻ tại TP. Vũng Tàu và TP. Bà Rịa.
Ông Nguyễn Đình Minh, chủ trại gà ta tại xã Suối Rao cho biết, từ cuối tháng 3-2015, gia đình ông mua hơn 2.000 con gà về nuôi. Bình thường, sau 4 tháng gà có thể xuất bán với trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con.
Thế nhưng, hiện trại gà của gia đình ông còn hơn 500 con gà đã quá lứa, trọng lượng từ 2,5 - 2,8kg/con nhưng vẫn không bán được. Một tuần trở lại đây, mỗi ngày ông phải chở 40 - 50 con gà xuống TP.Vũng Tàu bán. “Bán kiểu như vậy cũng chỉ giảm bớt lỗ chứ không có lãi. Sau đợt nuôi này chắc gia đình tôi phải “treo” chuồng chứ càng nuôi càng lỗ” - ông Minh nói.
Nguyên nhân khiến giá gà các loại giảm mạnh trong thời gian qua là do gà nhập khẩu nhiều, giá lại rẻ hơn nhiều so với gà nuôi trong nước. Theo tính toán của Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam bộ, lượng gà nhập khẩu chiếm gần 40% tổng sản lượng gà công nghiệp nuôi trong nước.
Thịt gà Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam chỉ có giá 20.000 đồng/kg, trong khi giá gà hơi ở Việt Nam lại đắt hơn gà thịt của Mỹ tới 15.000 đồng/kg. Tại miền Đông Nam bộ có hơn 3.000 trang trại với tổng đàn hơn 8 triệu con, tính ra mỗi tháng các trang trại ở khu vực này lỗ 80 - 90 tỷ đồng.
Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ cũng đã kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước cần siết chặt việc nhập khẩu thịt gà đông lạnh như hiện nay.
Một nguyên nhân khác khiến giá gà các loại giảm mạnh và khó bán là do cung đã vượt xa cầu, trong khi đó người chăn nuôi thiếu thông tin về tình hình chăn nuôi như giá cả thị trường, sức tiêu thụ, tổng đàn tại địa phương….
Ông Thân Xuân Động, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho rằng, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn việc nhập gà thải loại, gà nhập lậu, cũng như cần hạn chế tối đa nhập khẩu các sản phẩm gia cầm không đạt tiêu chuẩn về chất lượng. Việc hình thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gà cũng rất cần thiết để tăng sức cạnh tranh các sản phẩm gà trong nước trên thị trường.
Đây cũng là vấn đề mà các chủ trang trại chăn nuôi đang hết sức lo ngại khi Việt Nam chính thức tham gia các Hiệp định thương mại tự do, Hiệp định kinh tế đối tác xuyên Thái Bình Dương thời gian tới. Lúc đó, thuế suất các sản phẩm chăn nuôi sẽ giảm về 0% thì sự yếu thế của ngành nuôi gà trong nước sẽ càng bộc lộ rõ hơn.
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, giá thành chăn nuôi gà được cấu thành bởi các yếu tố con giống, thức ăn chăn nuôi, thú y, chuồng trại và trình độ kỹ thuật.
Trong các yếu tố trên, người chăn nuôi gà trong nước chỉ có lợi thế ở nhân công giá rẻ, còn các khâu khác gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Đặc biệt, đối với nguồn con giống gà công nghiệp (gà trắng) thì hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung của các DN có vốn nước ngoài.
Điều này đòi hỏi ngành chăn nuôi cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để hỗ trợ người chăn nuôi thoát khỏi cảnh càng nuôi càng lỗ như hiện nay.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 80 trang trại chăn nuôi gà với tổng đàn hơn 2 triệu con, trong đó có 2 trại gà giống, 2 trại của công ty nước ngoài, 50 trại chăn nuôi gia công cho các công ty nước ngoài như CP, Emivest, Japfa… và 26 trại nuôi tư nhân. Tuy nhiên, hiện nay các công ty chăn nuôi gia công cũng đang chủ động thu hẹp quy mô để giảm lỗ.
Có thể bạn quan tâm

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương xem xét, xử lý theo thẩm quyền việc bãi bỏ quy định tạm đình chỉ nhập khẩu thịt bò từ Pháp trong trường hợp thịt bò nhập khẩu từ nước này đáp ứng điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam về nhập khẩu mặt hàng này.

Mô hình triển khai tại 2 huyện Châu Thành, An Biên và TX.Hà Tiên từ tháng 5.2014. 15 hộ nuôi thử nghiệm áp dụng phương thức nuôi trong chuồng bao lưới kết hợp với thả vườn để giảm chi phí đầu tư thức ăn. Nông dân tham gia được Trung tâm KNKN Kiên Giang hỗ trợ 60% tiền giống, 30% tiền thức ăn.

Tham gia dự án, các hộ gia đình được quy hoạch chăn nuôi theo vùng, được tập huấn tiếp cận khoa học công nghệ chăn nuôi an toàn, kỹ thuật quản lý, sản xuất, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, hỗ trợ xây dựng công trình bể bioga. Ngoài ra, địa phương còn được dự án đầu tư hỗ trợ nâng cấp các cơ sở giết mổ, chợ buôn bán thực phẩm tươi sống.

Cùng với phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi được xác định là thế mạnh của kinh tế hộ ở các huyện miền núi tỉnh ta. Tuy nhiên, tại các địa phương, chăn nuôi chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ.

Ngày 7-10, Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Thanh Hóa (Agribank Thanh Hóa) phối hợp với Công ty Cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông tổ chức Lễ ký Biên bản thỏa thuận hợp tác cho vay vốn đối với khách hàng mua máy nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ/TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.