Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Được Mùa Cá Ruộng

Được Mùa Cá Ruộng
Ngày đăng: 15/11/2013

Hiện nay, nông dân xã Trường Long A, huyện Châu Thành A (Hậu Giang), bắt đầu dọn đồng chuẩn bị bơm nước sạ lúa Đông xuân. Đây cũng là lúc bà con thu hoạch vụ cá nuôi trên ruộng với niềm phấn khởi được mùa, được giá.

Từ tờ mờ sáng, ông Bùi Thanh Dũng, ở ấp Trường Lợi A, cùng một số thanh niên đã ra đồng thu hoạch cá. Dù trầm mình trong nước lạnh để kéo cá, nhưng ông rất vui bởi những mẻ cá thu được đa phần là cá lớn. Chỉ tay vào những con cá mè trắng to tròn, ông Dũng phấn khởi nói: “Nuôi cũng như năm rồi, cá mè trắng năm rồi 3 con mới đạt 1kg, nhưng năm nay khoảng 2 con là vô ký rồi”.

Theo ông Dũng, năm nay lũ lớn, giúp đất ruộng xổ được phèn, nguồn thức ăn trong tự nhiên cũng dồi dào, nên cá rất mau lớn.

Được biết, khi vụ lúa Thu đông đã chín, ông Dũng mua 96kg cá mè trắng, cá chép, mè vinh thả vào ruộng lúa. Nuôi theo hình thức này chỉ tốn tiền con giống, thức ăn được cá tìm kiếm trong tự nhiên, không tốn tiền mua hoặc tốn công kiếm mồi như những hình thức nuôi khác.

Điều làm ông phấn khởi nhất ở vụ cá ruộng mùa lũ năm nay có giá bán cao hơn năm rồi từ 5.000-7.000 đồng/kg. Năm 2012, ông bán chỉ có 14.000 đồng/kg, năm nay ông bán được 21.000 đồng/kg, cá nhỏ thì 18.000 đồng/kg. Dù chưa thu hoạch hết nhưng ông Dũng ước vụ này được khoảng 2,3-2,4 tấn. Theo ông Dũng, năm rồi ông thả cá giống cũng bằng năm nay, nhưng năm rồi cá nhỏ hơn, thu hoạch được 2,1 tấn, thu nhập được trên 20 triệu đồng, năm nay chắc chắn thu nhập sẽ cao. “Mấy tháng nước nổi đâu có làm gì ra tiền, thu nhập từ nuôi cá ruộng thấy vậy cũng đỡ dữ lắm. Tiền bán cá dư dùng cho chi phí bơm nước vụ lúa Đông xuân” - ông Dũng khẳng định.

Nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi ngoài cho thu nhập khá thì còn mang lại nhiều lợi ích khác. Bốn năm liên tiếp nuôi cá trên ruộng, ông Trần Văn Mịn, ở ấp Trường Lợi A, nhận thấy rõ 1,3ha ruộng lúa sau khi nuôi cá mùa lũ thì sạ lại vụ lúa Đông xuân giảm đáng kể chi phí chăm sóc. “Ruộng nuôi cá nó ăn sạch ốc con, không còn ốc bươu vàng nên rất an toàn; cá cũng ăn cỏ, gốc rạ cho ruộng sạch cỏ. Hơn nữa, ruộng nuôi cá có rất nhiều bùn nên không có tuyến trùng gây hại cho lúa” - ông Mịn rút ra kinh nghiệm.

Năm nay, ở ấp Trường Lợi A, phong trào nuôi thủy sản phát triển mạnh, Trưởng ấp Trường Lợi A Lê Công Khanh cho biết: “Năm rồi, ở ấp này nuôi khoảng 5ha cá ruộng, năm nay tăng lên 10ha. Với hiệu quả của mô hình này, năm tới bà con sẽ nuôi nhiều hơn”.

Theo anh Củng Minh Triều, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật - nông nghiệp xã Trường Long A, năm nay nông dân Trường Long A thả nuôi 155ha thủy sản, trong đó cá ruộng 84ha. Với giá cá hiện nay, những hộ nuôi theo hình thức sau vụ lúa Thu đông, không đầu tư thức ăn sẽ đạt lãi khoảng 2,5-7 triệu đồng/ha, những hộ nuôi sớm, có đầu tư thức ăn, năng suất, lợi nhuận sẽ cao hơn.

Song song với nuôi cá ruộng mùa lũ, nông dân Trường Long A còn phát triển nghề nuôi cá trong vèo. Đây là mô hình được nhiều hộ nghèo, không có đất sản xuất lựa chọn. Bà con nuôi được 125 vèo cá các loại (chủ yếu là cá lóc), mỗi vèo khoảng 300-2.000 con, nhiều hộ nuôi 2-3 vèo. Mùa nước nổi, bà con rất dễ kiếm mồi cho cá ăn, nhờ vậy mà không tốn chi phí. Hiện nay, cá lóc nuôi có giá khoảng 27.000-30.000 đồng/kg (cỡ 2 con/kg), với giá này nếu hộ nuôi một vèo 1.000 con, tỷ lệ hao hụt 50% thì cũng còn thu nhập từ 6-8 triệu đồng, hộ chăm sóc tốt sẽ có tỷ lệ hao hụt thấp, thu nhập cao hơn. Đây là khoản thu nhập đáng kể của nông dân, nhất là đối với hộ nghèo, khó khăn.

Kinh nghiệm của nông dân nuôi cá ruộng cũng như nuôi cá trong vèo là muốn bán có giá, lợi nhuận cao thì phải thu hoạch trước thời điểm bơm nước sạ lúa Đông xuân, nếu không thu hoạch kịp thì cho cá về mương chứa lại, đợi cá đồng ngoài thị trường hiếm thì xuất bán. Cách làm này đã được nhiều hộ nuôi cá trên ruộng áp dụng cho hiệu quả cao. Riêng các hộ nuôi cá trong vèo cũng neo lại đợi hết cá đồng ngoài thị trường hoặc dịp tết mới xuất bán, giá có thể tăng gấp đôi lúc bình thường.

Mặc dù nuôi thủy sản trên ruộng và trong vèo cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng diện tích này ở xã Trường Long A còn khiêm tốn so với diện tích đất lúa của xã gần 2.000ha (nhiều nhất huyện); diện tích mặt nước ao, mương, kênh rạch cũng không nhỏ. Vì vậy, huyện Châu Thành A sẽ có kế hoạch quy hoạch diện tích nuôi thủy sản ở xã này đến năm 2020 lên 320ha, giúp cho nhiều hộ dân áp dụng, nâng cao thu nhập kinh tế gia đình, góp phần giúp tăng trưởng kinh tế xã nhà.


Có thể bạn quan tâm

Tập Huấn Kỹ Thuật Sản Xuất Giống Tôm Càng Xanh Tập Huấn Kỹ Thuật Sản Xuất Giống Tôm Càng Xanh

Trung tâm Giống thủy sản An Giang vừa tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật sản xuất giống tôm càng xanh theo quy trình nước trong hở kết hợp Ozone và thảo dược Diệp hạ châu”.

22/08/2013
Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản Theo Hướng Công Nghiệp Ở Hà Tĩnh Phát Triển Nuôi Trồng Thủy Sản Theo Hướng Công Nghiệp Ở Hà Tĩnh

Với thuận lợi được bao quanh bởi sông Rào Cái và sông Cày cùng nhiều diện tích ao hồ mặt nước, những năm qua, TP Hà Tĩnh chú trọng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng công nghiệp. Nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư các giống mới vào nuôi trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học kịp thời nên năng suất đạt cao, tạo thu nhập ổn định, mở hướng thoát nghèo mới.

24/05/2013
Đưa Nghề Nuôi Chim Yến Phát Triển Bền Vững Đưa Nghề Nuôi Chim Yến Phát Triển Bền Vững

“Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà” là đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng được Công ty Yến sào Khánh Hòa triển khai từ năm 2011, góp phần đưa nghề nuôi chim yến trong nhà trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển bền vững.

22/08/2013
Đến Với Người Trồng Lúa Đang Khốn Khó Đến Với Người Trồng Lúa Đang Khốn Khó

Đoàn công tác của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) phối hợp với công ty thành viên của mình ở Tây Nam Bộ vừa kết thúc hành trình 1 tuần lễ tặng phân bón cho nông dân nghèo trồng lúa ở các tỉnh ĐBSCL.

23/07/2013
Hội Thảo Đánh Giá Mô Hình Thử Nghiệm “1 Phải, 6 Giảm” Hội Thảo Đánh Giá Mô Hình Thử Nghiệm “1 Phải, 6 Giảm”

Ngày 17-8, Dự án Cạnh tranh nông nghiệp (ACP) thuộc Bộ NN&PTNT phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ, Sở NN&PTNT Tiền Giang tổ chức hội thảo sơ kết mô hình sản xuất lúa “1 phải, 6 giảm” tại HTX nông nghiệp Bình Tây, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang).

22/08/2013