Đừng Để Người Chăn Nuôi Heo Tự Bơi!
Giá heo hơi giảm ở mức thấp, người chăn nuôi heo liên tiếp thua lỗ nặng trong thời gian qua. Đặc biệt, những tháng đầu năm 2013, giá heo hơi chỉ còn 3,3-3,7 triệu đồng/tạ và duy trì trong thời gian dài và tăng lên mức 4,7-4,9 triệu đồng/tạ vào những tháng cuối năm.
Sang năm 2014, giá heo hơi đạt mức 5 triệu đồng/tạ nhưng sau đó đã nhanh chóng giảm xuống còn 4,8-4,9 triệu đồng/tạ và duy trì mức giá này cho đến nay. Thị trường heo hơi có nhiều biến động nhưng giá thức ăn gia súc và nhiều chi phí đầu vào phục vụ chăn nuôi như: thuốc thú y, điện, nước… trong xu hướng ngày càng tăng cao.
Theo nhiều người chăn nuôi heo ở TP Cần Thơ, giá heo hơi phải ở mức từ 4 triệu đồng/tạ trở lên mới có thể đảm bảo cho người chăn nuôi heo có lời. Hiện nay, giá heo hơi loại tốt ở mức 4,9 triệu đồng/tạ.
Nếu nuôi khéo, nhiều người chăn nuôi heo có thể đạt mức lợi nhuận từ 800.000-1.000.000 đồng/con heo 100kg. Song, mức lợi nhuận trên vẫn chưa thể hấp dẫn người nuôi tái đàn heo do nguy cơ bị rủi ro trong chăn nuôi vẫn đang rất lớn. Bởi giá cả đầu ra còn bấp bênh và các dịch bệnh trên heo còn diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, muốn đầu tư nuôi heo phải bỏ ra một chi phí không nhỏ. Trong khi đó, qua nhiều đợt chăn nuôi thua lỗ, nhiều người chăn nuôi heo rơi vào tình trạng thiếu vốn và khó tiếp cận các nguồn vốn vay mới do chưa thanh toán hết nợ cũ.
Theo bà Nguyễn Thị Hai ở ấp Tân Long A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, trước đây, gia đình bà lúc nào cũng nuôi từ 4-5 con heo nái và khoảng 30-40 con heo thịt trở lên. Năm 2013, giá heo hơi liên tục sụt giảm khiến bà bị lỗ vốn.
Hiện nay, gia đình bà chỉ còn duy trì nuôi 1 con heo nái và 8 con heo thịt. Bà Hai cho biết: “Giờ đây, tôi tự sản xuất con giống để nuôi và nuôi heo thịt với số lượng vừa phải chứ không dám nuôi nhiều như trước. Sợ đến lúc xuất bán heo lại giảm giá hoặc heo gặp phải dịch bệnh trong quá trình nuôi”.
Bà Ngô Thị Ngọc Ánh ngụ xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Giá heo hơi nhích lên, gia đình tôi rất phấn khởi vì có kế hoạch tái đàn heo để có thêm việc làm, cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, tôi cũng như một số bà con khác đều rất thận trọng! Nuôi với số lượng vừa phải, tự sản xuất con giống để giảm chi phí là cách tôi chọn để không bị lỗ lã như thời gian qua”.
Theo bà Ánh, sau những lần chăn nuôi heo bị thua lỗ, phần lớn nông dân rất ngán ngại khi bỏ ra bạc triệu để mua heo giống. Chưa kể, họ phải đầu tư tiền thức ăn, tiền thuốc thú y, điện, nước…
Đáng ngại nhất là nếu trong quá trình nuôi lỡ gặp phải dịch bệnh, heo bị chết là trắng tay. Còn nuôi suôn sẻ cho đến xuất bán cũng chưa chắc có lời vì giá đầu ra thường không ổn định.
Tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi trong nước, kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế của ngành đang thực sự là yêu cầu cấp thiết.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá thức ăn chăn nuôi và nhiều chi phí đầu vào cao, làm giá thành chăn nuôi heo của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trên thế giới. Điều này dễ dẫn đến tình trạng người nuôi heo phải bán sản phẩm dưới giá thành sản xuất, nhất là khi thịt heo được nhập ngoại nhiều.
Hơn nữa, phần lớn người chăn nuôi heo chưa được sự bao tiêu sản phẩm của các doanh nghiệp, phải tiêu thụ sản phẩm thông qua các thương lái nên dễ bị “ép giá” vào các thời điểm có thông tin dịch bệnh hoặc khi nguồn cung heo có dấu hiệu vượt cầu. Trong khi đó, các loại dịch bệnh trên heo diễn biến phức tạp có phần do chất lượng con giống chưa tốt; người dân chưa thực hiện tốt việc tiêm phòng vaccine cũng như tuân thủ theo quy trình chăn nuôi an toàn.
Để phát triển bền vững ngành chăn nuôi heo trong nước, rất cần các giải pháp hạ giá thành gắn với tăng cường liên kết “4 nhà”; đồng thời đảm bảo cân đối nguồn cung thịt heo trong nước nhằm ổn định đầu ra sản phẩm cho nông dân, hạn chế tình trạng nhập khẩu thịt heo.
Đầu tư nâng cao chất lượng con giống, phổ biến các kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi heo để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hạn chế tối đa các loại dịch bệnh trên heo cũng cần phải được quan tâm thỏa đáng…
Đã đến lúc không thể để người nuôi heo “tự bơi”! Nhất thiết phải có sự vào cuộc tích cực từ các cơ quan chức năng, sự hợp lực của tất cả các bên có liên quan trong chuỗi giá trị ngành chăn nuôi heo, góp phần vực dậy nền chăn nuôi trong nước.
Có thể bạn quan tâm
Trước mùa rét, người chăn nuôi cần chuẩn bị chống rét, chống đói cho gia súc như sau: chuồng nuôi, vật liệu chống rét, thức ăn, nước uống, phòng trừ dịch bệnh.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết từ nay đến hết tháng 2-2016, cục sẽ triển khai liên tục các đợt kiểm tra chất cấm trong chăn nuôi ở 63 tỉnh, thành cả nước, tập trung 8 địa phương trọng điểm.
Trồng chôm chôm và điều trên diện tích 3 ha thuộc ấp Suối Cam, xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài, gia đình anh Trần Công Bằng có thu nhập ổn định mỗi năm từ 200 - 250 triệu đồng. Đây là con số mơ ước của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh.
Hiện huyện Châu Đức (Bà Rịa Vũng Tàu) có khoảng 150 hộ nuôi 4500 đàn ong. Nghề nuôi ong lấy mật đã và đang đem thu nhập ổn định cho nhiều người.
Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam đang áp dụng hình thức quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc thú y, thức ăn trong chăn nuôi, trong đó có biện pháp tầm soát dư lượng chất cấm ngay từ khi heo giống nhập chuồng và chuẩn bị xuất bán ra thị trường.